Anh Quyển

(tiếp kì trước)
ỞTân Thành có một gia đình người Tày họ Nguyễn, đó là gia đình anh Nguyễn Văn Quyển. Tôi ngẫm nghĩ, người Tày thì sao lại họ Nguyễn? Hỏi ra mới rõ vào năm đói bốn nhăm, bố con dắt nhau đi ăn xin, lưu lạc đến đây thì được tá túc lại. Được ông chủ nhà người Tày nuôi qua cơn đói, bố gửi anh để về quê ít bữa. Ông ra đi rồi không trở lại nữa. Lúc ấy anh vừa bảy tuổi, chỉ nhớ mang máng là quê ở làng Chờ. Còn Chờ ở tỉnh nào huyện nào thì anh không biết. Anh lớn lên và thành con rể nhà ấy. Anh thành người Tày từ đó.Tôi bảo anh, làng Chờ ở Bắc Ninh, cứ thử về tìm xem. Mấy năm sau, đang đi trên đường Đồng Bẩm tôi bỗng nghe có người gọi tên mình. Thì ra anh Quyển. Anh mừng rỡ thông báo đã tìm được quê, lại nhận được cả họ hàng. Thật may quá. Nói rồi anh chùi nước mắt, chẳng biết nói gì thêm, lại cũng chẳng biết nói một câu cảm ơn. Từ bảy tuổi, ngày ngày chỉ biết dắt con dao vào rừng làm đủ việc. Biết đủ thứ chuyện về rừng, nhưng ứng xử xã giao thì vụng dại, nhưng bụng dạ thì tốt vô cùng. Hồi là học sinh, sơ tán lên Nhất Hòa, ở nhà anh. Nghe tin hôm sau tôi đi thực tập, chẳng ai bảo vậy mà anh chị thức cả đêm gói luộc bánh chưng cho tôi lấy cái ăn đi đường. Anh chị coi tôi như em trong nhà. Những chuyện như thế trên đất nước mình xảy ra vô vàn. Chiến tranh loạn lạc ly tán, con người tha phương cầu thực trôi dạt mọi xứ. Cũng do được cưu mang nên lòng nhân ái vì thế mà được bồi bổ dày dặn lên. Những người như anh dễ động lòng trắc ẩn, thấy người cơ nhỡ thì thương như thương thân mình. Những điều tốt đẹp đó hôm nay đang hao tổn nhanh quá. Hôm nay cuộc sống đầy đặn lên nhưng cái vỏ riêng tư lại đang phình to ra thành cái kén đóng giữ con người vào trong đó. Các giá trị tạo nên nhân phẩm e rằng đang thấp hơn đồng tiền. Có phải hòa bình rồi, chỉ còn lo miếng ăn và lo chuyện giàu sang phú quí nên con người trở nên tham lam hay còn vì lý do nào khác? Các lý luận gia một thời lên án sự giàu nghèo cách biệt, thì nay quay ra tìm lẽ phải cho người giàu có. Những chuyện như nhà anh Quyển, bố về đến quê chưa quay lại đón con thì lâm bệnh qua đời không hiếm. Sự đứt cành lìa cội như thế có ở mọi nơi trên đất nước mình. Chuyện anh được cưu mang để nay trở thành một công dân tốt hình như hiếm được nhớ. Hình như chính lớp cán bộ được nuôi dưỡng từ khốn khó không truyền lại được cho lớp kế cận lòng nhân ái nên chúng đang làm hỏng việc này. Đó là sự tha hóa về lối sống, mất dần lòng trắc ẩn và nhân cách bị bào mòn từng ngày trong diện mạo văn minh, núp sau tấm áo kinh tế thị trường hào nhoáng.
Trích “Mây tụ đầu non”