Tản mạn nghề vẽ tranh

Tản mạn nghề vẽ tranh
doduc
1- Tôi vẽ tranh phong cảnh chủ yếu là miền núi. Gặp khá nhiều bạn hỏi: Tranh này này vẽ ở đâu? Sơn La, Hòa Bình hay Hà Giang. Trả lời sao với những câu hỏi này? Ý người là muốn định vị tranh được vẽ trên thực địa nào. Rất khó trả lời, và đúng là
không thể trả lời, vì tôi có chép cụ thể ở điểm nào đâu, dù hình ảnh trên tranh vẫn là xuất phát từ một nơi cụ thể, và mình dựng lại theo ý mình, thì nó đâu còn là nơi đó nữa.
Nhưng khi hỏi thế, người hỏi đã chuyển trạng thái thưởng ngọan tác phẩm sang điều tra để mang hiểu biết địa lý của mình ra so sánh, giống chỗ mình đi qua hay không theo lối chụp ảnh. Lúc ấy bức tranh trở nên vô nghĩa với người xem.Người hỏi đã thoát khỏi trạng thái thưởng thức nghệ thuật
Tranh vẽ cảnh , vẽ người, vẽ vật gì thì những thứ đó chỉ là phương tiện chuyển tải ý đồ gửi gắm của tác giả với thiên nhiên, con người và vật dụng. Họa sĩ có kĩ năng càng cao, có cảm xúc mãnh liệt thì càng bộc lộ được gửi gắm của mình trên tranh Tác phẩm nghệ thuật luôn là ý tại ngôn ngoại. Thưởng thức tranh để ngẫm, để nhận ra những cảm xúc cuộc sống bên ngoài tác phẩm, nó rộng lớn hơn rất hiều so với không gian hạn hẹp của bức tranh.
Thực ra, người hỏi không có lỗi. Lỗi là lỗ hổng từ trong giáo dục phổ thông. Nếu phần nghệ thuật được nằm trong chương trình đúng hướng thì tình trạng xem tranh kiẻu đó đã không xảy ra. Giáo dục phổ thông cũng có dạy vẽ nhưng là dạy vẽ thôi, chứ đúng ra là phải dạy để hiểu cách nhìn nghệ thuật cho các em từ sớm, từng tí một
2 – Nhà điêu khắc Vương duy Biên có một bức tượng khiến tôi vô cùng thích thú: Hai anh chàng đang cò cưa kéo xẻ cắt đôi một quả khế. Hình ảnh ngộ nghĩnh chưa bao giờ có thật, nhưng đọc ra ngay thâm ý của tác giả, vừa hài hước, vừa cân cấn trong đầu vu vơ lời thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt/ cho ta trèo hái suốt ngày”. Hai nhân vật này đang chia nhau quả khế hay chia nhau quê hương để mỗi người lấy một phần. Nghệ thuật chỉ gợi mở mức ấy, còn để người xem suy nghĩ xét đoán. Chấm mút vặt vãnh hay xơi hẳn miếng to còn tùy. Bức tượng nhỏ nhưng ý tứ của nó mênh mông không chỉ tầm quốc gia mà nó có tính toàn cầu, nó đi sâu vào nhìn sâu vào khoảng tối của loài người. Bức tượng nghệ thuật đó như một câu đùa gợi mở nhưng nó là bắt đầu cho một bài chính luận, là tiếng nói phê phán, là sự báo động, là lời cảnh tỉnh cảnh giác với thói tham lam của con người…
Không đao to búa lớn, nó chỉ là lời thầm thì bình dị mà ngấm sâu ngấm lâu vào suy tư của mỗi người để người ta sáng tỏ ra sự việc. Tính nhân văn của câu chuyện không có này rất cao!
Những bức tượng như thế chắc người xem sẽ không phải hỏi tác giả: cậu nặn ai thế, hoặc làm gì có quả khế to vậy, làm gì có chuyện cưa khế mà vẫn huỵch toẹt như bánh đúc bày sàng. Tuy đơn giản, nhưng cũng phải có một phông văn hóa nhất định mới nhìn ra, còn không chỉ coi đó là một trò đùa ngộ nghĩnh.
3 – Bức tranh này bác vẽ bao lâu? Nhiều người hay hỏi như thế. Hỏi như thế để xem vẽ khó khăn không hay đơn giản là để đánh giá giá trị bức tranh và có khi liên quan cả đến giá cả.
Với họa sĩ thì chỉ cần biết tranh có đẹp hay không, tranh nói được gì, có truyền cảm gì đến người hay không.
Bức tranh ra đời là cả một hành trình.
Học tốt nghiệp Đại học mĩ thuật ra trường mới chỉ là có kĩ năng nghề vẽ. Nhà trường mới trao cho anh cái móng nền. Còn xây dựng ngôi nhà nghệ thuật trên đó là chặng đường của cả một đời người. Sáng tác không phải là việc duy nhất sau đại học dù có nghề vẽ.
Ra trường, có thể làm người dạy học, có người làm thiết kế đồ họa, nội ngoại thất, có thể làm người làm phục chế, có người làm quản lý nghệ thuật, tổ chức nghệ thuật phù hợp với năng lực của từng người. Nhiều người nhầm lẫn với áp lực sáng tác, phải có tác phẩm, trong khi vốn hiểu biết của cuộc sống còn mỏng chưa thể xác lập được đường đi , thành ra loanh quah luẩn quẩn “tốt nghiệp rồi mà không chịu ra trường” như họa sĩ Nguyễn Tiến Chung có lúc đã từng nhận xét như thế về những sinh viên Yết Kiêu. Một nhận xét hóm hỉnh mà chính xác vì không rũ nối những gì là giáo khoa cơ bản trong trường để hướng sang vai trò sáng tạo.
Không phải ai học cầm bằng đại học mĩ thuật ra cũng thành họa sĩ cả, dù vẫn làm nghề vẽ.
Họa sĩ phải là người sáng tác, có tác phẩm. Mà sáng tác thì lại cần rất nhiều tri thức cộng với cảm xúc trước hiện thực. Trong sáng tác, kĩ năng là phần khuôn cốt, cảm xúc là phần da thịt cấu thành tác phẩm. Thiếu một trong hai cái đó khó thành họa sĩ, mà chỉ là người làm nghề vẽ thôi. Họ chỉ có thể làm ra những minh họa đẹp, mà không có tác phẩm được.Tác phẩm là sự gửi gắm tâm hồn của tác giả chia sẻ với người xem. Tác phẩm là một nội hàm rộng lớn chứa nhiều vấn đề không thể nói vài câu mà rõ hết mọi ý được.
Xin đưa một ví dụ: Một người vẽ đến mấy chục con meò từ thật cho đến tối giản, vẽ trực diện, vẽ trên xuống vẽ ngang ngửa, vẽ mèo đùa nghịch vờn nhau, tìm hết các hình thức tạo hình mà xem vẫn thấy nhạt, vì nó chỉ cho vẻ đẹp tạo hình ở các dáng, thế là hết.
Tôi hỏi: bạn hiểu thế nào về con mèo? Bạn tỏ ra không hiểu!
Nhưng nếu bạn có tri thức về con mèo mà dân gian để lại trong ca dao tục ngữ thành ngữ thì bạn sẽ tạo ra những chú mèo sinh động mà xem mãi không chán. Này nhá: Thành ngữ mèo mả gà đồng là một tính cách mèo/ mèo già ăn vụng cá kho là con mèo yếu ớt không còn khả năng kiếm mồi/ Con mèo mày trèo cây cau , hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Mèo bé bắt chuột con là việc đúng sức của mình/ Mèo chuột là thói trăng hoa/ Thành ngữ “ Tha như mèo tha con” cũng khá sinh động khi nói về sự bận rộn của một người/ Mèo vờn chuột là tính cách của kẻ chiến thắng, rồi: Meo mẻo mèo meo/ còn một miếng trèo ta cóc dạy cho, trong cổ tích mèo dạy hổ là anh mèo thâm nho láu cá, vân vân và vân vân còn nhiều nữa nếu muốn tìm thêm! Nếu đào sâu vào văn hóa dân gian dù chỉ chục con mèo trong chục trạng thái bộc lộ tính cách mèo thì chỉ vẽ mèo thôi cũng phong phú vô cùng. Nhưng đâu có dừng ở đấy, dân gian nói mèo, nhưng thức ra là nói người! Vẽ mèo mà thấy tính cách con người trong đó. Đó là giá trị nhân văn của sáng tác. Lấy cái nọ nói cái kia, “Nói ở đây chết cây trên rừng”. Nghệ thuật nó sâu xa là ở đó, thấm thía là ở đó vì giờ nó là tri thức mà tri thức cuộc sống thì tri thức dân gian như đoạn khởi nguồn của mạch nước.
Họa sĩ phải đọc là vì thế, làm cho phông tri thức dày lên mỗi ngày qua những chuyến đi, qua trang sách, qua các cuộc trò chuyện…
Nếu giỏi, từng ấy tính cách , mỗi tính cách bạn tìm thêm nhiều cách tạo hình bạn sẽ có một sê – ri mèo cho một triển lãm phong phú vô cùng mà nội hàm thật sâu sắc chứ không đơn thuần chỉ là mô phỏng tạo hình một con mèo thật ngoài đời!
Vẽ mỗi bức tranh là ta đang trả lời một vấn đề đặt ra trước cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Có hàng trăm cách lý giải về môi trường cho một đề tài môi trường cho hàng trăm tranh vẽ, vẫn chưa là con số cuối cùng! Còn nữa, kĩ năng nghề và tri thức văn hóa của một trăm họa sĩ cao thấp khác nhau sẽ có một trăm cách trả lời khác nhau bằng những bức tranh khác nhau theo tầm năng lực của mình. Cho nên chỉ sợ thiếu năng lực tư duy để thực hiện, chứ đề tài. Họa sĩ cũng phải đọc nhiều là thế. Không đọc thì lấy đâu ra tri thức mà sáng tác!
Vài suy nghĩ tản mạn về nghề xin chia sẻ cùng các bạn, dù đây chỉ là một góc nhìn. Mong các bạn góp những góc nhìn khác cho nghệ thuật ngày thêm phong phú. 4/4/2019