Nhân gian có câu “đi hỏi già/ về nhà hỏi trẻ” là có ý rằng ra đường có việc gì thì hỏi người già, đó là lớp người sống nhiều, biết nhiều và có kinh nghiệm. Còn về nhà hỏi trẻ vì chúng thật thà, biết gì thấy gì nói nấy.
Thuở nhỏ chắc chắn đứa trẻ nào cũng được dạy về tính thật thà. Bởi lúc ấy cha mẹ chúng trẻ trung, cuộc sống rộng mở, chưa bị va chạm nên đức tính thật thà ban đầu vẫn luôn là cái vốn đạo đức cần có cho mỗi cuộc đời. Tôi đoan chắc cả kẻ buôn lậu, giết người, lũ tham nhũng cũng đều dạy con cái thật thà, chí ít là lúc còn đang tuổi trẻ, chưa bị quyền lực, lợi lộc làm bẩn tâm hồn.
Tôi có anh bạn là người thật thà. Anh luôn nói thật, chính kiến luôn rõ ràng. Nhưng “thật thà” hình như chỉ là thứ của cần cất giữ trong nhà cho trẻ nhỏ, còn ra đường có khi lại là bất cập. Anh cứ luôn bị vấp vì cái tính thật thà ấy nên khi đã lớn lên rồi, đi làm rồi mà cứ lận đận trong cuộc đời mãi mặc dù xung quanh người ta luôn bảo anh là người tốt, người thật thà cương trực. Vậy nên đôi khi cái thật thà cương trực của anh chỉ trở thành như thứ đồ chơi chẳng được việc mà lại hại cho chính anh vì nó góp phần làm vướng bước chân của người khác dù không cố ý.
Có người bảo anh rơi vào hoàn cảnh “có lòng thành thật mà không biết tùy thời cũng là một cách hại thân”. Bởi từ lâu, triết gia Trung Hoa Điền Thiết Luận đã từng nhắc người đời như thế. Nhưng tôi lại nghĩ đó là điều đáng quí ở anh. Có phải ở đời ai cũng giữ cho mình được nguyên vẹn lòng chân thật ấy đâu.
17-09-2004