Kỉ niệm về nước Nga

Kỉ niệm về nước Nga
doduc
1 – Năm 1995 tôi bất ngờ được Hội Mĩ thuật cử đi sang Liên xô dự trại sáng tác ở Karatxnoida vì thành tích hoạt động sáng tác xuất sắc trong nhiều năm.
Tiếng Nga nửa từ không biết mà rồi cũng lên máy bay bay. Nửa đêm thấy máy bay hạ cánh,tưởng đến nơi nhưng hóa là tăng xit ở Can cut ta( Ấn Độ). Đêm lạnh và chẳng biết trò chuyện với ai, chuyến ấy không có người Việt Nam! Tôi ngồi như con mèo ốm hai giờ, người mệt chảy ra như bánh cuốn thiu. Chưa bao giờ có cuộc đi xa đến một nước lạ như thế. Lúc đó mình vào tuổi bốn mươi mà chẳng biết gì vì có bao giờ được đi đâu.
Rồi cũng đến nơi! Máy bay hạ cánh xuống sân bay Maxcova, mà nay tôi cũng không nhớ nổi tên, thì đã mờ mờ sáng…Từ trên cao nhìn bốn bên tuyết trắng xóa. Một cảm giác hoành tráng về đất nước của Lê nin thấy mình trở nên nhỏ bé. Rồi dần thấy cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện được đặt chân lên đất nước xô viết mà ngày xưa ông lão trong thơ Tố Hữu chỉ “mỉm cười khoan khoái… ngồi mơ nước Nga”, còn tôi chưa từng mơ lại được đến! Cũng đó là lần đầu tiên tôi biết đến cánh cửa ra vào tự động mở khi có người vào và tự động đóng lại khi người đi qua, Lạ vô cùng vì sao nó tài thế!
Do thủ tục giấy tờ mà người kí là bác Huy Cận không có nhà nên khi có được chữ kí của bác chậm mất một tuần. Thế là trễ việc đi Leningrat, không được xem bảo tàng Emitat với các họa sĩ dự trại. Bù lại, hướng dẫn viên của Hội đành một mình đưa tôi xem bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Puskin, và một bảo tàng hiện đại ở ngoại vi Matxcova, và thú vị nhất là bảo tàng Tờ rê chi a cop, Bảo tàng mang tên ông, nhà sưu tập tư nhân hiến tặng, toàn tranh đẹp rụng rời!
Người đón tôi không biết tiếng Kinh, khách tôi thì không biết tiếng Nga, nhưng vì trách nhiệm công việc thành thói quen nên chị Maria gì đó trong lúc dẫn tôi đi vẫn thỉnh thoảng nói một tràng dai, còn mình thì câm hến, chỉ cười trừ lắc đầu. Được cái các chị đó rất tận tình chu đáo để ý săn sóc từng tí. Cảm nhận về họ là những cán bộ tận tụy đầy lòng nhân ái.
Tôi được đưa vào ở trong một khách sạn bề thế, trên nóc có con gà to như biểu trưng, thì hôm sau chị Maria dắt đến văn phòng Hội mĩ thuật. Chị lôi xềnh xệch tôi đến bên bàn kế toán nói những từ tôi không hiểu rồi chìa ra tờ giấy ngoài chữ Nga mình không biết, còn có những con số, ra hiệu kí vào. Tôi làm theo như một học trò ngoan, và kết quả là sang thủ quỹ nhận được mấy trăm rúp, tiền tiêu vặt trong một tháng dự trại.Cuộc tiếp đón không nước nôi, chỉ có tính thủ tục!
Trại ở xa Matxcova hai ngày đêm đường xe hỏa. Ngủ chết thôi. Xe băng qua những thảo nguyên mênh mông không thấy núi non mà xa tít tắp. Cũng không thấy một bóng nhà trong hành trình cả ngày. Cô bé dẫn độ tôi về trại sáng tác to béo nhưng khá trẻ mấp máy môi muốn nói chuyện, nhưng rồi như hiểu ra điều gì nên chỉ thỉnh thoảng nhìn tôi mỉm cười rồi lặng im. Đôi mắt trong veo xanh sắc mùa thu nước Nga đẹp mãi đến giờ trong kí ức. NhỚ lại thì cô bé cũng khổ vì áp tải một thằng da vàng xa lạ mà câm lặng suốt chặng đường dài hai ngày đêm trên tàu. Cô cũng gà gật cho hết chặng đường. Không gì chán bằng làm lính áp tải, nhưng cô phải làm để bảo đảm đưa một thằng ngố như tôi đến đúng trại sáng tác kịp thời gian làm việc với các đồng nghiệp bên đó.
Xong việc cô ấy biến đâu mất nhanh như chớp, chẳng kịp chào nhau, mà có ngôn ngữ gì mà chào với hỏi!
Tôi nhập trại muộn màng , trong khi đó các họa sĩ Nga ( mỗi nước cộng hòa có một người) và họa sĩ các nước Đông Âu đủ mặt, cộng thêm một anh chàng Mông Cổ và hai cậu Cu Ba,Nicargoa. Tôi ở chung phong với anh chàng Nicaragoato sù như trâu, râu rậm xòa ra như bàn chải sắt, mà anh ta hãnh diện khoe ngay là bạn của Đanien OOctega, lãnh đạo Nicara goa cách mạng lúc bấy giờ. Cả ba bằng tuổi nhau: Cùng con gà Ất Dậu. Nghĩ thế thôi, thằng kia biết gì gà với qué.
Hôm sau một người vào gọi tôi lên xe, dẫn đến kho vật liệu mĩ thuật: ôi cơ man nào là sơn, tempera, màu nước Leningrat, chì các loại, bút vẽ các loại, rồi giấy vẽ màu nước cacton vẽ sơn, toan và satsi lấy về chỉ cần khép mộng rồi đóng đinh nêm chốt sẽ căng như mặt trống. Tôi lấy mỗi thứ một tí, chỉ sợ người đưa đường ngõ mình tham lấy quá tiêu chuẩn ( mà cũng có ai bảo tiêu chuẩn gì đâu, cứ sợ bóng gió thế). Sau mày mới biết bọn Nga và Đông âu vào càn quét xả láng, vẽ thừa vứt bừa chẳng tiếc gì. Khổ thân ở Việt Nam lúc đó quá thiếu thốn, cái gì cũng nhặt nhạnh tiết kiệm, vẽ sơn thì bóp ra một tí bằng cục cứt chim sẻ, chưa bôi lên toan nó đã hút hết! Đúng là lúc ấy mới thấy Liên Xô XHCN quả như thiên đường.
Mùa thu nước Nga, trời xanh và cao! Chiều chiều những cơn gió lồng lộng quét qua thảo nguyên. Những đàn chim có đến cả vạn con bay về nơi trú ngụ hệt như tấm thảm bay uốn lượn trên bầu trời. Chưa thấy bao giờ thấy những đàn chim với số lượng nhiều đến như thế.
Trại vẽ nằm bên bờ sông Đông, “Sông Đông êm đềm” của Mikhain Solokhop đó. Nhưng ven bờ nước lặng, những cây sậy mọc lan man giống như những bãi sậy ven sông Hồng. Những con thiên nga trắng to như con ngỗng chẳng sợ người nhẩn nha lượn lờ quanh bờ.

Ít nhiều họa sĩ các nước còn trò chuyện với nhau. Riêng tôi một mình một chiếu, gần như câm cả tháng ở trại.
Nhưng rồi cũng có cách. Tôi trò chuyện với cậu họa sĩ Mông Cổ bằng cách vẽ . Hắn hỏi tôi nhà cửa, ăn ở…tôi vẽ căn hộ 18 mét vuông nhà 5 người, phòng khách chỗ ăn chỗ vẽ, một giường đôi, một giường đơn…nó nhất định không tin sao lại có thể ở trong một không gian như vậy.
Một họa sĩ Nga to con vỗ vai tôi, nói “ ban sôi” và chỉ vào một cô người Việt nhỏ con đang sắp hàng mua đồ “ ma linh ki”, mãi sau mới biết nó bảo mình to con, còn cô kia là bé xíu!
Lúc ấy cả bọn nghĩ tôi trẻ nhất trại, vì bọn Nga và đông Âu đều to béo có bụng. Đến khi xem danh sách chúng cười ồ lên hóa ra tôi già hơn chúng từ 5 đến 10 tuổi.
Buổi đầu tiên tôi gặp một chàng trai trẻ có tên Saxa, là thầy giáo. Tôi vẽ chân dung Saxa, vẽ chì, cẩn thận. Người châu Âu vẽ dễ giống vì đặc điểm mặt râu ria rất rõ. Cậu ấy thích lắm. Hôm sau mua tặng một tấm hình khắc trên gỗ một thanh niên trẻ tóc xoăn, ngậm tẩu mà mãi sau tôi mới biết đó là chân dung Exenhin, nhà thơ danh tiếng.
Bức vẽ ấy sau đó được giữ lại thành tài sản của Nhà sáng tác.
Thì ra trại sáng tác đó là do một nông trường bỏ tiền ra đầu tư. Họ nuôi các trại viên và sau đợt sáng tác , mỗi họa sĩ để lại một tranh, còn lại cái nào thích thì họ mua, đổ đồng giá 100 rup/một tranh. Một họa sĩ Nga chuyên vẽ chân dung các nông trang viên cuối đợt được mua tất cả mấy chục bức, kiếm cả trên ngàn rúp, mọi người ai cũng bất ngờ. Hẳn nào mà ngày nào cũng có nhiều người trong nông trang đến đi quanh quẩn và thích thú khi được họa sĩ mời ngồi mẫu!

9/11/2017
(còn nữa)