( Trẻ trồng na/ già trồng chuối- thành ngữ Việt)
doduc
Ở nông thôn thì trăm phần trăm gia đình đều gắn bó với loài cây này. Đó là cây chuối. Mỗi nhà dù đất chật hẹp cũng vài ba bụi.
Người ta trồng chuối lấy thân chuối làm rau chăn lợn, lấy quả để ăn, còn lá thì dùng gói ghém…Chả có gì trên cây chuối bỏ đi cả!
Bạn có để ý khi một con người nằm xuống, trên nắp áo quan có một khoanh thân chuối đặt lên để cắm nhang. Hai bên linh sa người ta để hai cây chuối non, đánh cả gốc còn củ hẳn hoi.
Chuối là giống cây khá đặc biệt. Tất cả các cây chuối đều sinh ra từ mầm củ của gốc. Mỗi tàu lá xuất phát từ một bẹ lá, các bẹ lá ôm khít lấy nhau. Lá chuối già khô đi, tàu và bẹ vẫn không rụng xuống gốc, bẹ lá dù khô nát vẫn ôm thân chuối. Lá chuối dù gió to bão giật chỉ rách nát trên tàu mà không rời trừ khi bị dao cắt. Chuối ra hoa, từng nải quả quay quanh thân lõi. Hoa chuối bao giờ cũng nở đến bông cuối cùng. Nải chuối được đặt lên bàn thờ vào ngày lễ tiết không phải là ngẫu nhiên. Bởi đó chính là tinh hoa của giống nòi mới được vị trí trung tâm trên án thờ là vì vậy. Sâu sắc lắm.
Đến đây thì ta hiểu cây chuối như tinh thần một gia đình thu nhỏ, vững bền dù thân chuối rất yếu mềm. Biểu tượng chuối là có thủy có chung, là nhân cốt tình người, là cái gốc nhân nghĩa, nên khi một người ra đi, một khoanh chuối cắm nhang, và đôi cây chuối nhỏ bên linh xa kia là để nhắn gửi với người nằm xuống cái tình thương nhớ của người sống với kẻ ra đi, sẽ là mãi mãi như thân chuối kia…
Ý nghĩa là vậy nhưng ít người biết lắm.
Mọi người làm việc đó theo một thói quen bày đặt từ trước mà không mấy khi tìm hiểu ngọn nguồn.
Người Mường cũng vậy, 3 ngày tết người ta chặt khoanh chuối lập ban thờ ở cửa vóng để cắm nhang khi bày cỗ cúngmời vong tộc về ăn tết. Sau 3 ngày thì bỏ đi.
Trong nhà người Mường không có bàn thờ. Bàn thờ chỉ lập ba ngày tết để mời người đã khuất về ăn tết với con cháu. Hết ba ngày tết thì trở về với miền sống của họ. Âm dương cách biệt với người Mường sâu sắc rạch ròi hơn người Việt, và đơn giản hơn nhiều!
Chúng ta quan sát một tí, sẽ thấy văn hóa sống của cha ông sâu sắc lắm chứ không nông toèn như mấy câu khẩu hiệu võ mồm, mà nó lặn vào trong các nghi thức. Khi vận động giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, người ta lại định phá bỏ nghi thức thì thật là chuyện buồn cười vì đó là người chẳng hiểu biết gì về văn hóa lại đi làm văn hóa! 29/9/2014
( pc-Chuyện cây chuối trong ngày tang lễ này được tìm hiểu qua một thày cúng. Nhưng bây giờ nhiều thày cúng làm như vậy mà hỏi thì thày cũng không biết để giải thích.)