Thú chơi cây chơi hoa ngày tết

Doduc
Gần đến tết năm nay trời rét dần, thấp thỏm một cái tết có thời tiết như xưa, nghĩa là se lạnh, lâm thâm mưa phùn. Đã quá nhiều tết nóng nực rồi do biến đổi khí hậu.
Tết là mùa của hoa, trời phải se lạnh để kéo con người gần lại nhau hơn, sun xoăn chọn hoa trong cái rét miên man mà cánh hoa vẫn tươi rói thì mới vui, chứ nóng bức thì cánh hoa nẫu hết còn đâu. Không biết từ mấy chục năm nay, được cái tết trời lạnh sao hiếm hoi thế. Một năm lao động, đến ngày tết nghỉ ngơi thăm thú nhau trong nóng bức thì thậm vô duyên.
Cầu được ước thấy, hai bốn hai lăm tết tôi lên Nhật Tân phải mặc áo chống rét. Trời mua lâm thâm, ngắm nghía đào trong bụi mưa có cái duyên của nó. Mấy chục năm ở Nhật Tân tôi mua đào từ rằm tháng chạp thắp hương trên bàn thờ. Chục ngày sau, khoảng hai lăm mua tiếp. Rồi ngoài mồng Mười vớt thêm cành chót vụ cho tháng giêngkéo cái mặn mà không khí tết lại trước khi vào mùa lễ hội. Chơi đào là chơi cả tháng chứ không phải giáp tết mới chọn lấy cành to vật nghênh ngang trong nhà, coi đó như xong hoa tết. Mồng ba mồng bốn lại ôm khiêng cành đào vứt ra bãi rác! Tôi vẫn coi bọn người chơi đào đó là đám trọc phú lắm tiền. Họ không biết thưởng vẻ đẹp của hoa, chỉ coi cành đào là vật trang trí trong nhà phải có. Nhà nào sắm được gốc bạch đào Lang Sơn, gốc bằng bạnh chân, nghênh ngang nửa nhà thì vênh lắm.Hơn hàng xóm rồi! Nhưng hỏi thích gì ở vẻ đẹp của bạch đào, của bích đào của đào phai, hay vẻ đẹp sang trọng của loại đào thất truyền cánh màu lòng trai thì mặt lại nghệt ra như ngỗng ỉa.
Lại một thời rộ lên chơi đào núi. Thế là đào từ Sa Pa , Mộc Châu Sơn La, từ Lạng Sơn đào bị đốn chặt chất đầy xe tải rung rung chiếm vỉa hè lấn sân đào Nhật Tân. Những cành đào mốc cựt, rêu phong bám đầy rêu tảo được các cặp mắt đổ dồn. Chơi đào núi mới là sành điệu. Mà sành chỗ nào, điệu chỗ nào không rõ, còn cái rõ nhất là thói a dua. Chơi hoa cũng a dua như đời sống đời thường a dua chửi góp dù chưa biết kĩ đầu cuối ra sao.
Năm nay đào núi đã thấy ít đi do nhạt thói chơi hay đã phá xong rồi không rõ
Chợ hoa giờ vắng dần thược dược hoặc hoa dơn, tuy vẫn còn lót đót. Rồi hoa chân chim (violet), hoa bươm bướm, loài hoa mà người Hà Nội vô cùng yêu thích cũng không còn nhiều. Đó là những loài hoa yếu đuối nhưng duyên dáng đầy nữ tính. Những hoa này khi xưa làng Ngọc Hà trồng nhiều. Hoa một thời của Hà Nội đấy. Hoa của những ngày tết trùm trong se lạnh. Càng lạnh thì hoa càng rực rỡ…
Thay vào đó, giờ đây nhiều loại cúc, hồng và ti tỉ thứ không biết hết tên đang dần chiếm sân. Hoa Ngọc Hà xưa như những giống lúa bản địa phải dần nhường chỗ cho các loài giống mới từ xứ lạnh xa xôi mới xuất hiện. Một sự “ di dân” trong nuôi trồng các loài hoa do thị trường cần mở mang, thương mại và đồng tiền đang thay đổi thế giới loài hoa vì những người yêu hoa…
Bên cạnh đào tết Nhật Tân,bên cạnh đào rừng được tích cực khai thác vô tội vạ, thì trên chục mùa tết gần đây chợ hoa lại có thêm mai vàng xứ nóng được mang ra từ phía Nam. Cũng mai thế thân xoắn cành la. Mai vàng phương Nam có vẻ đẹp của sắc nắng gió vùng đất nóng cũng nhanh hòa hợp. Nhiều nhà mua, nhưng tôi lại chỉ thích mai trắng. Mai trắng nho nhã thanh cao và tinh khiết. Ngồi nâng ly trà trước những bông mai trắng thấy mình đang sống ở một không gian khác, khoảng trời khác, thấy cốt cách thanh cao, đời ô trọc biến đâu không còn. Những cánh mai trắng mỏng như cánh ong, trong vắt đưa tâm hồn ta đến vùng thiên thai không dính bụi trần…
Chơi hoa, chơi quất trong ngày xuân xưa, các tiền bối kĩ càng hơn thời xôi thịt thừa mứa bây giờ.
Trước đây bích đào là thú chơi bình dân
Nho nhã kĩ tính với các nhà giáo, hoặc trí thức thì chơi đào phai 5 cánh đơn, loại đào quả, thưa hoa cánh sáng , như lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng trong ngày xuân, chứ không dồ dạt chém to kho mặn.
Quất bày trong nhà giữ khí. Người xưa chơi quất cầu kì, dù là quất thịnh nhất cho người buôn bán. Cây quất tán tròn, lộc chìm nhiều hơn lộc nổi. Nghĩa là quả ngoài vừa phải,quả chìm lúc lỉu. Quất hay phải là tứ quý, quất “tứ đại đồng đường”, có quả chin , quả xanh, quả non, có hoa nụ, và sau nữa là có chùm lá lộc. Quất hay nhất nổi tiếng Hà thành là quất Quảng Bá. Quất lá dày, xanh thẫm, bản lá vừa phải. Qủa quất nhỏ mà dày chiu chit…Người làm quất cuối vụ phải níu cành cho tròn trĩnh vững chắc một khối. Cầu kì vô cùng
Bây giờ chơi quất người ta thiên về quất thế, cành tự nhiên lên bổng xuống trầm giống lối chơi bon sai. Âu cũng là tinh thần thời đại, ưa hình thức tự do hơn là ý tứ. Những triết lý về thú chơi hoa xưa bị rơi rớt dần, giờ không còn bị gò bó câu nệ. Cũng chẳng rõ thế là hay hay dở. Nhưng thời nào có văn hóa ấy. Thời này tôi có cảm giác “chém to kho mặn” chiếm ưu thế hơn thời nghèo khó. Thời ấy nghèo khó nhưng vươn lên sự thanh cao của thị thành có chiều được chú ý nhiều hơn.
Đây là nói về nơi thành thị, chứ nông thôn xưa, nhất là thời bao cấp thì chơi hoa tươi là thứ chơi xa xỉ chẳng mấy ai nghĩ tới. Người nhà quê, ngày tết mua hoa giấy, cắt dán vụng về cắm lọ góc bàn thờ cho có sắc đỏ ấm áp. Người nông thôn chơi hoa giấy như thứ niên họa. Hết năm bỏ đi thay bằng những bông hoa giấy mới. Tôi có một chị bạn làm nhà in , hàng năm nhặt nhạnh giấy lề về nhuộm phẩm cắt hoa mà thừa tiền trang trải tết và mua giấy bút hàng năm cho đàn con đến lớp.
Hoa giả bây giờ đẹp hơn vạn lần. Các loại hoa giấy, hoa lụa và nhất là hoa nhựa buôn từ Trung Quốc về, nhìn không tinh còn lẫn với hoa thật. Còn nhiều loai cây nhựa như chuối như phong cũng tràn ngập thị trường. Nhưng trông chúng thô thiển và trơ trẽn. Vậy mà không ít người mua.
Ngày tết, cây hoa cảnh nơi phố phường trở nên thịnh hành và đa dạng. Nhưng xét cho cùng thì không gì đẹp bằng hoa thật. Cũng như trong cuộc đời không gì tốt hơn là lời nói thật. Cuộc sống muôn màu nhưng trong một xã hội phát triển đi lên mà giữ được thật thà như người nhà quê là vốn quý nhất chúng ta phải giữ lấy. Và ý tứ cẩn trọng trong cuộc sống cũng cần phải củng cố. Một xã hội giả dối trong giao tiếp và trong hành xử thì khác gì lối chơi hoa giả, cây giả, phải không các bạn? mùng 2 tết Canh tí ( 26/1/2020)