Tết này lại nhớ

Doduc
Tôi có một anh bạn đồng niên làm báo. Tôi thì làm họa sĩ biên tập viên ở một nhà xuất bản
Viết báo và biết chụp ảnh là việc quen thuộc của phóng viên. Anh ấy nghèo. Vợ bỏ anh cũng vì nghèo. Đất nước thống nhất rồi mà không mua nổi cái tủ lạnh sít cơn hen, hoặc cái xe máy bãi rác. Đi đâu cũng cọc cạch xe đạp, vợ chán. Bỏ. Anh một mình nuôi hai con trai nhỏ. Mỗi lần ra chơi , chúng đùa nhau chạy rúc rich như chuột, nghịch lắm.
Nhiều buổi tối tôi ra chơi, hai thằng ngồi hút thuốc lá sợi Cao Bằng cuốn tay, rồi nhâm nhi uống trà, chuyện trên trời dưới biển cho quên cái nghèo.
Tôi làm biên tập cho một nhà xuất bản nên ưu tiên đặt anh viết lời cho truyện tranh. Mỗi năm xuất bản vài cuốn. Nhuận bút còm nhưng được một đồng cũng quý. Có hôm ra nhận nhuận bút được mấy chục đồng, ngẩn ngơ một lúc, anh thọc tay vào túi: Tao mày đi làm bát phở ! Tôi nhìn vào nhìn thẳng mắt anh: thôi nào, cầm về góp vào nuôi con, phở phiếc gì! Chúng đói xanh họng kia kìa.
Miệng nói thế nhưng bụng cũng ngầm sôi, cũng thèm phở lắm nhưng thương bạn mình hơn, có ăn cũng chẳng ngon. Anh chần chừ rút tay khỏi túi, mày nói thế thì thôi vậy. Nghe giọng nói, tôi biết lòng anh thầm cảm ơn.
Đôi khi ngồi cũng tâm sự cách kiếm tiền. Đói bụng đầu gối phải bò… Anh kể mỗi lần Quốc hội họp đi làm tin, cái máy đen trắng giúp anh khối việc. Anh không chụp tân văn, việc đó đã có phóng viên TTX đâu đến lượt nhà báo quèn. Anh chờ giờ giải lao, các đại biểu xúm quanh ông Đỗ Mười, và những ông Cốp khác, thế là xoay máy bấm vài phát. Mỗi lần cụm đại biểu mới xuất hiện anh lại xoạch xoạch…chỉ dăm pô thôi, về nhà lao ngay vào buồng tối cắt phim tráng, rồi phóng. Cứ đếm số đầu đại biểu trừ ông Cốp ra. Hôm sau trước phiên họp phải cố tìm mặt các đại biểu có mặt trong ảnh hôm qua chìa ra… ảnh mượt rõ ràng mình đứng cạnh thủ tướng nhá chẳng ai từ chối cả. Tất cả đều rút tiền ra lấy ảnh. Có người còn muốn hai ba bức cơ. Nhưng chẳng dại làm bừa. Giấy và phim đâu dễ có tiền mua. Nhỡ họ không lấy là lõm.
Có hôm chụp rung máy, phim không dùng được, tiếc đứt ruột.
Rồi dần dần khá hơn, anh lên trưởng phòng. Hồi ấy có truyền hình, máy quay M7 lúc ấy là nhất. Ngoài đi làm tin, có nhiều đơn vị nhờ nhõi, Việt kiều về muốn quay chút tư liệu gia đình và nơi thăm thú, anh nhận tuốt. Lúc ấy phóng viên có cơ hội kiếm thêm.
Lúc đầu, mỗi lần đi về chúng mời đi đánh chén. Nhưng sau vài lần thấy mất việc, anh bảo: các chú cứ chiến, về chi anh 20%, anh ở nhà trực đài, đọc cả tin cáo phó đám ma hoặc tin báo hỉ…Từ đấy đời dễ thở hơn.
Anh là người thông minh tháo vát, biết tổ chức công việc, biết xây dựng chương trình, từ thời sự chính trị đến văn hóa nghệ thuật, từ vui đến buồn, đề tài trở nên phong phú và anh được tín nhiệm , rồi năm tháng anh bước dần lên những bậc thang cao hơn. Câu chuyện cũng lắm uẩn khúc, nhưng kể ra thì lan man dài quá. Chỉ biết dù không được ưa nhưng người ta khó chặn anh vì nghề khá chắc tay. Thời ấy, dù sao cũng chưa có tệ mua chức như giờ, cấp trên vẫn cần người tài tổ chức công việc, dù không ưa nhưng cũng không dám vùi dập, vì dùng người không có khả năng cũng dễ bị cấp trên cho ăn đòn.
Anh lên đến Tổng giám đốc, nhưng tình bạn mày tao vẫn như xưa. Ít gặp nhau, nhưng vài ba tháng tôi lại gọi điện gặp nhau cà phê cà pheo.
Một lần tôi alo lúc bốn rưỡi, anh bảo: mày lên cứ vào thẳng số 9 Láng Hạ, quán lẩu dê có rượu ông uống bà khen đó nhá. Khỏi vào chỗ tao làm gì.
Tôi đến thì anh và đám tiểu yêu đã vây quanh đến bốn năm đứa. Giai thì nhanh nhẩu, khẩu khí lè lèo, gái thì má thắm môi hồng. Xì xụp nửa giờ bụng căng mặt đỏ, rút tăm. Bạn tôi vừa đưa tay ra sau định sờ ví thanh toán thì đã có luôn một choai đứng dậy khoát tay: Sếp để em, đấy không phải là việc của sếp. Một cậu khác nối giọng: Sếp phải để bọn em có dịp thể hiện chứ. Mấy yêu nữ mặt tươi, môi chum chím vẫn bóng mỡ: Sếp ơi, bạn của Sếp cũng là Sếp của chúng em, việc này để chúng em lo. Tôi ngồi yên quan sát đám ong ve vù vù ngôn ngữ kính trọng yêu thương. Anh ấy cười, thì chúng mày cứ thế đi, rồi cười…
Những cuộc gặp mặt lẩu dê rượu ngon trên hai mươi năm trước độ hấp dẫn hơn bây giờ nhiều. Tan cuộc, mỗi tiểu yêu một phương, tôi và anh ấy sang quán trà cà phê.
Nhìn anh bước đi hơi nặng nề, cái bụng lép kẹp nay đã được thay bằng cái bụng hơi phưỡn, rất đẹp nếu đánh bộ comple, tôi bảo: Ông phải cẩn thận ăn uống. Béo ra cả chục kí thế này rồi sinh ra bao nhiêu bệnh đấy. Anh xì một tiếng: mày không phải lo. Tao khỏe mà, chẳng sao đâu.
Bên ly cà phê tâm sự, tôi bảo: Tao nhìn đám tiểu yêu vo ve quanh mày tao sợ quá. Nó chăm sóc mày một thì nó sẽ đòi lại hai ba đấy. Liệu cái thần hồn. Anh hồn nhiên: Mày yên tâm đi, bọn đệ tử ruột của tao chúng tử tế mà. Tôi nói luôn, nếu tử tế thì tốt, tao sợ không được như mày nói cũng như niềm tin của mày xôi hỏng bỏng không thôi.
Anh viết tiểu thuyết “Kẻ đi ở”. Tôi đọc, thấy anh cũng khá lõi đời, nhìn được sâu thẳm vào cuộc sống, thói nịnh hót, đám bê tha, những ông quan bàn giấy hống hách ngu xuẩn, những quan tham lam vô lối…Nhưng tôi vẫn nghĩ trong cuộc sống thật anh có gì chủ quan, sai sai.
Rồi anh cũng nghỉ hưu. Hơn năm sau anh lâm bệnh. Đúng như tôi nghĩ, đó là bệnh do thừa ăn mà ra. Ở xa nhau, tôi nhắn qua điện thoại hỏi thăm, anh bảo giờ thì cơm với muối vùng mướp đắng. Kiêng đủ thứ mày ạ. Có tiền mà có ăn được đâu, chả bù ngày trước….
Một hôm gặp anh giai của anh, anh ấy bảo tôi: Chú em tôi trọng bệnh mà chẳng thấy đứa nào đến thăm. Đúng như chú đã có lần tâm sự với tôi rằng đã nhắc chú ấy cảnh giác. Chú ấy đang buồn, có ý trách…
Tôi cười: Bảo nó đừng trách. Chúng vẫn đến thăm đấy chứ, nhưng thăm Sếp mới. Mà tôi nói rồi, lúc trước nó săn sóc anh là nó đang săn sóc cho tương lai của nó đấy. Nhưng nào anh ấy có nghe ra. Vẫn là niềm tin mù quáng, vẫn là ngộ nhận…
Hóa ra người tinh tường khôn ngoan đến điều, đã nếm mùi cay đắng cuộc đời , nhưng khi ở vị trí cao không tỉnh táo, ngộ nhận về mình thì cũng dễ thành hôn quân lắm.
Anh ấy đã ra đi sau mấy năm chống cự với bệnh tật, để lại trong tôi cả bầu trời thương nhớ về một tình bạn một thời gieo neo kiếm sống, đùm bọc nhau. Nhớ những lần giáp tết, tôi hì hụi ra gói bánh chưng cho anh ấy, còn anh thì rửa lá kê bếp chất củi. Mỗi lần nhớ là nước mắt lại một lần muốn chảy ra.
Tết này lại nhớ…
Ecopark- mồng bốn tết- 28/1/2020