Người của công việc

CHUYỆN MỘT THỜI.
Nhớ báo Việt Nam độc lập

Doduc
Tôi về cơ quan báo Việt Nam độc lập lúc tuổi 25 , với 2 nhiệm vụ: trình bày báo và sửa mo rát.
Ông Trọng họ Nguyễn, không có đệm Phú như Tổng bí thư bây giờ. Lúc ấy ông là ủy viên biên tập cùng ông Thuận.
Tính ông trái ngược với ông Thuận, ruột để ngoài da, xởi lởi thân thiện, sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện.
Ông mang biệt danh Trọng điếc. Ông điếc nặng, nhưng có lúc nói thầm ông cũng nghe thấy. Người ta gọi thế là điếc lửng! Lần đầu về gặp ông, khi nói chuyện thấy ông chỉ hỉ hả cười nhiều và ít trả lời. Ông Chiêu trưởng phòng hành chính cười toe: Nó điếc tổng nhĩ, mày nói thế nó không nghe được đâu. Ông lại nhìn ông Chiêu cười cười.
Ông mình cá trắm, béo lẳn, da trắng, có nét cười phúc hậu. Hầu như không bao giờ thấy ông cáu gắt. Làm việc với ông thật dễ chịu.
Thời ở quê, tôi đã là người vẽ biếm họa nhiều năm cho báo này. Mỗi tranh nhuận bút một đồng rưỡi, mua được nửa con gà dò. Khi về báo vẽ tranh biếm, làm nhuận bút ông ấy cắt phéng. Thắc mắc ông gọn lỏn: Mày về báo ăn lương, vẽ tranh là công việc, không có nhuận bút. Thời ấy nó thế, công việc làm đủ thứ, việc gì cũng phải làm mà không có công ngoài lương, dù việc chính đã phân công rành mạch. Lần ấy tôi cãi: em vẽ biếm là sáng tác, lấy tên người khác thì anh bảo sao? Chẳng qua em muốn đàng hoàng thì ghi tên mình. Ông lúc này lại điếc, không trả lời. Bướng như bò!
Thế là từ đấy thôi không vẽ cho báo nữa. ông cũng chẳng nói gì.

Làm việc với nhau đước 6 năm thì Khu tự trị Việt Bắc giải thể, ông chuyển về tạp chí Xây dựng Đảng Trung ương làm phóng viên ban xây dựng Đảng, còn tôi về Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa. Hai anh em thỉnh thoảng gặp nhau. Ông khoe, tao bán cái xe máy mua được miếng đất trong làng gần gò Đống đa mày ạ.Lúc nào sang nhà tao chơi. Giờ đang có kế hoạch ba năm xây nhà.
Nghe cũng chẳng hiểu kế hoạch thế nào.
Những năm ấy còn bao cấp, tiếng Ủy viên biên tập mà lương xấp xỉ một trăm đồng. Vợ thì làm tạp vụ cơ quan lương mấy chục, bốn thằng con trai nhong nhóc như đám chim non lúc nào cũng há mỏ đòi ăn. Đời sống khốn khó vô cùng.
Ông Trọng có nhẽ là Ngu công đầu tiên của Việt Nam mà tôi biết.
Thế này, hết giờ làm việc, ông lui lại cơ quan xuống cạnh bếp nhà ăn tập thể vét hót xỉ than, đóng lấy 6 viên gạch (mà người ta gọi là gạch ba banh), rồi lúi húi gói buộc chở 6 viên đã khô đèo xe đạp về nhà. Ba năm sau ông xây được căn nhà ba gian trên mảnh đất mua được bằng những viên gạch ông đóng hàng ngày bất kể nắng mưa. Ba gian nhà xây gạch ba banh khang trang vững chãi. Ngày khánh thành nhà, ông chỉ dẫn ngõ ngách để tôi đến chơi. Thật sững người trước ngôi nhà bề thế của Ngu công Trọng.
Có lần anh ghé tai tôi:
Mày vào Đảng chưa nhỉ. Tôi lắc, bảo về cơ quan mới, hỏi ông Chiến, vừa làm tổ chức vừa là trưởng phòng biên tập, ông ấy bảo không có hồ sơ nào. (Ông Chiến cũng mới từ Khu đoàn chuyển về Nhà Xuất bản, bị lỗi “nhảy dù” mà nói thô là hủ hóa với một em nào đấy, bị kỉ luật chuyển về cơ quan xuất bản).
Nghe thế ông lắc đầu, biết thế kết nạp tại cơ quan trước khi giải thể. Tiếc cho mày quá.
Một hôm gặp ông trên đường vào chiều muộn,ông dừng xe, mặt hớt hải. Ông níu tôi: Tao vừa ở Đan Phượng về, hút chết mày ạ.
Tôi ngơ ngác chưa biết chuyện gì. Thì ra ông đi viết điều tra tiêu cực ở Đảng bộ Đan Phượng. Sự việc ở đây khá nghiêm trọng. Tan họp thấy không khí nặng nề, họ mời cơm nhưng nhìn thái độ thiếu thân thiện tao giả điếc ngần ngừ vào bếp ăn rửa tay, thì có một cậu lướt qua ghé tai tôi nói nhanh, anh đi đường tắt này nhé, có bọn chờ đánh anh ở đoạn …đấy.
Tao nghe mà toát mồ hột, kéo vạt áo lau mặt, rồi lấy cớ muộn, còn phải đạp xe về mười mấy cây số đường xa nên cảm ơn không ở lại ăn. Một nụ cười nửa khóe môi và ánh mắt lạnh lẽo của bí thư tiễn tao đầy ngụ ý…Thế là ra khỏi cổng tao ngọăt đường khác đạp chí mạng. May mà còn có Đảng viên tử tế nó cho biết âm mưu đểu.
Rồi ông bảo đi điều tra chống tiêu cực trong Đảng cũng nguy hiểm lắm mày ạ, chúng nó ma phia cả rồi! Nghe thấy giọng ông chưa hết run! Tôi không nhớ đó là năm tám mấy…
Đấy là lần duy nhất chuyện trò với ông về tác nghiệp. Ông quý tôi như em. Còn nhớ mãi lần đi ăn cưới , ông vào trong buồng lôi ra dúi vào tay tôi cái cà vạt hoa đỏ, nhăn như mớ lòng gà rối, quàng vào cổ tôi, bảo mày cầm lấy đeo vào cổ cho sang trọng! Buồn cười, có nhẽ đó là lần đầu mình mặc sơ mi đeo cà vạt quăn queo, nó cứ như cái đuôi chó ve vẩy…Ông nheo mắt cười, đấy trông mày kẻng giai ra phết. Tôi không nhớ mặt mũi mình ra sao lúc ấy. Ra khỏi cổng tôi tháo phéng đút túi quần.
Ông quen hút thuốc lá tự vấn, tay vàng khè. Thời ấy toàn hút thuốc lá sợi vàng Cao Bằng.
Ông mất vì bệnh ung thư phổi khi gần bảy mươi. Tôi không biết để thăm ông lúc ốm và khi mất để đưa tiễn, mãi cho đến khi gặp chị Thanh vợ ông.
Ông là người tôi yêu quý như người anh. Một con người ngay thẳng và liêm khiết, luôn cần cù trong việc nước việc nhà.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh ông. Mùa hè lúc nào cũng đóng quần tây, áo may ô ba lỗ, khóe miệng luôn mỉm cười đôn hậu, hơi thở hổn hển như vừa phải đi khuân vác ở đâu về.
Vài dòng ghi lại để nhớ một người anh , một con người của công việc.
13/1/2020