Tương cà gia bản

Mấy hôm vừa rồi Hà Nội nóng như thiêu, người khỏe mạnh còn đau ê ẩm khắp người, huống hồ già cả bệnh tật.

Ở Bệnh viện Hữu Nghị, người đông như kiến, những con kiến bạc đầu đi lại chậm chạp, tai lãng đãng, có lúc cũng chen lấn như trẻ thơ, khiến cô cấp sổ khám bệnh rát cổ bỏng họng gọi số xếp hàng. Tôi trong đàn kiến đó.

Dù đều là kiến bạc đầu, phần đông rụt rè từ tốn, nhưng vẫn có ông tỏ ra oai vệ. Có người cư xử đàng hoàng, nhưng cũng có kẻ tỏ ra láu cá. Đời thật muôn hình vạn trạng. Con người khi mạnh mẽ thì không sao, mắt luôn nhìn phía trước.

Chỉ khi già yếu bệnh tật, hết chức quyền mới dễ thành ra yếm thế. Lúc này lại hay hồi cố, sống với quá khứ có khi cũng chẳng tốt đẹp gì, nhưng là thời khỏe mạnh dù sao cũng hơn lúc già yếu dần trở nên vô dụng.

Ở đời, chức và tước là những thứ gậy, nghề cũng là gậy.

Gậy chức tước gắn vào một người giúp bản mệnh họ trở nên phi thường, bởi chức trao cho người ta quyền lực. Nhất là khi chức tước ở vị trí cao nhất như vua. Lúc ấy cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết. Nhưng khi mất chức lại có người thành ra yếu nhũn, khí phách có khi không bằng kẻ thường dân.

Hãy xem con người quyền lực, “vua của các vị vua” khi thất thế, Saddam Hussein khi bị truy lùng, rồi được moi ra từ khúc cống ẩn nấp. Khi uy lực không còn thì con người thực trở nên thảm hại thế nào.

Thời đại nào cũng vậy, nhiều người coi việc có tí chức tước dù nhỏ cũng còn hơn khi chẳng có tí gì trong tay. Với kẻ yếm thế thì tí chức quyền coi như có cây gậy chống, đi đường cho yên tâm.

Thời nay lại càng cần cái gậy, không đánh được ai thì cũng đủ dọa chó đuổi mèo, xua mấy con ruồi vo ve. Anh chàng AQ của Lỗ Tấn là người mơ về cây gậy.

Và có lẽ trong mỗi con người đều có một thằng AQ. Có thằng AQ to, có thằng AQ bé tí hin, nhưng vẫn là AQ, không nguôi về giấc mơ quyền lực. AQ hồi cố cả một quá khứ, lần tìm lại từng đoạn sử cha ông để chứng minh rằng mình là con nhà gia thế, có nguồn từ kẻ ăn trên ngồi trốc chứ đâu phải thứ lao động tầm thường.

Nhưng nghề thì khác. Nghề cũng là thứ quyền lực, nghề tự thân nó cũng là cái gậy cho chính con người đó. Quyền lực của nghề là trí tuệ và bàn tay khéo léo. Là cái gậy tự thân chẳng ai ban phát, không phải của ăn cướp được, nên nghề là cây gậy tương đối bền vững.

Tôi đã gặp một người không có tí AQ nào trong mình. Một lần ở quê, tôi hỏi một bác người làng về gia thế. Bác bảo làng mình làng cổ, chú cứ vào nhà nào có bức hoành to, đôi câu đối gác hai bên như tướng văn tướng võ đang canh giữ ấy là nhà gia thế.

Nếu chú có chữ nho, đọc được bức hoành phi và đôi câu đối là luận ra ngay. Còn tôi, chú nhìn xem, nhà có gì không? Đúng nhà bác chẳng có gì ngoài án thờ bày giữa nhà với ba bát hương.

Ông cười, thế là rõ nhá. Truyền đời nhà tôi là dân cày ruộng. Người có gia thế, ít nhiều đều ăn lộc nước, tức là bổng lộc vua ban chúa tặng.

Còn tôi, ráo mồ hôi là hết lộc. Ông lại thủ thỉ thù thì tâm sự: Ngẫm cho cùng, vua sinh ra cũng như cái thằng tôi, trần trụi cái thân người, chẳng qua cầm quyền, tiền nong thu gom từ dân rồi chia bớt cho hầu cận để mua lấy sự bảo vệ.

Thế là được chúng tung hô, cơm vua lộc nước. Lộc là lấy từ những hạng thợ cày như tôi chứ vua lấy đâu ra. Cứ hết lộc thì tung tóe cả, vua tôi lúc thất thế cũng là thằng như tôi, như chú, như mọi người. Thậm chí còn không bằng. Đời còn đấy, chú cứ sống cứ nghĩ mà xem…

Cho nên chú ạ – ông đúc kết – ở đời hơn nhau ở cái đầu hiểu biết, kẻo mình làm cho họ ăn mà lại phải lo biết ơn họ, tay mình làm ra nhưng họ ban cho mới được dùng. Biết để sống cho nên người, sống cho đàng hoàng.

Những người tự ép mình xuống như thế đôi khi cũng tự biết đấy, nhưng cuộc sống như bị bóng đè, không làm gì được, chỉ ú ớ kêu không thành lời. Rồi để tìm lấy cái chống lưng cho đỡ tủi thì chỉ còn cách ngoái lại quá khứ, tìm lấy chút gia thế, thứ vinh quang tù mù của dòng họ…

Đó là sự đau khổ triền miên của loài người. Nên thấy có ông đánh cá hay người làm thuê kể về gia thế mười đời trước đây lẫy lừng cũng đừng nên lấy làm lạ!

Đó là một người dân cày thôn quê mà vốn hiểu biết trong ông giống như nồi cơm Thạch Sanh, xới mãi không hết. Nồi đó vẫn đầy đến lúc tôi rời khỏi nhà ông.

Rời làng, tôi nhớ mãi nụ cười của bác ấy. Nụ cười chỉ vừa đủ để trao cái tình quý mến cho người nghe chuyện. Nhớ câu ông nói: gia thế cái gì, người ta cứ hay khoe, nhưng nhớ câu “tương cà gia bản” trong dân gian là biết ngay nguồn của họ. Tôi cũng thế thôi.

Dân nước mình thế cả, đều có cái gốc thôn quê, khá lên một tí mới có chuyện thích tô thích vẽ. Cái bệnh thích hình thức ngày nay là thế. Cố tìm cách trốn chạy cái quá khứ, trang điểm cho xuất xứ của mình cũng là cái tội từ đấy. Người ra phố là dìm dập cái gốc gác mình, dễ dàng mắng kẻ khác là “đồ nhà quê”, chú thấy chán chưa?

6/2016