Doduc
1- Có những sự việc quanh mình như khí trời và nước uống chẳng mấy ai đế ý đến. Vậy mà khi bất chợt nghĩ về nó thấy có nhiều cái sâu xa đến bất ngờ, vì nó là văn hóa, một yếu tố hình thành trong hoạt động của con người, để con người không còn là thế giới vô tri…
Nhớ hôm dạm ngõ con gái tôi, ông xui gia tương lai trong diễn văn ngắn, nói một câu tôi chẳng nhớ rõ đầu đuôi nhưng ý là việc ông mang lễ sang đặt vấn đè xin con gái tôi về làm dâu ví như là trâu tìm cọc, là tự nguyện đưa mình vào chỗ trói buộc. Tôi nghĩ dân gian thật khéo đưa đẩy. Nông thôn xưa nay, giai gái có phải lòng nhau, biết nhau cả thì vẫn phải có có lễ và người bố thay mặt gia đình sang nói chuyện với nhà gái coi như việc bảo đảm cho chính danh.
Cũng có trường hợp chỉ hai ông bố nói chuyện với nhau, sắp đặt mọi chuyện cho đôi trẻ, không cần nghe ý kiến, mặc kệ chúng lấy nhau rồi về tìm hiểu nhau sau, yêu nhau sau cũng được. Cũng không cần biết chuyện trâu với cọc.
2- Ngày nay chuyện trâu cọc hoán đổi thế nào cũng không biết nữa. Cũng có thể bay giờ con gái chủ động đi tìm giai ngỏ lời thì lúc ấy gái lại là trâu, còn con giai là cọc.
Xưa người phụ nữ sống phụ thuộc vào nhà chồng, nên việc gả bán phải có mặt ông xui gia như là một bảo đảm cho sự yên ấm lâu dài cho con gái mình. Còn ngày nay về chuyện kinh tế có khi phụ nữ không còn là thế yếu nữa, chuyện cọc trâu trâu cọc chỉ còn gợi lại văn hóa hôn nhân một thời đã qua. May chăng chuyện đó chỉ còn tồn tại ở những những vùng hẻo lánh.
3- Nhà tôi khuất núi tính ra đã dài bằng cuộc kháng chiến chống Pháp. Mải nuôi con rồi tuổi tác mỗi ngày một cao, cũng không tính chuyện tìm bạn nữa thì bỗng một hôm mới đây nhận được cú điện thoại của một ông bạn tỉnh xa hỏi chuyện gia đình rồi ông nói luôn, liệu cón tính đến chuyện tìm lấy một người nương tựa lúc về chiều không, ông báo có một đứa cháu vợ cũng hoàn cảnh…còn xinh xắn muốn giới thiệu. Bà vợ bên cạnh chẹp miệng nói vào ống nghe: chú à, nói thì ngượng, thế là thành chuyện cọc tìm trâu đó chú. Nên chuyện với chú anh chị cứ thấy ngại.
Vậy đấy, người già vẫn nhớ chuyện cọc trâu trâu cọc.
Thì ra một nếp sống kéo dài thành lằn văn hóa không phải ngày một ngày hai mất đi, không thể dễ dàng xóa trong tâm thức con người.
8/2011