Nghĩ về tượng đài, đài tưởng niệm

Tượng Nhà văn Xecvantet được dựng ngay trong góc phố quê hương ông ở Toledo (tây ban nha) – ảnh doduc

Doduc

Tôi nghĩ dựng tượng đài, đài kỉ niệm là để ghi nhớ lịch sử, vinh danh và tưởng niệm lịch sử. Tượng đài, đài kỉ niệm chứa đựng tư tưởng triết học hơn là gánh vác vai trò chính trị. Nếu chỉ gánh vác vai trò chính trị thì tuổi thọ của tượng đài, đài kỉ niệm sẽ rất ngắn. Chỉ những người thiển cận thì mới cho đó là phương tiện khiêu khích đối phương hay hạ nhục đối thủ nào. Cho nên không có chuyện nhậy cảm mà các nhà chính trị ở ta quá lo xa. Để đến nỗi có nhiều nơi cần những đài kỉ niệm hoặc tượng đài mà phải lờ đi không dám làm. Lịch sử là lịch sử, không nhắc lại thì nó vẫn tồn tại đó, không bao giờ và không ai có thể xóa được .
Bên dòng sông Ga- rôn ở Bordeaux, nước Pháp có một tượng thép Davit cao mười hai mét, gá vào tường một công xưởng. Dưới chân tượng có một phiến đá ghi tên 14 người trong đó 2 trẻ em, hai người thợ và 9 dân thường bị phát xít Đức giết hại trong thế chiến 2. Người Đức sang Bordeaux bây giờ đến đó cũng cúi đầu ngả mũ tưởng niệm. những con người ấy. Khi về Đức chắc họ không thể tuyên truyền cho chiến tranh và hận thù. Bên bờ dòng sông đó còn có đến mười mấy cái tượng thép hàn làm theo lối hiện đại. Tượng không có bệ, như chui ra từ cỏ dại, hỏi mới biết mỗi bức tượng là một huyền tích dòng sông. Ngày 12.6 hàng năm có lễ hội cho dòng sông bắn pháo hoa và mọi người ùa ra tụ hội bên sông. Người ta tự hào với dòng sông bồi đắp phù sa cho họ mảnh đất hôm nay như vậy đó. Càng Nghĩ càng buồn cho Hồng Hà mà cha ông mình vẫn gọi là sông Cái – Sông Mẹ hỏi có cái tượng nào vinh danh dóng sông tạo nên châu thổ Bắc Bộ không? Có một ngày lễ cho dòng sông Mẹ không? Không có. Trong khi đó lại có thể hăm hở ngồi bàn về cây cầu do người Pháp xây vắt qua sông cách dây trăm năm như một báu vật để tự hào! Như vậy có khác nào mồ cha không khóc lại đi khóc đống mối!


Vùng ven Bordeaux có một đài tưởng niệm khiêm nhường cao trên mét, mô tả những cánh tay như mọc lên từ đất, bê đỡ một tảng đá trên đó gắn tên trên ba chục người dân vùng đó trong thế chiến 2 bị lính Đức bắt và chết trong trại tù phát xít. Vâng, đó chỉ là những dân thường. Ngày nào cũng có những vòng hoa đặt dưới chân đài kỉ niệm để. Một cuốn sử nhỏ về nhưng người con của vùng đất thể hiện bằng đài kỉ niệm giữa một ngã ba đường vô cùng ý nghĩa.
Nói về nước Pháp thì đài kỉ niệm thời hiện đại, tượng đài nhiều hơn ta vạn lần nhưng nó gắn với đòi sống nhân quần, mà không như ta chỉ tập trung ca ngợi lãnh tụ hoặc những tượng đài chiến thắng chung chung làm rất to, tốn rất nhiều tiền mà vẫn đẻ lại cảm giác chung chung, không thiết thực.
Về tượng đài hoặc đài kỉ niệm chúng ta nên có sự nhìn nhận lại và đánh giá lại quan niệm và cách nhìn lịch sử để cho những công trình văn hóa ấy gắn bó với tình cảm người dân. Bây giờ tượng đài, đài kỉ niệm ở ta vẫn là thể hiện ý chí của lãnh đạo hơn là công trình văn hóa cho dân tộc. Mà mỗi thế hệ lãnh đạo lại muốn thể hiện ý chí của mình để tạo dấu ấn thì không biết tượng đài, đài kỉ niệm sẽ còn tiếp tục trôi nổi về đâu.
25/9/2011