Những kỉ niệm về Nguyễn Sáng

Những kỷ niệm về Nguyễn Sáng

Đỗ Đức

Tôi gặp Nguyễn Sáng vào năm 1967, khi về học tại Đại học mỹ thuật Hà Nội, trong lần đến thăm ông tại căn hộ trên chục mét vuông tại số nhà 65 phố Nguyễn Thái Học. Nhìn ngoài, dáng vẻ ông lầm lì , không dễ gần. Nước da lá chuối nướng tái sẫm thêm do rượu, lại càng khiến ông lẫn hẳn vào hàng ngũ những người lao động bần hàn. Liếc nhìn sang tôi, ông hỏi: em học gì.? Khi biết tôi học vẽ thì ông nhỏ nhẹ : 5 năm đại học nhanh lắm, cố nghiên cứu hình họa cho vững rồi sau ra trường tha hồ mà múa! Sau này có lần trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thụ, ông cũng bảo Nguyễn Sáng là người rất trọng hình họa. Khi chuyện trò về nghề, ông luôn đặc biệt đề cao hình họa. Về sáng tác ông bảo: Hãy nắm lấy triết học mà vẽ, đừng vẽ theo chính sách. Ông giải thích đại khái rằng cái triết học mà ông nói chhính là qui luật biện chứng của tự nhiên (điều này mãi mấy chục năm sau tôi mới dần hiểu). Còn về chính sách, ông bảo nó luôn là thứ vụ lợi, lật mặt như bàn tay, vì chính sách chỉ để giải quyết công việc trong một giai đoạn. Vẽ theo nó chỉ ra những sản phẩm tuyên truyền, mà không thể là tác phẩm nghệ thuật. Tôi nghe chỉ biết vậy. Đôi lúc nghĩ tới những điều ông nói thấy mông lung khó hiểu. Lại nhớ chuyện ông đã từng bị coi là nhân văn giai phẩm có lẽ chính từ những câu nói, cách nghĩ này. Có biết đâu rằng một thời tiếp nhận một nền chính trị quan phương, khiến tôi bị hẫng và nghi ngờ khi nghe những điều ông nói.
Bây giờ khi ông đã đi xa, tôi mới dần hiểu rằng mình thật hạnh phúc vì đã được diện kiến với ông dù chỉ một hai lần. Những lần trò chuyện ít ỏi ấy, tôi đã cố gắng lắng nghe, và may mắn đã ngộ ra khá nhiều điều cho đời sống nghệ thuật của mình .
Khi xem bức tranh khắc gỗ Tình quân dân được sáng tác sau chiến dịch biên giới 1950, tôi đã nhận ra cái tài của ông khi cố ý dùng nét khắc để diễn tả một buổi chiều đang xuống ở một bản Tày. Những người lính và dân bản xúm xít ở vùng trung tâm tranh, ông dùng nét diễn tả ở không gian sáng bình thường. Nhưng phía rìa tranh thì ông lại dùng nét âm (nền đen nét trắng), để người xem cảm nhận được bóng tối đang thu dần không gian . Khi tôi hỏi ông sao không vẽ trận Phay Khắt – Nà Ngần, bắt Lơpa – Sactong, thì được ông giải thích như một chính trị viên : em phải nhớ tình quân dân mới là cái gốc của chiến thắng. Trận đánh dù thắng lớn, thì nó cũng vẫn chỉ là dấu chấm hết cho một chiến dịch, là một câu kết của bài văn mà thôi. Ông nhìn tôi rộng lượng : Anh vẽ cái gốc, thằng em ạ. Không có tình quân dân thì không có chiến thắng ấy đâu. Thế nên nghệ thuật mới phải cần một cái đầu biết suy nghĩ. Tôi cảm nhận được sự ân cần của một người anh, một người thày trong lời trò chuyện bình dị . Đó là cái rất thiếu ở nhiều họa sĩ hôm nay, khi mà họ mới phấn đấu có được tí danh phận, hoặc may mắn kiếm được tiền từ bán tranh đã sớm phồng mang trợn mắt đại ngôn, dù chẳng dọa được ai.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Tường, người Nam Định kể chuyện vào thập kỷ 60 thế kỷ 20, tỉnh có mời ông về sáng tác. Ông vẽ tháp Phổ Minh. Đó là bức sơn mài khổ lớn. Đã có ý kiến qua lại khi ông đang lên tranh : Sao họa sĩ không vẽ cấy chăng dây thẳng hàng nhỉ? (Lúc ấy phong trào cấy chăng dây thẳng hàng theo kỹ thuật mới đang thịnh hành mà). Biết thế, Trọng Tường bảo sao anh không giải thích cho họ hiểu, thì ông lắc đầu : Muốn hiểu nghệ thuật thì phải được giáo dục, phải học chứ giải thích sao nổi!
Bức sơn mài làm xong, tỉnh hỏi giá, ông nói giá ba nghìn đồng. một cán bộ tỉnh tham mưu cho lãnh đạo : Ba nghìn là giá chiếc sitđờca (môtô 3 bánh), tỉnh đang cần xe để đi công tác thì mua tranh làm gì. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng làm việc ở Bảo tàng mĩ thuật kể rằng lúc ấy đoàn công tác của Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam do giám đốc họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn đầu đang có mặt ở đó, nghe thấy thế thì đề nghị nếu tỉnh không lấy, sẽ mua cho Bảo tàng. Có lẽ nghi là bức tranh có giá trị, tỉnh lúc ấy mới quyết định giữ lại.Theo lời Trọng Tường thì sau đó tranh đã có lúc được kê làm bàn học, rây bẩn cả mực tím vào. Chẳng rõ bây giờ nó lưu lạc ở đâu. Bức tháp Phổ Minh ở bảo tàng hiện nay là bức bảo tàng đặt làm lại sau này.
Lần sau cùng gặp Nguyễn Sáng tại nhà 65 Nguyễn Thái Học, cũng vào cuối những năm 70 , thì ông đã bộc lộ dấu hiệu của bệnh tâm thần. Ông lo lắng sợ bị đặt máy nghe trộm ở gót chân, nên đi đâu, nói gì đều sợ bị ghi âm hết. Thời gian này ông vẽ bức sơn mài Vũ trụ, diễn tả con người như đang bay tự do giữa trời cao, như cánh diều len vào giữa những vì tinh tú…Một khát vọng không gian đến nghẹt thở.

***
Về Nguyễn Sáng thì đã có nhiều lời bàn và đánh giá. Với Lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, ông đương nhiên là con đại bàng cả về độ cao và tầm xa trong tư duy sáng tác. Từ Tình quân dân, Giặc đốt làng tôi, Hành quân mưa, Kết nạp Đảng ở Điện Biên, đến Bình dân học vụ, Thanh niên thành đồng, Tình cảm họa sĩ và Vũ trụ, đã minh chứng trước mỗi chuyển biến của đất nước, ông đều cho ra tác phẩm như những cột mốc đánh dấu. Thành quả ấy đã làm nên một Nguyễn Sáng – họa sĩ cách mạng số Một trong con mắt của giới sáng tác mỹ thuật.
22/8/2007