Trung Quốc họ đểu từ việc nhỏ


Khu lò cao luyện quặng gang thép Thái Nguyên – kí họa của doduc- 1970
dongngan
Năm 1970 ra trường, về làm việc tại báo Việt Nam độc lập khu tự trị Việt Bắc. Lúc ấy còn 18 tháng thực tập, bác Thụ họa sĩ chính vẫn làm việc. Phó tổng biên tập Trần Anh Tuấn cho tôi xông xênh thời gian, đi thực tế vẽ, và để thử viết bài như một phóng viên.
(Ông ấy vẫn nhớ 4 năm trước từng lên nhà ở Đại Từ nói với bố mẹ tôi xin cho tôi về báo để đào tạo phóng viên. Nhưng việc không thành vì lý lịch. Bố bị khai trừ Đảng hồi cải cách, sau phát hiện oan sai, được trả lại Đảng tich nhưng ông không nhận lại nên bị Đảng thù, cho bố là phần tử bất mãn. Thế là báo không dám lấy về, con mất suất đi học)
Khu gang thép Thái Nguyên cách tòa soạn báo nơi tôi làm việc 4 kilomet do Trung Quốc giúp xây dựng từ những năm sáu mươi thế kỉ trước.
Đến khu lò cao luyện gang loanh quanh kí họa, thấy ngoài trời có ba hòm gỗ thông lớn vứt lổng chồng trên bãi cỏ, đai sắt hoen rỉ, có thùng vỏ gỗ mục vì mưa nắng lộ giấy dầu bọc linh kiện bên trong. Cỏ đã mọc xuyên qua những khe hở.
Tôi từ bé đã hay để ý đến thói xấu lãng phí, đồ dùng vứt vạ vật, bèn hỏi tổ trưởng sản xuất thì được biết đó là ba cánh quạt quạt gió vào lò luyện gang mua thay thế nhưng chưa dùng đến. Ông bảo để thế không sao vì các phụ kiện được gói giấy dầu rất kín , nước không vào được.
Thế sao dự phòng đến ba cái?
Thì ra lò luyện gang lâu nay cứ 6 tháng lại phải thay một cánh quạt thổi gió vào lò. Lương gió phải đủ 3met khối/ giây thì lò mới cháy đều. Cánh quạt nằm dưới máng quặng, nên khi băng tời liên tục đưa quặng vào lò, có những viên quặng nhỏ văng ra, bắn vào gây mẻ. Đến tháng thứ 6 thì quạt không còn đủ lượng gió ba mét khối/giây nữa thì phải tháo thay.
Vì thế nên định kì nhà máy luôn phải mua dự phòng cứ 6 tháng lại mua một cái. Cánh quạt có giá 6 ngàn tệ.
Nhà máy có một kĩ sư lò là Đàm Nhật Hẩn, người Tày Cao Bằng. Anh thấy 6 tháng lại mất một khoản tiền to do cánh quạt bị mẻ vì những mảnh quặng sắt văng vào thì xót ruột. Sau môt thời gian quan sát, anh tìm ra nguyên do. Khắc phục việc này không khó với một kĩ sư kiêm thợ cơ khí. Anh thết kế ngay một máng chặn chỗ cánh quạt. Thế là 18 tháng trôi qua, nhà máy mua ba cánh dự phòng xếp đống đấy không phải dỡ ra thay, vì cánh quạt vẫn bảo đảm lượng gió quạt vào lò khi nó không bị mẻ tí nào.
( Không biết cánh quạt ấy quạt thêm được bao lâu, vì sau đó tôi không trở lại lò luyện gang đó )
Với sáng kiến ấy , kĩ sư Đàm Nhật Hẩn được thưởng bốn trăm đồng!
(lương đại học lúc ấy là 64 đồng)
Tôi nghĩ anh phải được thưởng cả một cái cánh quạt mới đúng với giá trị.
Nhưng trở lại với câu chuyện cánh quạt bị mẻ do mảnh quặng bắn vào từ băng chuyền quặng đổ vào lò luyện. Thì ra bạn tốt thiết kế đã tạo ra cái phốt đó để bán cánh quạt! Đấy giữa thời bác Mao Bác Hồ thân thiện như tay với chân, Trung Quốc liền núi liền sông mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc ca ngợi tình anh em hữu nghị mà họ đã chơi xấu như thế!
Người Việt không ngu, nhưng thói dựa dẫm nô lệ với thằng láng giềng hẹp bụng xấu chơi như đã thành truyền thống của nhiều thế hệ lãnh đạo ta. Cùng ý thức hệ kèm tư tưởng dựa dẫm nên hệ lụy khôn lường. Hôm nay cáng ngày càng thấy rõ nó xỏ múi dắt ta như nghé từ sau hội nghị Thành Đô, và tiếp diễn đến bây giờ. Cú đểu mới nhất là đường sắt Cát Linh Hà Đông làm ta nổ đom đóm mắt, sổ bong bóng mũi chảy máu cam mà người ta vẫn mê muội với Trung Quốc như một kẻ nô tài không sức chống đỡ.
Câu chuyện nhỏ tôi nhớ lại cũng chỉ vì hôm nay Trung Quốc đối với ta càng ngày càng đểu giả và hèn hạ. Còn ta thì hình như sẵn sàng quy phục bọn nó vô điều kiện. Chỉ phản đối đôi câu lấy lệ lừa dân mà thôi.10/4/2018