Vần Chải trong mây

Đỗ Đức

TP – 1/Vần Chải là bản Mây, bản trong mây. Vượt hết con đèo dài gần nghìn mét từ Yên Minh có ba cua tay áo, mỗi cua đều dốc ngược lên như bắc thang trèo tường, thì một thung lũng xanh hiện ra. Đó là Sủng Thài, xã cửa ngõ của Đồng Văn. Đi tiếp vài cây số đường theo hướng dây diều là ta tiến dần về xã Vần Chải.
Vần Chải là một xã giống như trên 200 xã của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang khách thăm thường xuyên là mây núi. Vậy đó…
Lên Vần Chải là lên trời.
2/Nếu hiểu tiếng khèn Mông sâu một chút, nhất là nhịp điệu, bạn sẽ nhận ra ngay: tiếng khèn giống hệt con đường cao thấp gập ghềnh, trên vùng đất nhấp nhô đèo cao núi dựng, chẳng theo quy luật nào cả. Đang hiền hòa dịu dàng, bỗng đột ngột cất lên cao vút rồi ngừng bặt như gió vấp bức tường, như vó ngựa chợt dừng trước vực thẳm. Nghỉ ngơi chút, tiếng khèn xanh ngát lại cất lên nhấp nhô sóng lượn rồi xộ lên như gió ngàn xào xạc. Sau đấy từ từ mất hút vào trong sương mù sông núi…
Đường lên Vần Chải chính là tiếng khèn đó.
3/Nhóm từ thiện “Vì trẻ em vùng cao” từ Hà Nội chọn vùng đất chót vót tiếng khèn để đặt trái tim tình thương của mình. Đó là một lớp học hai gian cho hai chục em mẫu giáo và hai chục em lớp một. Lớp học năm ngay đầu bản nhỏ có dăm bảy hộ dân mang tên Xảo Há. Cô Trung Kiên, Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn, giải thích với tôi, xảo há có nghĩa là thung lũng trên cao. Đúng thật, một thung lũng khiêm tốn giấu mình sau rừng đại ngàn và mây trắng. Hôm 25/7 lên Xảo Há, trời thương dù không cho nắng nhưng cũng cất mây mù đi để chúng tôi có thể nhìn rõ con đường.
Đây là đường dân sinh, đang mở, chỉ đủ cho chiếc xe máy đi, lổn nhổn đá, mấp mô cao thấp và hang hốc tạo ra sau những cơn mưa. Nhìn con đường tôi nhớ những cuộc thi mô tô địa hình. Người đi xe hai tay căng cứng giữ tay lái. Hai chân luôn phải gá xuống mặt đường để giữ thăng bằng. Đi một đã khó, nữa là còn kèm một đằng sau! Bảy chiếc xe đón đoàn từ thiện, bảy lái xe căng cứng, bảy người ngồi sau cũng căng thẳng, hốt hoảng luôn trong tư thế đề phòng bất ngờ có thể ngã. Đường vênh ghếch lên phía trước như bắc thang và dài như dây diều đang rải…
Giữa khu rừng già hoang vu bỗng hiện ra một ốc đảo ấm áp, bản nhỏ yên tĩnh có những con đường đầy rêu phong và một lớp học mới sáng choang với vật liệu hiện đại và kỹ thuật lắp ghép tiên tiến. Lớp học như miếng ghép không ăn nhập gì với nhà bản nhưng lại là con triện văn minh bất ngờ đóng lên giữa rừng xanh hứa hẹn bao điều tốt đẹp cho lứa trẻ tương lai của nơi này, khai tâm cho con chữ dưới mái trường làm bằng tình thương của chính đồng bào mình.
4/ Cách lớp học chừng 100 mét có một ngôi nhà khá đẹp. Hỏi ra mới biết là nhà của Vàng Sìa Sì, cháu đầu lĩnh phỉ Vàng Vạn Ly năm xưa, trong nhóm thủ lĩnh nổi lên chống chính quyền khoảng năm 1957-1958.
Sau cuộc nổi loạn thất bại, Vàng Vạn Ly cùng mấy con trai trốn vào hang núi, mấy tháng trời không chịu ra. Xã đội trưởng Sùng Dúng Lù tay không vào hang gọi Vàng Vạn Ly ra đầu thú. Với điều kiện về bản làm ăn lương thiện, nhà nước không bắt tù. Vàng Vạn Ly buông súng trở về. Từ đấy, Sùng Dúng Lù là người bạn duy nhất của ông. Một số người cố chấp coi ông Lù không có lập trường. Nhưng Lù ngó lơ bảo, tôi coi ông ấy là bạn từ khi buông súng về với chính quyền. Cuộc hòa giải tiếp theo mới thật ngoạn mục: Hai nhà Sùng Dúng Lù – Vàng Vạn Ly thành thông gia, xóa đi cách biệt giai cấp giữa một xã đội trưởng và một đầu lĩnh phỉ. Có lẽ đó là cuộc hòa giải có giá trị nhân văn cao nhất trong lịch sử nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mẫu mực và đúng đắn.
Hôm nay, cháu Vàng Vạn Ly là Vàng Sìa Sì làm trưởng bản Xảo Há. Cháu của Sùng Dúng Lù là Sùng Mí Phứ, con của người con thứ hai Sùng Dúng Lù, làm bí thư chi bộ thôn. Họ chung tay với mọi người vun đắp ngôi trường cùng nhóm từ thiện.
Chào Vần Chải xuống núi, ngồi trên ô tô mà có cảm giác như đang hạ cánh máy bay. Tôi ngoái lại lần nữa. Trong đầu hiện lên những gương mặt mà tôi chưa thuộc hết tên, những cán bộ xã, những thầy cô giáo, những người mẹ đưa con đến dự buổi khánh thành lớp học chưa nói được tiếng Kinh, hai tay vẫn bận rộn tước lanh se sợi. Thời này hầu như không còn ai có tấm váy lanh nhưng họ vẫn se lanh. Phải chăng, họ đang se những sợi lanh may áo váy cất đi để dành cho ngày về với tổ tiên. Với người Mông, áo váy lanh đã thành tín hiệu văn hóa. Chết đi mà không có váy áo lanh, người Mông sẽ lạc mất tổ tiên. Đó là sắc thái văn hóa đã trầm tích vào tâm thức. Gặp người Mông hôm nay thấy phần nhiều mặc áo quần “phổ thông” nhưng ngôn ngữ thì vẫn là họ, ứng xử và quan niệm sống vẫn là họ. Vẫn là Vần Chải trong mây