Bảo vệ hay phá hoại

doduc
Mới đây trên mạng xã hội rầm rĩ chuyện kiệt tác mĩ thuật sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cụ Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng mĩ thuật thành phố Hồ chí Minh bị bảo dưỡng sai quy trình, hỏng mất 50% theo đánh giá của Vụ mĩ Thuât Bộ Văn hóa. Nhiều người xót xa tiếc nuối và nhiều lời bàn về việc tác phẩm mất đi 50% giá trị bản gốc.
Bảo dưỡng tranh phải là người có nghề trong giới chuyên môn chứ không tùy tiện đem “nước rửa chén” ra lau như thông tin đã đưa. Nhưng chắc sau nước rửa chén lau thì cọ rửa chắn phải là giấy nháp hoặc giẻ cứng mới phá mặt tranh như thế. Sơn mài đâu dễ bị hư hại như các chất liệu sơn dầu vì nó vốn được mài trên nước , chỉ lau khăn phẩy bụi thì sao có thể bong tróc được?
Bây giờ, nếu có bản ảnh chụp gốc chính xác thì việc sửa lấy lại gần như bản gốc cũng không khó. Hà Nội không thiếu chuyên gia, có những họa sĩ già làm sơn mài chất liệu truyền thống từ ba bốn mươi năm nay, ví dụ như Thanh Còm, ông ấy có thể nhìn thấy ngay lý do tranh bị xâm hại và có cách đưa lại về nguyên bản. Chỉ có điều, người ta có tin vào năng lực đó và dám trao cho làm không hay lại sợ như như vị dùng “nước rửa chén” nọ mà thôi!
Kể ra thì đây là bức tranh đắt nhất Việt Nam vào thời điểm đất nước sau thống nhất nếu bị hư hại thì cũng thật là một sự mất mát lớn. Nghe tiền to thì người ta càng xót xa là “ kiệt tác”, nhất là thời gian làm tranh dài đến 20 năm , thì ý nghĩa về giá trị của nó lại càng tăng.
Tôi chưa có may mắn được xem bản chính, nhưng tôi nghĩ cụ Trí còn nhiều tranh không kém cạnh từ thời trẻ trung còn la đà đâu đó trong nước và trên thế giới. Một bức tranh bị xâm hại thì đáng tiếc, nhưng còn đủ khả năng người trong giới phục hiện được, và còn có thể thấy nhiều giá trị trên các tác phẩm của cụ đang được lưu giữ ở đây đó. Với cụ Trí sự nghiệp là đồ sộ chứ không phải họa sĩ chỉ có một tranh như nhà thơ chỉ có một bài, nên tôi cũng không cho việc này là quá nghiêm trọng.
Nhân chuyện này, nhìn lại các giá trị lớn hơn kiệt tác này nhiều của các thế hệ cha ông bị nghiền nát sau khi có tiền để phục chế, hoặc duy tu bảo dưỡng hoặc nâng cấp. Có nhiều đấy, mà vì dư luận cũng không đánh giá hết hoặc không biết nên dễ bị bỏ qua. Chỉ những cái nhỡn tiền đang diễn ra những năm gần đây ví dụ như đoạn thành Nhà Mạc ở Tuyên Quang từ một thành đất bọc gạch bị thời gian làm xói mòn, được làm lại mới toanh như cái lò gạch giữa phố, ai cũng nhìn thấy. Chỉ còn mỗi cái biển trang trọng bên cạnh người ta mới biết đó là thành nhà Mạc. Thế là cái đoạn thành mấy trăm năm tuổi thành ra cái thành vài ba tuổi! Còn lại chùa chiền từ Lý Trần Nguyễn thì không kể hết, hay như riêng Huế một số di tích đã có sự xâm hại hơn bát nước “rửa chén” này nhiều lần.
Những di sản như Nhà thờ Bùi Chu trên 130 năm sắp bị dỡ bỏ xây cái mới, thì sự đập phá ấy còn kinh hoàng hơn bức tranh của cụ Trí. Sao không giữ công trình kiến trúc trên trăm năm ấy mà dùng tiền đó xây nhà thờ mới do nhu cầu cần thiết. Nhà thờ trên trăm tuổi ấy cần được giữ lại vì đó là lịch sử, là kiến trúc tầm cỡ của một thời. Bây giờ cái gì cũng muốn mới đẹp theo cách nghĩ nông cạn, họ sẵn sàng dập vùi quá khứ đẻ tiến đén cái văn hóa thời thượng. Đất nước rồi đây giống như những căn nhà chung cư, được dọn dẹp tất cả cái cũ trong nhà bỏ đi hoặc đập đi vì nhà chật không có chỗ chứa. Bởi thế những căn hộ chung cư là những ngôi nhà không có lịch sử. Di sản văn hóa khác đồ vật, sao lại có thể đối xử với di sản như đồ dùng trong nhà, cũ bỏ thay cái mới?
Chuyện cũng đang xảy ra ở Hà Giang, đèo Mã Pì Lèng, danh thắng tự nhiên được xếp hạng quốc gia cũng đang bị xâm hại bằng những suy nghĩ hứng khởi nhất thời thiếu suy nghĩ của lãnh đạo tỉnh và không có sự tham gia của các chuyên gia. Họ cho xây luôn công trình nhà nghỉ và quán cà phê ở đoạn đèo đẹp nhất để kiếm lợi chốc nhát, phá luôn cảnh quan ngọan mục của con đèo. Lại còn san mặt bằng ở một đọan giữa đèo làm tượng đài nữa chứ.
Họ cố tình không hiểu hay giả vờ không hiểu rằng cả con đèo đó là một tượng đài thiên nhiên đặc sắc nhất, là tuyệt phẩm thiên nhiên không thể cho phép xâm hại. Ở đây chỉ có thể ở hai đầu đèo làm đài tưởng niệm ghi nhớ công lao người mở đường và giới thiệu lịch sử con đèo là đủ. Nhất là con đèo nằm trong quần thể di sản “ Công viên địa chất toàn cầu” cần được tôn trọng triệt để luật di sản. Hình như bây giờ Luật để đọc chơi, hoặc không cần biết đến luật đó. Các nhà quản lý đang chỉ thích làm theo ngẫu hứng và dùng những chuyên gia chỉ biết nghĩ cách ăn xổi, bóc lột di sản. Nếu không ai lên tiếng thì chẳng mấy mà con đèo đẹp nhất của miền núi Hà Giang nát bươm như miếng giẻ lau!
Có thể viện dẫn ra đây cơ man những giá trị văn hóa của đất nước đang bị hủy hoại, không vì du lịch thì là những việc khác mà từ phục dựng đó có thể giải ngân để kiếm chác. Đồng tiền thật khốc hại. Chúng ta hãy xem cáp treo Yên Tử phá vỡ cả khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng và quần thể chùa chiền trong vùng núi thiêng? Hãy xem Phan Xi Păng cũng cáp treo, rồi Bà Nà, rồi chùa Hương…Mới đây dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt cũng lên thớt , mặc kệ dư luận , nhà quản lý điếc toàn phần, không cần nghe ai! Cứ chỗ nào nghĩ cách kiếm ra tiền là đều dễ bị băm nát. Một báo động đã lâu của những nhà chuyên môn đã bị sự lạnh lùng thờ ơ của giới chức có trách nhiệm bỏ qua, cứ chỗ nào thấy xoay xở ra tiền ngay là người ta xô tới véo nắn nó, thực dụng đến kinh người!
Những chuyện này liên quan phần lớn đến trách nhiệm của Bộ Văn hóa. Bộ Văn hóa đã để cho sự sai phạm này kéo dài không chấn chỉnh từ nhiều nhiệm kì nay rồi. Phải chăng Bộ không còn những chuyên gia đầu ngành cho những việc này, hay những chuyên gia không được xử dụng.
Nếu khó quá, thì bây giờ mạng xã hội có thể tập trung nhanh nhất ý kiến của chuyên gia nếu được hỏi để lấy ý kiến. Rất nhiều chuyên gia vẫn đau đáu với hiện tình đất nước, họ sẽ lên tiếng! Có gì khó lắm đâu mà ngoảnh lưng lại với giới chuyên môn, để cho sự phá hoại vì tiền nó hoành hành mãi như thế.?
Chuyện bức tranh cụ Trí bị làm hỏng do bảo dưỡng chỉ là chuyện nhỏ, còn chuyện bảo vệ những di sản đất nước và thiên nhiên lớn hơn nhiều. Xin được giới chức có trách nhiệm hãy tỉnh táo lại đừng để cho di sản của ta vốn đã ít, bị phá hủy trong chiến tranh nhiều, lại tiếp tục bị xâm hại chỉ vì đồng tiền nhỏ nhoi, lợi ích trước mắt của một số người hoặc vì lợi ích nhóm đang dùng tiền thao túng phá hoại!
5/5/2019