doduc
Tranh Hàng Trống ra đời sau tranh Đông Hồ khi đô thị phát triển. Là loại tranh phục vụ cho thị hiếu của người phố phường kẻ chợ. Tranh có khuôn khổ lớn hơn, kể cả tranh thờ, tranh đền phủ.
Tranh Hàng Trống nghệ nhân chỉ khắc bản nét còn lại là tô màu. Vì là loại tranh khổ lớn nên khi in để ngửa ván, bôi màu rồi áp tờ giấy lên, xoa nhẹ cho mực bám vào, khi in xong bản nét nghệ nhân tô bằng tranh màu phẩm, chứ không in toàn bộ bằng ván khắc như cách làm tranh Đông Hồ.
Màu sử dụng để tô loại tranh này thường là phẩm màu, mực nho. Giống như cách làm tranh Đông Hồ, màu tô tranh thường được làm từ nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, củ nghệ, hoa hòe, quả dành, than tre, lá chàm… Sau này người ta dùng màu phẩm công nghiệp màu tươi nhưng không bền vững lắm, chỉ vài năm là phai mờ dân..
“Cản” là cách tô màu đặc biệt của nghệ nhân tranh Hàng Trống. Kỹ thuật “cản” làm cho màu đậm từ nét và nhẹ dần ra phía ngoài tạo nên sự uyển chuyển của khối của hình. Cách tạo khối ở tranh Hàng Trống cũng chỉ mang tính ước lệ nhưng hiệu quả thẩm mỹ lại rất cao. Nó gây ấn tượng ảo về khối khi tạo được sự chuyển động trong hình làm cho tranh sinh động vì thuận mắt. Cũng như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống người ta cũng sản xuất theo mùa vụ, phục vụ cho ngày Tết, ngày hội. Tranh tín ngưỡng để thờ cúng thì làm theo đặt hàng.
“Mượn hình gửi ý” là tinh thần của cách làm tranh dân gian. Có lẽ nó chịu sự ảnh hưởng từ Nho học, trọng chữ hơn tranh, coi chữ chứa đựng tư tưởng, còn tranh thì chỉ là hình ảnh minh họa.
Tranh thủy mặc truyền thống của Trung Quốc bao giờ cũng có phần chữ làm cốt. Đó có thể là bài thơ câu thơ hoặc một triết lí về nhân sinh quan, về vũ trụ quan nào đó của thi nhân hoặc của triết gia danh tiếng. Các nghệ nhân tranh Đông hồ, Hàng Trống của ta trong các bức tranh cổ nhất bao giờ cũng có chữ. Nhưng có cái khác là nội dung gửi gắm rất dân giã, thường gắn vào cuộc sống gần gũi hàng ngày như tranh gà tranh lợn, tranh chuột cóc , bé ôm vịt ôm gà…Các nghệ nhân chỉ mượn những hình ảnh đó để mô phong một câu chuyện đời sống có tính ca ngợi hoặc giáo dục. Nên tranh dân gian Việt Nam có khá nhiều bức chứa đựng tinh siêu thực.
Lấy ví dụ bộ tranh tứ bình “Tố nữ” để phân tích. Xưa nay người ta tưởng tranh tố nữ chỉ là tranh mô tả bốn cô gái đẹp, chỉ có vậy và gần như không có sự tranh cãi. Bốn cô gái đó được diễn tả như bốn nghệ sĩ đang ở tư thế biểu diễn. Bốn cô không cao bằng nhau: cô cầm quạt thấp nhất, sau đó là cô cầm sênh giơ cao như đang điểm nhịp, kế đến cô thổi sáo cao hơn và cô cầm đàn cuối cùng cao nhất. Có người chê nghệ nhân vẽ ẩu, bộ tranh có bốn nhân vật mà vẽ không bằng nhau. Nhưng có ai biết sự cao thấp của nhân vật trong tranh là chủ ý. Nghệ nhân chỉ mượn khung cảnh và tư thế biểu diễn để đi sâu thêm một bước trong việc khái quát nghệ thuật. Nghệ nhân làm tranh đã mượn chiều cao số học để gợi tả cho người xem sắc thái âm vực của các đạo cụ : tiếng quạt phất giấy nhẹ nhàng, tiếng sênh lách cách cao hơn , tiếng sáo véo von cao hơn nữa và tiếng đàn thì âm sắc vượt lên hơn hẳn ba đạo cụ kia. Nghệ nhân đã mượn chiều cao của nhân vật để mô tả âm sắc của các đạo cụ chứ không phải vẽ người, mà chỉ mượn người đẻ guiwir ý tứ… Bộ tranh tạo nên không gian vừa thực vùa hư: Vẻ đẹp ở đây không chỉ ở các thiếu nữ mà còn là vẻ đẹp âm sắc các đạo cụ nữa. Đó là cách mượn hình gửi ý khéo léo của nghệ nhân khi sang tạo bộ tranh này. Có lẽ đó là sự bứt phá khá hi hữu của nghệ nhân làm tranh khi đã biết xử dụng ngôn ngữ tạo hình để tranh tự bộc lộ ý tưởng. Nét vẽ không còn đóng vai trò phụ họa nữa.
Trong vài chục bức tranh còn lại của Đông Hồ hay Hàng Trống người ta có thể đọc thấy ngay cách làm tranh này của nghệ nhân dân gian Việt Nam. Mỗi bức tranh là một câu chuyện đời phản ánh những suy tư, ước mơ, triết lí về cuộc sống và đạo lí ở đời. Ý tưởng sâu sắc chứa đựng trong từng tranh, không đơn giản như người ta nghĩ rằng những tranh gà tranh lợn chỉ là để trang trí cho vui nhà vui cửa hoặc phản ánh ước mơ đơn giản của người nông dân. Ý tưởng của nghệ nhân đã vượt cao hơn thế về tầm nhân văn và khẳng định các giá trị xã hội.
Xuyên qua thời gian, những bức tranh dân gian Việt Nam vẫn còn đọng lại trong lòng người dân vì cái thâm thúy sắc sảo mà vẫn dễ hiểu. Nghệ thuật dân gian xứng là đại diện chân chính cho văn hóa Việt của những người nông dân thuần túy.
3/3/2012