Chuyển mùa…

doduc
1 – Mấy hôm nay mới đầu tháng Mười mà đã cơn gió mùa thứ hai tràn về. Trời không lạnh lắm nhưng nó nhắc cho biết lại sắp tới mùa hoa đào mới, một cái tết gần kề..
Rẻo cao bông lúa đã chuyển dần từ xanh sang màu vàng non. Những khoanh ruộng bậc thang chạy theo sóng núi đang mời gọi những tay máy nghiệp dư. Những nhiếp ảnh gia du lịch bị cuốn theo, lao lên núi chụp ảnh trong những chuyến đi ngắn, mang ảnh về nuôi Phây. Hà Nội có mấy tiệm buôn bán máy nhanh nhậy nắm bắt thị trường, qua phây liên kết với các bơ lôc gơ già có trẻ có, thành một nhóm liên kết lỏng lẻo, hướng dẫn kĩ thuật chụp. Những buổi học miễn phí, rồi tổ chức cho đi thực hành bằng một chuyến xe cũng miễn phí nốt, để bán máy. Thời buổi thông tin nối mạng toàn cầu cuộc sống trở nên sôi động và bận rộn, con người năng động hẳn lên.
Nơi phố phường cuộc sống từng náo nhiệt bây giờ càng náo nhiệt hơn. Mùa thu Hà Nội giờ không xanh và cao như mấy chục mùa thu trước trong mắt những người hoài cổ. Còn lớp trẻ chỉ cảm mùa thu trong sắc nắng dịu đi và ở Hà Nội thì mùa thu tha thẩn quanh hồ Gươm mỗi buổi sớm mai với cái se lạnh đủ để gây cảm giác dịu ngọt trên da mặt . Chục năm nay, mùa thu hay cái tết gần kề không còn quan trọng nơi phố phường nữa. Người Hà Nội dửng dưng với tết, không quan tâm đến tết như vài chục năm trước đây, vì cuộc sống vật chất ngày nào cũng như tết rồi..
2 – Tôi là con của núi. Với tôi , núi vẫn là nơi gửi gắm tình cảm yêu thương và gần gũi. Từ lúc mở cửa bang giao kinh tế thì rẻo cao cũng thay đổi dần. Sự thay đổi đó hay hay chưa hay thì còn cần thời gian kiểm nghiệm. Nhưng thực tế là đã có đổi thay.
Những năm 70 thế kỉ trước, miền núi xanh xao trong sắc lá và nghèo đói sấn đến tận chân giường mỗi nhà. Cái rét Nàng Bân là nỗi sợ cuối mỗi mùa đông giá chứ không sụt sùi tình cảm như người dưới xuôi. Bây giờ đỡ hơn nhiều rồi. Đổi mới, phố phường được trăm thì miền núi cũng được năm bảy phần, đó là xi măng sắt thép leo ngược lên núi và thị trấn thị tứ cũng hình thành theo thời. Mèo Vạc Đồng Văn có những khách sạn cỡ bốn năm sao cho du khách. Nhưng dân bản địa thì chẳng khá khẩm hơn là bao, nhà trên núi thêm cái mái tôn, chái nhà thêm cái chảo thu sóng ti vi ở những chỗ kéo được điện, còn đời sống thì vẫn đạm bạc mèn mén, canh cải, đậu đỏ bung muối kèm theo muối I-ốt trộn ớt theo năm tháng. Rác du lịch đã bắt đầu làm ố bẩn không gian vốn tinh khiết của miền rừng. Đây đó những tường xếp đá đẹp như nghệ thuật sắp đặt được thay bằng tường xây xi măng , gạch ba banh đá nghiền, làm cho bản thuần Mông Phó Cáo gần giống với cái áo mộc đôi chỗ vá lên miếng vải hoa, đã có xô lệch về văn hóa sống.
Cách đây 8 năm tôi dự cái tết Mèo ở Trạm Tấu Yên Bái, vẫn là cái tết tự nghìn xưa. Người Mông giã bánh dày cúng tổ tiên. Ba ngày tết vẫn kiêng quét nhà và chỉ ăn thịt để sau tết lại ăn rau nhiều hơn. Hỏi thì được biết ăn thế để ước vọng cả năm được no! Qủa tình cái đói vẫn là nỗi ám ảnh rẻo cao. Bây giờ người rẻo cao vẫn mong cái tết cổ truyền để được đạp núi hội Sài Sán tìm bạn, trẻ em có bộ váy áo mới xúng xính ra bãi chơi, có đủ miếng thịt trong bữa. Khác với miền xuôi là dân núi vẫn sống chậm.
3 – Núi đẹp không? Đẹp lắm chứ, nhưng nói như một giáo sư nghệ thuật học người Đức, bạn của nhà giáo họa sĩ Lê Huy Văn: đó là cái đẹp của sự nhọc nhằn! Nếu như người thủ đô ngóng chờ ngày tuyết rơi , hăm hở lên Mẫu Sơn, Sa Pa hay Đồng văn để chớp ảnh quay video vui thú với vẻ đẹp hiếm hoi của thiên nhiên thì lại là nỗi lo ám ảnh người rẻo cao. Có mùa băng giá, miền núi sa pa, Đồng Văn, ngã cả nghìn trâu bò trong giá rét. Nhiều nhà trắng tay hết vốn lại xoay xở với cái nghèo sắp dựng lại cuộc sống. Chúng ta nghèo, nhưng một phần do quản lý kém nên nó gậm nhấm vào người bạn thiên nhiên hàng ngày như mối mọt phá đồ gỗ. Rừng mất, suối cạn, mùa mưa thì lũ ống có khi cuốn trôi cả một bản vài chục nóc nhà. Có người bản địa nào xây khách sạn, mở nhà hàng lớn trên cao nguyên đâu, mà là toàn người xứ khác đến mở mang khai thác. Cũng không thể khác được khi kiến thức khoa học, tri thức xã hội và đồng tiền vốn chưa thực sự đến được rẻo cao. Sự phát triển nhanh của kinh tế thị trường không chỉ mang lợi mà còn theo khá nhiều cái bất lợi cho xã hội rừng, từ thiên nhiên bị xâm hại đến văn hóa bị bào mòn…
Thiên nhiên đang chuyển mùa theo quy luật từ thu vắt sang Đông nhanh như một bước chân. Tôi là người quen xê dịch hết núi lại đồng bằng nhưng ngoái nhìn tôi vẫn thấy thương nhớ người trên núi. Núi thì cao nhưng đời sống vật chất thì thấp và giờ vẫn thấp. Một tháng ăn của một người không bằng một bữa cơm tiệm của người giàu, thật sự là cái nghĩ ngợi. Dù đó là trách nhiệm của những nhà quản lý xã hội, nhưng nhìn vào không thể không chia sẻ.
Một ánh mắt vui, một tiếng thở dài chia sẻ cùng cuộc sống, nó cũng gập ghềnh như tiếng khèn Mông vi vút trên con đường mòn ken theo vách núi…
11/11/2018