Doduc
Chồng chị làm ở cơ quan huyện. Tính tình anh thuần hậu, gia đình bình yên, bạn bè quý mến. Bất ngờ có một thời gian, anh trở nên lầm lì rồi một hôm anh treo cổ tự kết liễu đời mình ngay trong buồng. Chị đau đớn ngất lên ngất xuống. Anh để lại cho chị mảnh giấy ghi vắn tắt vài chữ: Tôi đi đây,cái chết này là tự tôi muốn thế. Sau khi tôi chết không cần khai báo chính quyền. Hãy chôn cất bình thường. Tôi xin lỗi tất cả.
Chuyện cách nay trên nửa thế kỉ. Lúc ấy nền hành chính còn đơn giản. Nên việc anh mất chỉ người trong nhà thì biết cụ thể, còn người trong xóm nghĩ là đột tử. Chính quyền cũng không căn vặn thắc mắc gì khi chị lên xin giấy báo tử.
Chị thành góa bụa khi vừa qua tuổi thanh niên. Chị gửi tình cảm với anh vào đứa con, chăm sóc nó trưởng thành dần. Tuy vậy chị nghĩ nhiều về gia đình chồng. Chị lần đầu mối tìm hiểu thì rồi mới biết trước đó mấy chục năm bố chồng cũng tự vẫn từ lúc còn trẻ, và ngược lên nữa, ông nội cũng chết tự treo cổ. Rồi cụ cố cũng có cái chết thê lương với sợi dây thừng…
Xâu chuỗi các sự kiện vầ cái chết của các bậc tiền bối khiến chị giật mình. Nó như là cái rớp định mệnh cho dòng họ này. Tìm hiểu người cao niên trong họ, dần dần câu chuyện sáng tỏ dần…
Giữa lúc đó thì thằng con giở chứng. Nó lại cũng lầm lì không muốn nói chuyện. Lại có vẻ sống âm thầm gián cách. Chị nhìn con lo lắng đoán có vong áp vào nó. Lo lắng vậy thôi chứ xưa chị không tin chuyện ma quỷ, chẳng bao giờ xem bói toán. Chị chẳng biết tính thế nào. Và rồi có một lần nó lần mò sang ông cậu xin sợi dây thừng, bảo về có việc. May thay phúc nhà chưa hết, chị phát hiện ra hình như nó có ý định treo cổ, ngăn được. Nhưng rồi từ hôm ấy nó như người ốm mệt, không chịu ra sân. Cứ lầm lũi trong góc buồng. Đến bữa ăn, không ăn, chỉ đòi bát cơm lắp và quả trứng luộc.
Chị nghĩ chẳng lẽ nó bị ma làm, bị áp vong thật. Ngay cách thức đòi ăn của nó cũng kì cục. Cho thứ khác không ăn, cơm thì đòi cơm lắp, phải xới hai bát úp vào nhau như bát cơm cúng nó mới chịu. Còn thức ăn chỉ cần quả trứng.
Thế là chị chợt nghĩ, nếu đúng là ma chị thử xem sao. Lần này chị lắp bát cơm, ghé miệng cắn một miếng rồi xới bù lắp lại tròn trịa. Chị hồi hộp bưng cơm lên nhà …
Vừa đặt bát cơm xuống phản chưa kịp nói gì thì thằng con vốn ngoan hiền bỗng bật dậy, chửi ” Dm mày chứ, xới cơm cho tao mà mày lại ăn trước à?”. Chị bàng hoàng khi nó gặt đổ bát cơn, hất quả trứng xuống đất, mặt nó đỏ căng lên giận dữ. Thôi, đúng là nó bị vong áp rồi, mà là vong của con ma dữ…
….
Câu chuyện lùi lại trước cả thế kỉ. Đời cụ cố có nuôi một thằng bé ở chăn trâu cắt cỏ. Thằng bé là đứa mồ côi. Nó mới mười lăm tuổi. Người già nhất trong họ chỉ còn nhớ hình như quen gọi nó là chú Chín. Mùa hè Chín suốt ngày cởi trền đánh mỗi cái quần đùi lăn lóc ngoài đìa vệ đê mò cua cá khi bò no, cỏ đủ…
Một lần qua làng bên, thấy trên cây ổi sau nhà có qủa chín. Nó thèm, leo lên cây hái trộm. Chủ nhà phát hiện xông ra đuổi đánh. chẳng may chiếc tay thước đập vào chỗ phạm. Nó bị chết. Xung quanh không ai biết. Chủ nhà sợ quá, phi tang bằng cách bới đất vùi nó ở dệ đê. Không thấy nó về . Nhưng cụ cố nội nuôi nó cũng không đi tìm, chỉ coi như nó đi đâu mất tích…
Mãi sau cũng lơ mơ nghe hung tin làng bên có một nhà con cái rồi đến gia chủ mấy năm lần lượt cùng còn cháu bị vật chết mà không rõ nguyên do
Rồi cái chết của cụ cố nội và tiếp mấy đời sau, mỗi đời đều mất người với cái chết thê thảm tự vẫn bằng treo cổ
Sự báo oán bắt đầu và như thế tiếp diễn. Câu chuyện biến ảo như một huyền thoại.
Câu chuyện trên được chắp nối khi chị cạy cục đi tìm thày xem tìm nguyên nhân. Lần ấy hẹn với một thày cúng ở Đông Anh, thế là chị cùng người nhà khăn gói lên đường. Trên đường đi rẽ vào nhà người họ hàng chơi rồi lui lại ăn cơm đến trễ hẹn nửa giờ. Lên đến nơi thày mắng: gọi vong nó về nhưng các ông bà không đúng hẹn, nó bỏ đi rồi.
“ Nó” đây và cái vong
Còn biết nói thế nào. Ma mà cũng đòi đúng giờ hẹn! Thày chỉ lên cành cây trước nhà, bảo nó trèo ngồi vắt vẻo trên đó mãi, gọi cũng không chịu xuống.
Chị cùng người nhà nhìn đăm đắm lên vòm xanh của cây chay mà lòng bâng khuâng hy vọng.
Lần hẹn thứ hai thì chị lên đúng giờ. Thày bảo đấy, nó đến rồi, đang ngồi trên cây kia, để tội gọi xuống nói chuyện. Và câu chuyện trộm ổi kể trên gây nên cái chết ai oán của Chín được sắp xếp lại do vong nhập vào một người ngẫu nhiên qua nhà thày ngồi chơi. Nó kể thân phận và cái chết buồn thảm không áo quần, không được chôn cất tử tế, không được làm ma cúng bái, nó đói nó khát, nó hận và trả thù nhà có cây ổi, và rồi tiếp theo trả thù nhà nó đi ở vì nó chết mà không đi tìm về làm ma cho nó. Nó bảo đã đi ở là trao thân gửi phận vào đó rồi, vì nó coi nơi ấy là gia đình nó. Thế là nó hận! Từ đấy mỗi một đời, nó đều tìm về bắt một người …
Thày bảo; thôi thì sự đã vậy biết làm sao, xin nó và lập miếu thờ trước vườn nhà, để rằm mồng một được hưởng hương đăng quả thực, xin nó từ bỏ uất hận.
Chị bàng hoàng về xây miếu thờ theo chỉ dẫn, mời thày qua cúng tế cho nó ngôi nhà mới. Nhưng nó vẫn không bớt giận. Con chị vẫn đờ đẫn dù cũng đỡ đòi hỏi tai quái hơn trước.
May phúc nhà chưa hết. Biết nguồn cơn thế rồi thì phải tìm cách giải thoát cho con.
Chị được một người chỉ cho về thành Nam tìm một thày phù thủy cao tay. Nghe hết chuyện, thày bảo sắp lễ vật và phải bắt lấy một đôi chim sẻ, con đực con cái để thày trấn trị.
Đôi chim sẻ rồi cũng kiếm được. Bữa ấy thày làm hai lá bùa nhét vào miệng chim. Cúng xong, đôi chim được xổ lồng bay đi.
Không biết phép thuật có gì cao siêu nhưng từ đấy thằng con chị dần trở lại bình thường. Sau đấy nó lấy vợ sinh con, và không còn biểu hiện tìm đến cái chết nữa. Vợ chồng nó bây giờ rất hạnh hiếu với mẹ. Như vậy là là vong dữ đã được trục ra khỏi người nó.
Nghe chuyện chị kể, tôi rùng mình ớn lạnh. Người thật, việc thật mà ngỡ như một huyền thoại xứ nào!
23/12/2019