cội nguồn
nói đến tranh dân gian việt nam người ta thường nhắc tới đông hồ (bắc ninh), hàng trống (hà nội) rồi còn kim hoàng (hà tây), làng sình (huế) và tranh thờ miền núi. thực tế ngày nay chỉ còn hai loại tranh đông hồ và hàng trống. tranh kim hoàng chỉ như một vết tích mà người ta từng biết đến, còn tranh làng sình thuộc loại phục vụ cho mê tín, là loại vẽ mã. tranh thờ miền núi thì không có địa chỉ gốc gác nơi sản xuất. chỉ có đông hồ, hàng trống có nghề tranh và có tranh tết thật sự. người ta hiểu đông hồ là tranh của thôn quê, còn hàng trống là tranh của kẻ chợ. chưa biết sự xuất hiện của hai dòng tranh này vào thời gian nào. có thể là đông hồ có trước, rồi sau đó là hàng trống. một nhà thơ làm quan dưới thời mạc (tk 16) là hoàng sĩ khải đã từng nhắc đến những tranh hàng trống như “gà đàn”, “tướng canh cửa” thời ấy “xuất hiện tại kinh đô, nội phủ, cung đình đến nhà thường dân” thì thấy rằng tranh hàng trống cũng đã có gần bốn trăm năm tuổi. tranh hàng trống thực sự là thứ nghệ thuật bản địa đặc sắc, là sản phẩm của một nghề có danh có giá…
nghề tranh
di duệ của họ lê đình, một họ có nghề làm tranh hàng trống lâu đời là ông lê đình nghiên kể lại rằng: hàng trống xưa kia là phố làm tranh và bán tranh sầm uất. bên cạnh hàng trống thì hàng mành, hàng quạt, hàng hòm, hàng nón… đều có nghề bán tranh. nhưng vẫn là tranh của thợ tranh hàng trống. người hàng trống xưa nổi do nghề tranh nhưng không chỉ có vẽ tranh tết. “tháng tám giỗ cha – tháng ba giỗ mẹ”, người việt nam ai cũng biết câu phương ngôn ấy. giỗ cha là ngày hội đức thánh trần ở kiếp bạc, giỗ mẹ là hội phủ giầy, nơi thờ mẫu liễu hạnh (nam định). vào cữ ấy, tranh hàng trống được đem bán nhiều, đó là tranh cho đền phủ, tranh hầu bóng phục vụ tín ngưỡng. còn tranh tết thì từ ngày mùng mười tháng một hàng năm mới bắt đầu khai trương bán cho đến hết tháng chạp. người hàng trống sống bằng nghề làm tranh nên làm tất cả các việc liên quan đến nghề. ngoài tranh tết, tranh cho đền phủ người ta còn vẽ nhà táng, vẽ tranh “cầu” để siêu độ cho người quá cố (tranh cầu vẽ trên lụa vuông, hình tượng phật tam thân, tam thế, phật bà quan âm có hình vân mây, có sen cách điệu). nói tóm lại, đó là những thứ phục vụ cho mê tín. sau đó, người hàng trống còn vẽ mành. tranh mành dùng để buông che trước cửa đền miếu. những tranh đó thường vẽ long – ly – quy – phượng, hoặc long vân. với từng ấy loại công việc, người hàng trống bận bịu quanh năm, bởi thực sự đó là việc của một làng nghề.
tranh hàng trống
về đề tài, tranh hàng trống có hai loại. loại tranh tết và loại tranh cho tín ngưỡng. về hình thức cũng tạm coi là có hai loại: tranh bộ nhị bình hoặc tứ bình (thuộc loại tranh trục), và tranh đơn. tranh tết hàng trống có loại đề cập đến nội dung chúc tụng, có loại đề cập đến sinh hoạt. cũng có khá nhiều bộ tranh bình kể chuyện (có thể coi là hình thức tranh truyện đầu tiên của việt nam) vẽ theo truyện, theo tích cổ như “kim vân kiều”, “nhị độ mai”, “bích câu kỳ ngộ”, “tống trân cúc hoa”, “nhị thập tứ hiếu” hoặc lấy tích “tây thi” ở bên tàu. có loại tranh chúc tụng như tranh chủ, “công cá”, “tam đa”, “thất đồng”, “tử tôn vạn đại” có những tranh sinh hoạt như “chợ quê”, “công việc nhà nông”. đôi khi cũng có tranh lịch sử như “ngô vương quyền đánh quân nam hán” hoặc “đinh tiên hoàng cờ lau lập trận”… ngoài tranh tứ bình kể chuyện có tứ bình bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) mô tả vẻ đẹp bốn mùa như kiểu thơ đường luật: xuân du phương thảo địa / hạ thưởng lục hà trì / thu ẩm hoàng hoa tửu / đông ngâm bạch tuyết thi (mùa xuân đi chơi ở vùng cỏ đẹp /mùa hạ ngắm màu xanh mát của sen trên hồ ao / mùa thu thưởng thức rượu hoa cúc / mùa đông đọc thơ ca ngợi tuyết trắng). ngoài ra còn có các loại tứ bình hoa điểu đều dựa vào sắc thái bốn mùa để thể hiện.
tranh tín ngưỡng của hàng trống còn gọi là tranh thờ, phục vụ tín ngưỡng đạo giáo ở việt nam (thờ thánh, mẫu) có các loại như “tứ phủ công đồng”, “thập điện”, “phật bà quan âm”, tranh về các ông hoàng (như “hoàng bơ”, “hoàng mười”), bà chúa như mẫu thượng ngàn, mẫu thoải hoặc tranh hổ, thờ quan ngũ dinh như “ngũ hổ”, hổ độc như “hắc hổ”, “hoàng hổ”… đây là loại tranh đơn cho đền phủ.
tranh hàng trống dù là tranh bộ hay tranh đơn , nội dung chúc tụng hoặc tranh thờ thì màu sắc bao giờ cũng tươi tắn, rực rỡ. đó cũng là đặc điểm nổi bật của thể loại tranh dân gian việt nam, luôn luôn hướng đến cái tươi sáng, như những ước mơ hồn nhiên về cuốc sống hàng ngày của họ.
tranh hàng trống, loại tranh đơn thường không vẽ khung khi in nền màu. tranh trục thì kẻ hai vạch màu lam bên mép tranh, như là thứ qui ước giới hạn khung tranh. còn tranh thờ bao giờ cũng vẽ khung vuông vức với màu cam tượng trưng cho màu gỗ, biểu lộ một thái độ tôn kính.
nếu tranh đông hồ có lối in sấp ván (kiểu đóng dấu) bởi đó là loại tranh “lá mít” (cỡ nhỏ) trên dó với mỗi màu một ván khắc thì tranh hàng trống cách làm khác hẳn. nghệ nhân hàng trống in tranh ngửa ván và tranh hàng trống chỉ có một bản nét, còn màu thì vẽ tay toàn bộ. bởi thế mà tranh hàng trống không bị khống chế về khuôn khổ và màu săc. có bức có chiều cao trên một mét. phần màu tô tay cũng tạo được nhiều sắc thái tinh tế đáp ứng thị hiếu cầu kỳ của dân kẻ chợ. ngay nét khắc của tranh hàng trống cũng tỉ mỉ và nắn chuốt kỹ càng hơn thợ khắc đông hồ. hàng trăm ván khắc tranh hàng trống để lại ngày hôm nay cho ta thấy cùng một đề tài nhưng ván to nhỏ khác nhau, tuỳ từng nhà nghệ nhân. người ta nghi rằng tranh hàng trống xưa là loại tranh vẽ tay, sau này do nhu cầu của thị trường mới theo cách khắc ván để đỡ công vẽ nét, đẩy nhanh tốc độ làm tranh. giả thiết đó có thể đúng bởi ngày nay vẫn còn loại tranh hàng trống vẽ tay hoặc nghệ nhân hàng trống vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước còn ghi nhận là đã vẽ lại khá nhiều tranh thờ do các thầy cúng ở sơn la, lai châu hoặc việt bắc xuống đặt.
tranh hàng trống, loại tranh thờ cầu kỳ có chỗ cần dạm vàng giát bạc theo yêu cầu của người đặt, thợ vẽ phải dùng nhựa cây sung lót nét, lót mảng sau đó thếp vàng quì, bạc quì lên, tạo cho tranh sắc thái huyền bí, rất độc đáo, khác hẳn vẻ tầm thường dân dã thường thấy. đó là những tranh rất đẹp, có giá trị nghệ thuật và cũng là những tranh đắt tiền, chỉ đặt hàng mới có. thợ vẽ tranh hàng trống có lối tô màu tranh khá độc đáo. nó trở thành nét đặc thù của nghệ thuật tranh hàng trống: lối vẽ “cản”, đó là cách lấy màu và nước trên đầu bút lông để tạo đậm nhạt ngay cho nhát vẽ, họa công kéo một đường bút, khối đã nổi cuồn cuộn mặc dầu cách đặt bút chỉ mang tính ước lệ chứ không tả. có lẽ đó cũng là phần đóng góp khá quan trọng về kỹ thuật cho nghệ thuật tạo hình của nghệ nhân hàng trống.
tranh hàng trống hôm nay
tranh hàng trống đã gắn bó hàng trăm năm với người dân kẻ chợ nhưng rồi cuộc sống cũng đổi thay. phố hàng trống xưa, nay không còn tranh hàng trống. các phố hàng hòm, hàng quạt, hàng nón… cũng vậy. hậu duệ dòng tranh của họ lê đình là ông lê đình nghiên vốn dân hàng trống nay cũng đã rời lên cửa đông. hiện ông còn giữ được hàng trăm mẫu tranh và khá nhiều ván khắc của gia đình để lại. tranh hàng trống ngày nay, người ta không chơi vào mùa mà thích thì mua chơi bất cứ lúc nào. ông nghiên bảo: người nhật, người tây tìm đến mua, rất ngưỡng mộ. họ chơi cả loại tranh thờ chứ không riêng gì tranh tết, tranh chúc tụng. cả việt kiều cũng về đặt mua. ông bảo vì có một mình làm nên thường không đáp ứng được đủ nhu cầu người mua, bởi làm được ít. tuy vậy nghệ nhân đông hồ như ông nguyễn đăng chế lại tiếp thu rất “nhậy” với thị trường, đã làm tranh theo lối hàng trống nhưng khi tô lại theo cách thủy mặc. ông lại giới thiệu như tranh đông hồ làm nhiều người không biết bị lầm lẫn. thương trường tranh dân gian là thế, tranh vốn được coi như đồ dùng, vật dụng, cứ có nhu cầu kiểu gì là đều được chiều, và nghệ nhân thì rất hồn nhiên bắt chước nhau và linh hoạt với thị trường, đôi khi làm sai lạc cả một cách nhìn nghệ thuật họ cũng không để ý.
được biết bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng lịch sử hiện còn lưu giữ hàng trăm ván khắc tranh hàng trống. mong rằng số ván đó không thể chỉ để cất giữ trong kho mà sẽ được mang ra khai thác, vừa là để giữ gìn, vừa là để tôn vinh một dòng tranh, để giữa hà nội có một phòng tranh đầy đủ về hàng trống, về đông hồ cho người dân mọi miền có dịp về chiêm ngưỡng, và cũng để cho khách du lịch năm châu bốn biển tìm đến việt nam biết được một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc mà không phải đâu cũng có.
hà nội, ngày 27 tháng 10 năm 2002