…Con đường từ Thái Nguyên đi Lạng Sơn theo hướng Võ Nhai – Đình Cả, La Hiên có một địa danh nghe không ra Thổ cũng chẳng hẳn giống Kinh, đó là Ngả Hai, cách thành phố Thái Nguyên trên ba chục cây số. Nơi ấy trước năm 1966 đã có một con đường lâm nghiệp chui dưới tán rừng xuyên qua xã Tân thành rồi lại tòi ra Háng Pài của huyện Bắc Sơn mà người Kinh gọi là Chợ Bãi. Còn lùi sâu thêm nữa là Suối Tác. Một cái tên nghe như tiếng con hoẵng lạc giữa rừng đêm.
Suối Tác bốn mươi năm qua liệu đã có gì mới. Chắc rằng nếu bây giờ trở lại tôi cũng không nhận ra. Đó là một vùng đất phẳng tràn ngập những cây mơ đã sang thời cằn cỗi . Dưới chân chúng là cỏ gianh. Cỏ gianh mọc rậm lút đầu, chiếm trọn mặt đất. Không một mái nhà, không một bóng người. Xưa kia đây đã từng là một làng đông đúc. Vì lẽ gì mà họ đã bỏ đi, chúng tôi không biết, mà cũng chẳng thể có ai mà hỏi. Về Tân Thành thì chỉ nghe lõm bõm đó là làng toàn dân miền xuôi, họ lên khai hoang, rồi gần như bị bỏ rơi, nên đã bỏ trở về quê cũ. Chuyến đi mua cỏ gianh về lợp mái nhà khu sơ tán phải đi qua Suối Tác bây giờ nhớ lại vẫn thấy rờn rợn. Mơ hồ đâu đó ông Khái đang rình mò mùi thịt sống. Nghe bảo hổ thích sống ở vùng cỏ gianh. Tôi đồ rằng không phải thế, mà chính đó là nơi quần tụ của loài thú ăn cỏ, nên chú khái rình mò miếng ăn đó thôi.
Những chiếc Praga hai cầu lặc lè chẳng biết chở gì. Lá ngụy trang kín mít âm thầm chạy xuyên đêm qua rừng Bắc sơn. Áp tải trên xe là lính, thì chắc chắn hàng trên xe là hàng quốc phòng. Lúc ấy Mỹ đang leo thang bằng không quân toàn miền Bắc. Không ngày nào là không nghe tiếng động cơ phản lực ùng oàng đâu đó. Mặt đất thì đặc màu xanh áo lính. Còn tiếng động cơ xe tải hạng nặng thì chiếm gọn không gian. Những năm ấy rừng Bắc Sơn đại ngàn nguyên sinh chưa có vết dao nào đụng đến những thân đại thụ. Chỉ những công nhân lâm nghiệp chân quấn xà cạp, mặt kín bưng như phụ nữ Hồi Giáo, hàng ngày âm thầm đi dọn dẹp dây dợ và cỏ rả dưới tán rừng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đây là khoảng lặng hiếm có trong không khí cả nước có chiến tranh. Bên đường đôi lúc bất chợt một chú cheo nhỏ vọt qua, phóng biến vào rừng không để lại tiếng động, như trẻ con chơi trò ú tim. Có lần thấy cả những con trĩ trắng to như ngỗng thập thò ngắm người qua đường. Lúc ấy nó mới chỉ ngại chứ chưa biết sợ người. Năm ấy, trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc ở Khe Mo ngại bom đánh, được sơ tán lên đây, tọt vào giữa lòng rừng. Khu trường được kín đáo ẩn hai bên dòng suối vô danh. Nước luôn xanh vắt bốn mùa, thỉnh thoảng lại có chim trĩ đến thập thò phía bên bìa núi. Nó cứ lắc lắc cái đầu như thể có chuyện gì không vừa ý. Còn chim nua, chim cu xanh bốn mùa lụ sụ trong cái áo bông sù màu lá già thì nhiều vô thiên lủng. Chúng chậm và hơi ngờ nghệch. Mùa hè khi quả đa chín mọng cả đàn cả lũ cùng kéo nhau về, rồi quẩn quanh cả tháng ở khu rừng như trảy mùa lễ hội. Hai loài chim này đều thích đa chín đến mức mê muội. Lũ học sinh chúng tôi dùng súng cao su tỉa từng con. Con nào chết con ấy biết. Thấy con đậu cùng cành rơi, con kia chỉ ngoái cổ nhìn rồi lại cắm cui rỉa mổ, không bận tâm gì. Có chú hoẵng non đôi khi cũng tạt về liếm nước bên suối, mắt đảo như rang lạc, cảnh giác. Những đêm trở giời tiếng hươu tác hoang xa nghe buồn rưn rứt. Trên một thân đại thụ, con tắc kè điểm nhịp ba, những tiếng tắc trong nhịp cuối rã ra như đang sa vào cơn buồn ngủ.
Sau bức tường thành đại ngàn ấy là một xã toàn dân Tày, nhưng lại mang cái tên Kinh đặc: Tân Thành. Chắc chắn đó phải là cái tên của thời cách mạng đặt cho. Bản này xa quốc lộ nên bom Mỹ tha không đếm xỉa suốt cả cuộc chiến tranh phá hoại.
Trích ” mây tụ đầu non”-2008