( tiếp theo kì trước)
…Bởi thế Tân Thành như một ốc đảo trên sa mạc xanh.
Ông già Tày ở bản Gia Hòa người nhỏ nhắn, trắng trẻo và dáng vẻ phong lưu như anh cán bộ văn phòng nhưng lại là một lão nông chi điền kỳ cựu. Ông có hai cô con gái. Cô nhỏ tên là Thuốm, cô lớn tên là Thầm. Dân bản gọi ông theo tên con gái đầu lòng giống như cách gọi của người Kinh ở dưới xuôi. Còn tên thật của ông không ai biết Mà lâu rầy có lẽ ông cũng quên cả tên mình. Có chăng tên ông chỉ còn lưu trong hồ sơ nhân khẩu xã. Cái tên Thầm gợi cho người nghe như có chuyện gì kin kín, bí mật. Nhưng cái tên Thuốm thì lại không thể luận ra là cái gì nữa. Bóc cái tên khó hiểu kia đi, cô Thuốm thực là một hoa khôi. Cô được thừa hưởng nước da sáng của bố và tính tình hiền dịu của mẹ. Trông lúc nào cũng thấy cô bẽn lẽn như thể con nhà khuê các, nhưng việc nương rẫy, cô lại xốc vác như một nam nhi. Nhà không con trai nhưng ông có cả gần ngàn gốc quýt bộp, dãy soi mía xương gà ngút tầm mắt, đó là chưa kể đến hàng mẫu lạc và đậu tương. cơ ngơi của ông hơn hẳn mọi nhà trong xã. Cũng bởi có cái đầu biết tính. Chẳng biết bố con ông xoay xở thế nào mà mọi việc đều êm xuôi cả..
Chiếc xe đạp Phượng Hoàng quí hơn Drem Thái bây giờ được treo lơ lửng ở góc sàn. Ai nhìn cũng phải sáng mắt ra. Ông khoe đó là hàng đối lưu của nhà nước khi ông bán đậu tương vượt mức vận động. Ông thèm vời được một tấm chồng cho Thuốm, cô con gái út, để giúp ông quản lý cái tài sản cả ngàn gốc quýt và mấy mẫu soi mía, lạc, đỗ tương. Ông muốn được rảnh rang để đi chơi đây đó. Mình già rồi, bây giờ còn sức đi được đâu thì cố mà đi. Nhưng dòm mãi vẫn mãi vẫn chưa chọn được đứa nào ưng ý..Có lần ông đã thổ lộ trong bữa cơm: Bác cho anh cái Thuốm đấy. Lúc ấy tôi chỉ biết cắm cúi vào học, đâu đã nghĩ đến chuyện lấy vợ…Thế mà đã bốn mươi hai năm rồi, tôi chưa lần nào trở lại được Gia Hòa, Tân Thành để thăm lại vùng đất xưa nên chẳng biết ai còn ai mất. Cô Thuốm năm xưa khoảng mười tám thì giờ đây đã ngót sáu mươi. Nhưng vì thế mà trong tôi cô vẫn ở tuổi mười tám, vẫn đẹp như ngôi sao băng. Có lẽ cứ thế lại tốt hơn. Mới đây, khoảng sau năm 2000 lại thấy vườn quýt bộp hàng ngàn cây của ông được tờ Dân tộc và miền núi của Thông tấn Xã Việt Nam nhắc tới như là điểm sáng đặc biệt, như là sự phát hiện tinh khôi mà kì tình nó có mặt đã trên 40 năm nay rồi. Tôi chắc ông Thầm vẫn còn, một lão nông chi điền đã biết làm kinh tế trang trại từ bao giở bao giờ.
Ông kể cho tôi nghe chuyện từ lâu đã từng lần mò về xem bến cảng Hải Phòng, đến nhà máy xay Thái Bình “ xem chơi”.
Rồi lại tò mò hỏi han suýt bị công an bắt giam, bị nghi là gián điệp. Lúc ấy vẫn phân chia hai miền Nam Bắc. Đấu tranh thống nhất đang vào giai đoạn quyết liệt. Chiến tranh đã thập thò đầu ngõ nên toàn dân thực hiện ba không : không biết- không nghe- không thấy. Ai bảo ông vi phạm luật “ba không”. Lúc ấy bép xép ở quán nước, nói đùa chỗ đông “mất lập trường” là bị công an hỏi thăm như chơi, tơ lơ mơ là dễ thành đồ hiến tế cho muỗi. Những chuyến đi ấy của ông là thứ du lịch tự phát, là mầm mống của du lịch sau này. Còn trong từ điển đời sống lúc ấy làm gì có hai từ du lịch. Nhà báo Huy Phương của tờ Việt Nam độc lập, khu tự trị Việt Bắc đi công tác vào ngày trời nóng đánh mayô, quần đùi, vai đeo máy ảnh gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng bị Công an xã Cao Kỳ (Thái Nguyên) trông khả nghi bị bắt liền. Bất ngờ họ phát hiện trong túi dết có dây câu và hộp giun giắt theo (chả là ông này thích câu cá, đi đâu cũng thủ theo đồ nghề) thì ắt chỉ là gián điệp mới trang bị kĩ càng đến thế. Sự cảnh giác tràn lấp trong xã hội đẩy đến mức cực đoan. Ai muốn hỏi đường, thường bị cật vấn khai tên tuổi, quê quán, hỏi với mục đích gì. Nếu là thăm người thân, họ hàng thì đơn giản, biết thì được chỉ dẫn ngay. Còn hỏi công trường, cơ quan, xí nghiệp trường học thì coi chừng. Không những không được chỉ bảo ngay mà còn dễ bị báo công an, bị tóm. Rồi phải khai báo cho rõ thân phận mới hòng đi tiếp. . Lần ấy Huy Phương dù đủ thẻ phóng viên, giấy giới thiệu có triện đỏ chót cũng bị coi là giả. Ông bị tống giam luôn. Đến khi công an gọi được điện thoại xác minh thì đã mất 2 ngày trong nhà giam huyện. Khi được thả cũng không được nửa lời xin lỗi…Họa sĩ Sĩ Tốt cũng từng bị bắt như vậy ở Phú Thọ khi đi kí họa.
Lúc ấy người dân ai cũng có thể là một công an.
Trích” Mây tụ đầu non”-2008