doduc
Năm 1978, tại Khu Gang thép Thái Nguyên có một hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số toàn miền Bắc. Về hội diễn, lần đầu tôi thấy những bộ sắc phục lạ như Pa Dí, Xá Phó, Lô Lô, Khơ Mú. Những bộ sắc phục đẹp lạ thường, nó không đơn giản như Tày Nùng, hào hoa như Thái, hay quen thuộc như Mông Dao mà tôi biết trước đó.
Lúc đó tôi làm việc ở Nhà Xuất bản Văn Hóa, Ban Văn hóa phẩm miền núi( Ban này từ Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc trươc khi sáp nhập vào Văn Hóa).
Tôi nảy ra ý nghĩ: Sao Nhà xuất bản không làm cuốn sách ảnh về 54 dân tộc Việt Nam. Nhưng khi ấy là một biên tập viên của Ban văn hóa phẩm. Việc mình đề xuất chỉ là ánh sáng le lói của con đom đóm, chẳng mấy ai quan tâm.
Tôi lại nghĩ, sao không nhân hội diễn này Nhà xuất bản chụp lấy bộ ảnh trang phục các sắc tộc vè Hội. Vì đó là bộ cánh đẹp nhất họ đem về khoe.
Nhưng ý nghĩ cũng chỉ là trong ý nghĩ. Tuần hội diễn ấy cũng vội vàng bởi biên giới , bên Trung Quốc lấn đường biên liên tục và không khí chiến tranh đã sôi động.
Sau này về cơ quan, trong một lần họp giao ban, tôi đề xuất cách làm cuốn sách ảnh về gương mặt các dân tộc. Đề xuất của tôi thật sự khả thi, nghĩa là nhà xuất bản đặt hàng với các nhiếp ảnh của mỗi tỉnh nói rõ yêu cầu, chi phí phim, chụp xong sau này xử dụng được thì trả nhuận bút sau. Tôi chắc chắn chỉ nửa năm sau, nhà xuất bản sẽ có trong tay đủ gương mặt dân tộc các vùng miền trong cả nước với trang phục đẹp nhất chuẩn nhất cho cuốn sách đất nước sau ngày thống nhất.
Nhưng rồi đề xuất đó cũng rơi thõng. Chẳng ai để ý.
Thế là tôi nghĩ đến chuyện mình phải tự làm. Cái gì mình nghĩ ra thì chỉ có mình mới thực hiện nổi. Còn cho người khác nghe thì họ sẽ thấy xa lạ không thiết thực.
Khi ấy chưa có máy ảnh, mọi ghi chép phải dùng tay.
Những chuyến đi miền núi , tôi âm thầm gom tư liệu bằng kí họa. Chưa biết để làm gì và thể hiện thế nào, nhưng tôi cứ nhặt dần sau từng chuyến đi. Có cơ hội tôi hỏi chuyện về nguồn gốc bộ trang phục nếu có người nào biết được chút ít. Rồi tôi hiểu thêm truyền thuyết về chiếc khăn trắng của người Dao tiền, họa tiết tua chồ( con chó) có ý nghĩa gì với tinh thần dân tộc họ. Tại sao bộ váy áo Pu Péo lại chắp từ hàng trăm miếng vải nhỏ. Tại sao người Dao quần cộc Quảng Ninh lại không giống các nhánh Dao khác có quần và váy dài mà chỉ có chiếc quần cộc. Mỗi bộ quần áo, váy áo đều vần có một hồ sơ về nguồn gốc, phải biết để cắt nghĩa cho việc tạo thành bộ váy áo chứ không phải chuyện ngẫu nhiên.
Ý thức thì có, nhưng không có những chuyến điền dã như các nhà dân tộc học để ghi chép. Chỉ tranh thủ hỏi han bà con trong những chuyến đi ngắn ngủi, nên chỉ biết được truyền thuyết của vài bộ y phục mà tôi rất quý và trân trọng.
Bộ sắc phục thôi nhưng sau vài chục loại hoa văn là từng ấy câu chuyện. Đấy là bầu trời văn hóa của một dân tộc, là những tầng văn hóa tích lũy trong nhiều thế hệ…
Đi từng vùng, tôi dần nhận ra, một dân tộc Dao với 12 nhánh, thì có 12 bộ sắc phục khác nhau. Một dân tộc Mông đen, thì Mông đen Qùy Hợp Nghệ An khác hoàn toàn Mông đen Sơn La và Mông đen Sapa thì lại càng khác nữa. Cũng như vậy, Nùng Xuồng, Nùng U Hà Giang bộ sắc phục khác Nùng An Cao Bằng, khác Nùng Cháo Lạng Sơn, khác Nùng Phàn Shình( Nùng Hua Lài) ở Chi Lăng.
(Thành ra khi ngành bưu điện tổ chức bộ tem 54 dân tộc, tôi thấy nó không hoàn hảo: vì chỉ một dao đỏ không thể đại diện cho Dao Tiền, Quần chẹt,Quần Trắng, Ô gang, Tiểu Bản v.v… vì sắc phục hoàn toàn khác. Lại nữa, dao tiền Cao Bằng với Dao tiền Hòa Bình khăn chẳng cùng màu, một trắng, một chàm…)
Theo những tài liệu gom được, tôi áng tính nếu thể hiện đủ thì trên toàn quốc phải có trên 120 bộ sắc phục khác nhau của các nhánh trong các dân tộc.
Tôi nghĩ chỉ có thể nhẩn nha thể hiện bằng nét vẽ.
Đợt đầu, vẽ màu nước, vẽ từng bộ một trên croki. Được trên chục bức thì con ốm , nhà neo bấn, tiền chẳng có thế là dừng. Đến khi con khỏe thì tự nhiên không còn hứng thú làm tiếp nữa, Gần chục năm sau vào những năm 1994, 1996, lại giở dói ra dưới hình thức mới, vẽ 5 bộ sắc phục trên một tranh. Nhân vật theo nhóm ngôn ngữ. Hì hụi được 13 bức tổng cộng là 64 bộ thì lại vướng việc gì đó chững lại. Sau đấy lại hết hứng thú. Bán đi mất 2 tranh, còn lại 11 bức bây giờ.
Những tranh tôi vẽ này nó có giá trị bảo lưu đặc biệt quý với những bộ sắc phục đang dần biến mất khi hàng dân dụng tiện dụng đang có mặt ở khắp nơi.Ví dụ bộ Mông Hoa, chép nhăm 1978 giờ mất dấu. Bây giờ chợ phiên Bắc Hà, bộ váy áo Mông hoa thêu kín mít là sản phẩm hàng hóa của Trung quốc. Bây giờ vào Lô Lô Chải ở Lũng Cú thì có thể thấy người già còn những bộ áo quần cổ nhất tuy đã cũ. Người Lô Lô ở Việt Nam, coi Lũng Cú là thủ đô tinh thần của họ. Nên khi có người nhà chết, dù mãi bên Lai Châu người ta cũng vẫn về Lũng Cú mua áo quần khâm liệm. Lâu tôi không hỏi lại, không biết bây giờ còn lệ đó không.
Vẽ để thống kê được toàn bộ các bộ sắc phục của các dân tộc trên khắp vùng đất nước là mong muốn từ lâu của tôi. Tôi đã âm thầm làm và đã làm được phân nửa công việc. Giờ thì hơi khó có khả năng làm tiếp vì sức khỏe không cho phép. Nhưng một phần nữa là thiếu cảm hứng sau khi mất đà.Thật là khó!
Năm 2009 mười một tranh trong bộ sắc phục này đã được trưng bày ở trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris. Mới chỉ có 60 bộ sắc phục được bày mà đã làm người xem sửng sốt về sự phong phú trong thiết kế của một số dân tộc miền núi. Từ tranh giấy, hôm nay tôi chuyển sang chất liệu sơn mài để bảo đảm độ bền lâu hơn, giữ lại hình ảnh của những bộ váy áo quần của người phụ nữ các dân tộc miền núi.
Tôi đang cố gắng tìm lại cảm hứng để vẽ thêm được bộ nào hay bộ ấy. Nhưng rồi không biết còn làm tiếp được không.
7/3/2020