Doduc
1 – Xưa nay người ta biết đến tranh Đông Hồ và nghĩ làng ấy có mỗi nghề tranh. Hóa ra không phải thế. Làng Hồ đâu chỉ có một nghề mà là hai nghề, nghề tranh và nghề mã.Còn tranh thì mọi người chỉ nghĩ đến vài loại gà lợn, vinh hoa phú quý, đánh ghen hứng dừa và đám cưới chuột thày đồ cóc… đại loại thế. Cái đó cũng đúng. Về bản chất vì đó là những tranh gốc, khởi thủy cuả dòng tranh, đặc trưng nhất.
Những tranh đó hay về đường nét tạo hình, sâu sắc về ý tứ. Tranh chứa đầy trách nhiệm với xã hội nhằm giáo dưỡng tinh thần, đem lại niềm vui cho mọi nhà. Nói theo thời hiện đại là tranh mang theo năng lượng tốt lành.
Điều này tôi đã khẳng định ở bài viết “ tản mạn về tranh dân gian Đông Hồ” : “Thế hệ đầu tiên của tranh dân gian thì tranh không phải để trang trí, mà nhằm dạy triết lý sống. Phong cách rất rõ ràng, rất khái quát, nét vẽ thì chắc nịch của người thợ dân gian tài ba. Ở những tranh đó, chữ nghĩa hàm ý sâu xa, ngàn năm không cũ.
Những tranh đó, gọi là dân gian nhưng bản chất nội hàm là bác học: Tranh xuất phát từ chữ.
Tranh Đông Hồ đầu tiên, tranh nào cũng có chua chữ ở góc. Chữ đó là chú thích tranh . Chữ đó là hồn cốt tranh.. Thời cái cách ruộng đất, một số tranh bị quát mất chữ vì lúc đó người ta nhìn chữ nho lại sợ dính đến phong kiến đế quốc . Mất nó tranh thành vô nghĩa.
Khi nghiên cứu về tranh Đông Hồ tôi nhận ra mục đích của dòng tranh. Các nghệ nhân đâu có ý định vẽ tranh chơi, mà chỉ là “ mượn hình gửi ý”. Tranh chỉ là mượn để gửi ý tưởng giáo dưỡng tinh thần. Bởi mỗi bức tranh là một bài học thông qua một câu chuyện răn dạy làm người.
Nhìn cách tạo hình tranh rất khái quát, chuẩn chỉnh theo một bố cục vuông hoặc tròn chằn chặn, chắc nịch, không tí rườm ra, cách chọn ý thể hiện cũng vậy , ngắn gọn, xúc tích để nhận biết nhanh: ví dụ: Vinh hoa- Phú quý/ Nhân nghĩa- tri lễ/ Đại cát- nghi xuân/ Đánh ghen- hứng dừa/ thày đồ cóc/ Đám cưới chuột…vân vân
Và cái bóng của dòng tranh hắt xuống, ta thấy gì?
Nhìn những bức tranh khởi thủy, ta nhận ra cuộc sống yên bình, nhưng sau đó thì từ thời chống Pháp và Mỹ, xã hội xốc xáo, cuộc sống nhộn nhạo hiện lên trong từng tranh dù tuyên truyền ca ngợi hay phê phán thì cũng vậy, rất rõ.
Ngay đường nét tranh cũng không tĩnh tại tự tin như Vinh hoa Phú quý. Dù cố chau chuốt nét để phản ánh cuộc sống nhưng nó lúng túng thiếu tự tin, càng cố gắng bắt chước cuộc sống tranh càng rối (cụm tranh về tăng gia sản xuất). Tại sao vậy? Cắt nghĩa dễ thôi, một đằng đi từ trí tuệ ra, với mục đích giáo dưỡng tinh thần xã hội trên cơ sở tính thiện nên nó chủ động từ ý tưởng đến nét vẽ thể hiện ý tưởng sẽ rất bản lĩnh. Còn khi tranh thành phương tiện tuyên truyền thì nó thành đứa làm thuê, chịu sự điều chuyển sai bảo, lựa ý người khác làm theo thì đâu còn là của mình. Lúc đó đã mất thế đứng. Khi không làm chủ mình thì mất luôn cái nền tự tại sáng tạo.
2 – Làng Hồ có nghề tranh, lại có nghề mã song hành
Tranh làng Hồ có nhiều thể loại cả về hình thức và nội dung
Làng hồ có tranh đồ thế. Tranh trang kim. Tranh trổ giấy và tranh khắc in trên dó điệp.
Đồ thế là tranh dùng cho tín ngưỡng phụ cho đồ mã, như kiểu hình nhân thế mạng đốt theo sau khi cúng.
Tranh trang kim cầu kì nằm trong đồ mã phục vụ tín ngưỡng
Tranh trổ giấy cũng có nhưng ít, không phổ biến
Tranh tết Đông Hồ là tiêu biểu nhất, phong phú nhất. Nó là loại tranh khắc ván và in trên giấy điệp
Đã nói đến tranh Hồ chuẩn phải là tranh dó điệp.Nếu không in dó điệp thì chưa thể gọi Đông Hồ chuẩn.
Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa sau nhiều khảo cứu văn hóa vùng Đông Nam Á và Trung Quốc, anh đi đến kết luận: Dó điệp là đặc sản văn hóa thuần Việt, là sáng tạo của người Việt.
3 – Tranh Làng hồ có nhiều thể loại.
Tranh chúc tụng, tranh lề thói, tranh anh hùng lịch sử, tranh phản ánh, tranh tín ngưỡng và có cả tranh phong cảnh, tranh chuyện và tranh tứ bình xuân hạ thu đông, tứ bình kể chuyện… Nói chung là khá phong phú, cả chuyện ta và Tàu..
Xin lấy ví dụ bức tranh “Đám cưới chuột” lâu nay ta vẫn bảo là tranh châm biếm đả kích bọn quan lại ăn trên ngồi trốc, và có người nghĩ đến bọn bảo kê. Nhưng đi lùi thời gian lịch sử của thời xuất hiện tranh chừng 6 thế kỉ thì người viết nghĩ rằng đó là tranh lề thói, phong tục theo lối nghĩ xưa, xã hội có người trên kẻ dưới, và kẻ dưới cống nạp bề trên để mà tồn tại, coi như thứ tục lệ,. Đây cũng là cách giải quyết mâu thuẫn đối kháng (mèo- chuột) bằng phương cách hòa bình nhất, như là thứ truyền thống vậy. Tranh “thầy đồ cóc” vẽ lớp học nhưng bộc lộ cái đạo lý của sự học . Nhìn cách bày biện hình trên tranh thì thấy rất rõ.
Năm 2009 ở Bordeau sau buổi nói chuyện tôi tặng cho mỗi người dự nghe một tranh Đông Hồ. Mọi người về hết, mà vẫn còn một chị nán lại. Chị muốn đổi bức tranh chúc tụng “Nhân nghĩa” – bé ôm cóc, vì thấy con cóc là con vật bẩn. Tôi ok, nhưng trước khi đổi tôi kể cho chị nghe truyện cổ tích có kiên trời. Nói với chị rằng đây là bức tranh trừu tượng, cóc là hiện thân của nhân- nghĩa- trí- dũng trong cổ tích cóc kiện trời, đó là tranh chúc tụng, người tặng tranh mong đứa con giai anh lớn lên có được những đức tính quý báu đó. Nghe hết chuyện, cô ấy đổi nét mặt vui lắm ôm khư khư bức tranh không đổi nữa.Đi đôi với Nhân nghĩa là tranh Lễ tri , hình ảnh bé gái ôm rùa. Rùa là vật tứ linh sống nghìn năm, đó là ôm “ lễ tri”- lễ nghĩa và sự hiểu biết, có nó . giữ được nó thì sẽ bền vững dài lâu. Xưa nay truyền dạy cho con những nền nếp sống vai trò người mẹ là chính (con hư tại mẹ). tranh lễ tri gửi gắm ý tứ đó.
Điểm một số tranh để thấy những tranh khởi thủy của Đông Hồ, mượn hình gửi ý thật giá trị sâu xa, có triết học nhân văn làm cốt. Còn những diễn biến sau này theo thời cuộc, nó mất vị trí dẫn đường, thành người giúp việc cho xã hội, nó chỉ là màn trình diễn minh họa nhạt nhèo, thiếu sức sống.
Râu ria bên cạnh việc làm tranh, giờ người Hồ còn phóng to những tranh vẽ tay, hoặc khắc bản nét, tạo bộ tranh tứ bình. rồi tô cản kiểu hàng trống …Họ làm đủ kiểu khi khách hàng có nhu cầu. Âu cũng là chuyện kiếm sống của một làng nghề khi các ngả rẽ đều có thể nuôi sống họ. Bây giờ những thứ đó họ đều gọi là tranh Đông Hồ, vì đều làm ra từ người làng Hồ. Nhưng tranh Đông Hồ không phải mớ hỗn tạp ấy. Tranh Đông hồ là những tranh khắc in trên dó điệp( hình thức) còn nội dung thì đã nói ở trên.
3 – Tranh dân gian có một đặc tính là toàn chuyện quanh nhà rất cụ thể chứ không xa xôi bóng gió, vừa gần gũi vừa dễ hiểu. Nếu ai biết cách nhìn văn hóa sống người Việt thì đều nhận ra ngay giá trị lớn lao của mỗi tranh mà không cần giải thích. Hiện thời nhiều người không tìm hiểu đến nơi đến chốn, chỉ nhìn cách tạo hình là phán ngay là tranh không có gì, nhìn nội dung chỉ thấy toàn gà lợn và chuyện xóm làng hoặc mô tả lại lịch sử là coi thường.
Nói về một giá trị của một loại hình nghệ thuật cần gìn giữ, không có nghĩa là nó phải xuất hiện thường ngày và dán ngay vào cuộc sống đang diễn ra. Bảo tồn không phải thế, mà là nghiên cứu sâu, nắm được cốt cách, bản chất của nó, hiểu và trình bày nó một cách mạch lạc đẻ giữ gìn lấy nó. Sự thiếu hiểu biết và lãng quên nó trong nhiều giai đoạn đó là sự đứt gãy văn hóa khi xã hội biến đổi mà thế lực thay thế cố tình hủy hoại văn hóa, hoặc lợi dụng nó làm méo mó đi để vừa cái vung của họ, phục vụ họ. Việc này thường xảy ra khi các triều đại mới lên ngôi.
Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản quý, có giá trị thực về độ sâu văn hóa. Còn những biến thiên làm suy giảm vai trò của nó là chuyện thường gặp trong biến đổi của mỗi xã hội. Nghiên cứ để nhìn nhận đánh giá bảo vệ những giá trị mà tiền nhân có công tạo dựng lên là trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc giữ gì những di sản đã từng có.18/8/2019