lời nói đầu: Hôm qua ngồi nhà bỗng nhận được cú điện thoại của Nguyễn Niên, mãi mới nhận ra ông bạn đồng liêu ở tờ báo cũ, nơi bắt đầu tôi nhận công tác sau khi tốt nghiệp. Câu ấy bảo ông Trần Anh Tuấn, tổng biên tập báo ngồi đây, đang có ý tập hợp lại anh em cũ làm một cái kỉ yếu về tờ báo, mời mình cung cấp ít tư liệu, viết một vài kỉ niệm. Thấy cũng hay, Thế là ngồi nhớ lại. Sẽ rông dài vài trang blog làm tốn thì giờ của bạn bè. Nhưng các bạn cũng chẳng cần đọc lắm những câu chuyện cũ rích này làm gì cho mất thì giờ, thật đáy. Còn thich post lên là việc của mình thôi, câu chuyện cách đây đã 33 năm, từ ngày tờ báo giải thể khi đất nước thống nhất, không cần đến khu tự trị nữa
Tốt nghiệp trung cấp mĩ thuật trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, tháng 7 năm 1970 tôi ngoắc ba lô về báo Việt nam độc lập, cái cơ quan mà lẽ ra tôi đã được tuyển về từ năm 1966, lúc đang là một nông dân ở xã Bản ngoại.
Tiếp tôi là ông Chiêu, trưởng phòng hành chính. Trên đầu vắt thờ ơ chiếc mũ catket cũ cáu bẩn che bớt cái đầu hói sớm, ông ghếch mặt, hấp háy sau cặp kính lão nhìn qua tôi như người quen đã lâu, đầu gật gật rồi cầm tập hồ sơ, tôi dưa, chẳng nói chẳng rằng nhét vào ngăn bàn, rồi quay ngay lại chiếu tổ tôm không cần nghe tôi giới thiệu, coi như không có chuyện gì xảy ra. Chiếu tổ tôm hôm ấy, người tôi còn nhớ có ông Trọng cởi trần, béo tròn trắng nhậy. Ông cũng lịc lãm ngoái lại buông câu “thằng Đức đấy à”, chẳng ra chào cũng chẳng ra trò chuyện. Rồi cũng quên ngay tôi để cắm cúi săn sóc vào cỗ bài tổ tôm!
Người gần với tôi đầu tiên phải kể là bác Huy Hùng, người Tày Bắc Cạn, ít nói, nhưng có nói thì lại hay nói gàn. Huy Hùng là phóng viên có đi học lớp bồi dưỡng viết văn ở Hà Nội chắc là của hội nhà văn, viết được cái bút kí “ con chim họa mi và người vợ trẻ” , rồi sau đó thêm bài “ Đường qua mùa hoa đào”. Biết thế tôi nể lắm. Biết viết văn là sang trọng rồi. Bây giờ tôi cũng không nhớ nội dung của hai bút kí ấy, nhưng chắc cũng làng nhàng thôi.
Ông Chiêu làm hành chính, nên có mặt ở cơ quan nhiều nhất. Chủ nhật ông về quê Phú Bình trên chiếc xe đạp cà tèng. Đi về như con thoi. Những năm sau này ngớt bom đạn, cơ quan về thị xã Thái Nguyên đóng ở đồi Kép le ông đi về tợn hơn. Ông bảo về vì nhớ cháu, nó thấy ông cứ bám riết. Tôi hỏi thế bác còn máu mê với bac gái thì làm thế nào. Ông ấy cười hở cả hai hàm răng thưa hơi vẩu, bảo “Tối ông ngủ võng, không bế chúng mày được” thế nó mới chịu lui để mình còn tí táy chứ. Phải sáng kiến đấy cậu ạ.
Lúc này tòa soạn sơ tán ở Vân Hữu, có mấy nếp nhà trát vách lợp gồi, vẹo vọ núp sau mấy đồi sim mua. Ông Chiêu nuôi mấy con gà thả đồi. Lúc ấy gạo 13 cân rưỡi, thúc ăn toàn rau dưa, lấy gì chăn gà. Huy Hùng bảo tôi “ gà ông Chiêu tự cấp tự túc, ăn quả mua chín, ỉa cứt tím ngắt”. Tôi tưởng đùa, nhưng rồi nhìn kĩ hóa ra đúng thế thật, đúng là phân gà màu tím hoa mua!
Họa sĩ Thanh Thụ người Huế, ít nói đến khủng khiếp. Buổi làm việc đầu tiên của tôi, ông ném cho một xấp bản thảo và cộc lốc hai từ “ đếm đi” rồi lại quay vạch vạch kẻ kẻ thiết kế trang báo. Không thấy ông nói dài bao giờ, cứ cộc lốc suốt đời như thế. Cũng may chị Lụa, vợ anh lại điếc tổng nhĩ. Chị chỉ nhìn mồm đoán ý người hỏi chuyện nhưng chẳng mấy khi trúng. Tôi còn nhớ có lần đến nhà tìm anh Thụ, thấy chị ôm rổ tã lót xuống hồ, tôi hỏi anh Thụ đâu thì chị lại cười thẹn” cháu nó đái khai quá, nhưng chị giặt phơi khô là lại thơm tho ngay!”Thật phát sốt!
Chuyện anh chị lấy nhau cũng vui. Là công đoàn sắp xếp cho cả. Số là chị có một đời chồng ở quê nhưng vẫn trinh nguyên, chả là vớ vào anh chồng súng ống tồi, do chị gái, là vợ cả của ông ta dắt díu em vào!
Không biết sau đó ai trong gia đình đánh tháo cho chị lên Thái vào làm công nhân nhà in, ở tổ làm sách. Anh Thụ lúc ấy tuổi hơi cao chưa vợ, công đoàn đang lo lắng hộ thì vớ ngay được chị Lụa là đối tác tốt quá. Bố trí cho hai bên gặp nhau mà phải họp BCH công đoàn ra nghị quyết cẩn thận. Chỉ sau vài lần gặp thế là xong. Sau này chị ấy bảo: Lúc đầu cũng ngại, thấy anh ấy ngồi chốc đã đi đái, chắc lại súng ống không ra gì. Nhưng chị biết đâu anh ấy uống chè thường xuyên, tu như suối. Còn anh, có lần tôi tò mò hỏi, thì anh nhếch mép cười bảo “ có gì đâu, cứ rờ cái là xong ngay! Hóa ra chị cũng cho anh xả đạn trước. Anh biết có mỗi hai câu thơ trong đời, đôi lúc lai ư ử đọc “ Đêm ba mươi tết, tết ba mươi/ chồng rờ vú vợ, vợ cười tươi…” Hỏi hai câu tiếp thế nào anh lắc đầu không biết. Anh bảo thơ chỉ cần hai câu đủ ý thế là được rồi. Sau này mới biết ở Nhật có thơ Haicu, chỉ hai câu. Nhưng chắc chắn thơ của anh Thụ đọc không phải thơ Hai cu! 21/7/2009 ( còn nữa)
* * *
Trước lúc tôi về lái xe cơ quan là ai tôi không biết. Còn khi tôi về thì là anh Lựu, tính mắm tôm, cằn lẹm. Anh ấy hút thuốc lá xả khói như ống khói nhà máy điện Cao Ngạn. Ai lại đi ngủ chui trong màn vẫn phập phè, sớm chưa bảnh mắt ra đã vài ba điếu, mà toàn là thuốc cuốn tay đầy nhựa nicotin, ngón tay tứ thời cứ vàng như nghệ. Hồi ấy. chăm sóc cái xe khổ nhất là cái da bơm. Đã hiếm hoi thì da bơm lại mau hỏng vì xe quá cũ, lúc nào máy cũng hầm hập như đứa trẻ sốt cao. Lúc nào cũng lo lắng cái da bơm. Vớ vẩn nó cho nằm đường dễ như bỡn! Bởi thế, cái hỏng vứt đi anh ấy vẫn giữ để phòng khi. Đi công tác, tối tìm chỗ đỗ xe phải chọn chỗ cao, để sớm hôm sau gài số thả trôi cho máy nổ. Nếu không quay maniven bại cả sườn chưa chắc đã xong. Chiếc xe thổ tả ấy mà anh chăm sóc để lúc nào cũng sẵng sàng lên đường được quả là tay sốp phơ cừ thật sự.Chưa thấy bao giờ thấy xe giở quẻ để lỡ chuyến công tác của cơ quan. Thế mới tài!
Công việc của tôi ở báo là làm trình bày. Việc ấy chỉ dính với Tổng biên tập,ông Trần Anh Tuấn và công việc thì chỉ loanh quanh ở tòa soạn với nhà in. Tôi được nhận về báo là đào tạo để làm dự phòng khi bác Thụ nghỉ hưu. Bé tuổi nhất cơ quan nhưng chỉ làm việc dưới sự chỉ đạo của tổng biên tập. Oách ra phết.
Nhưng rồi cũng nhiều lần được theo các phóng viên hoặc theo thủ trưởng trong các chuyến xuống địa phương. Phương châm lúc ấy là giỏi một nghề, biết nhiều nghề. Tuy vậy cũng chả ai ỏ ê xem tôi viết được hay không trong mỗi chuyến đi. Còn tôi, cứ mỗi lần đi là mang theo đồ nghề vẽ kí họa, những việc cảm thấy chẳng dính gì tới tờ báo cả.
Và rồi , tôi thỉnh thoảng lại vẽ theo truyện thơ của anh Huy Hùng. Cũng là lục bát củ cải thôi chứ chẳng nghệ thuật thiếc gì đâu. Nhưng có vẽ có thơ cũng sáng mặt tờ báo chính trị, lúc nào cũng sản xuất chiến đấu.
Trong tòa soạn có ba vị thay phiên nhau viết xã luận là ông Trần Anh Tuấn, tổng biên tập và hai ủy viên Vũ Đức Thuận, Nguyễn Trọng. Xã luận là bài viết bàn về các vấn đề chính trị xã hội khét lẹt. Loại bài này có vẻ ít người đọc, trừ mấy ông lãnh đạo nhưng vẫn phải viết vì đã được mặc định trên trang báo. Có lần thấy ông Trọng vừa viết vừa cau có, như buộc phải ăn xà phòng. Số nào cũng phải có xã luận in chữ nghiêng sang trọng ngay dưới măngset báo.
Ông Thuân da đen nâu, ít nói như nhân vật Píp ngậm miệng trong vở kịch Hòn đảo thần vệ nữ. Tôi còn nhớ in hình ản ông nhiều lần ngồi lặng thóc với cút rượu bên rổ húng dũi chấm nước mắm. Uống suốt buổi mà mặt không chuyển sắc. Vợ ông cũng đen nhẻm, suốt ngày phơi mặt nắng gió buôn rau dưa ngoài chợ nuôi cả đàn bốn năm đứa con, vất vả kinh khủng khiến người ta nhớ đến hình ảnh vua Vũ đi cày, vậy mà ông vẫn bị Chi bộ cho lên bờ xuống ruộng vì chị là vợ cấp ủy mà lại đi buôn bán! Cực chẳng đã, ông thu xếp cho chị làm cấp dưỡng ở Đài phát thanh Việt Bắc được mấy năm. Lương cấp dưỡng được bao nhiêu. Làm sao nuôi nổi lũ con đang tuổi ăn tuổi lớn. Thế là chị bung ra:” bỏ nhau cũng được để ông về với cái Chi bộ nhà ông”. Nói thế thôi, chị bung ra nhưng vợ chồng ông không bỏ nhau. Chỉ cảm thấy sau chuyện đó ông sống lặng lẽ hơn, như người mắc quai Hình như vì chuyện ấy mà đường công danh của ông cũng bị chững lại. Thực tình tôi ngấm ngầm thương ông.
Nhớ đến ông lại nhớ đến khuôn mặt lặng lẽ mắt luôn nhìn xa xăm, buồn dài theo năm tháng.
Ông Trọng thì nghễnh ngãng, lúc điếc lúc không chẳng biết thế nào, nhưng ngược với ông Thuận, ông hay nói và cũng hay nói toẹt, lại cũng hay hí hởn cười nữa chứ. Nhưng ông cũng có vẻ là người xông xáo nhất hội lãnh đạo lúc ấy.
Từ lúc còn là học trò trên ghế trường phổ thông, tôi đã hí hoáy vẽ tranh vui, tranh biếm họa gửi tứ tung ngũ hành cho các báo. Nhưng vẽ cho tờ Việt Nam độc lập này nhiều nhất, như là đệ tử số một của Nguyễn Ái Quốc vậy. Về báo rồi, khi làm trình bày tôi vẫn vẽ. Tranh vẽ nhiều lần được Sếp khen là dí dủm là sâu sắc, vậy mà lúc làm nhuận bút thì ông Trọng xổ toẹt. Tôi dụt dè hỏi thì ông bảo ăn lương cơ quan, vẽ cho báo là công việc, không có nhuận bút nhuận biếc gì hết. Làm đi! Thế là nhiệt tình bị pha loãng dần, được một thời gian rồi cũng bỏ không vẽ.Tự ái vì cảm thấy mình không được tôn trọng chứ cũng chưa hẳn vì tiền. Cảm thấy lãnh đạo hơi ki bo, nghĩ được bức tranh biếm đâu có dễ như ông ấy tưởng. Nhưng cũng không biết giải thích thế nào cho cấp trên. Lúc ấy nhuận bút tranh biếm cũng rẻ, báo chỉ trả một đồng rưỡi, được ba bát phở có thịt. Khổ, ông ấy hiểu vẽ biếm họa giống như làm minh họa, có gì tư duy sáng tạo mà phải trả nhuận bút! 21/7/2009 (còn nữa)
* * *
Trong cánh phóng viên, tôi còn nhớ ông Thái Dương người Nghệ. Còn trẻ nhưng đã hói khốn hói khổ. Buổi sáng rửa mặt xong lại luôn cố vớt mấy sợi lơ thơ vắt ngang chỗ hói như mấy vạch bút chì vẽ vụng, trông hài hước nhưng ông ấy lại cứ luôn làm thế. Dáng người ông to, đi lại mạnh mẽ nhưng mê tín thấy cụ! Có lần sáng sớm xốc ba lô đi công tác Tuyên Quang, gặp luôn chị Đàm cấp dưỡng cơ quan đi chợ sớm về, liền quay ngay lại, ra bến xe trả vé đi ngày hôm sau. Ra cổng gặp gái ông sợ xúi quẩy. Bà Đàm sau đó biết chuyện liền mát mẻ: “Bảo chú Thái Dương lấy đất sét nặn thằng hình nhân chêm cái cu thật to chĩa trước cổng để nó đón, đi công tác cho an toàn! Gớm, người đâu mà mê muội”. Thái Dương nghe tức ói máu nhưng nín lặng, vì đụng vào chị Đàm thì chỉ có thiệt. Miệng chị sắc như dao thái gém, khi nói lại hay ví ví von von, nói câu nào người ta nhớ câu ấy, nên ai cũng phải kiềng. Chị Đàm cũng là người đặc biệt, da bánh mật, dáng son, đúng tướng “khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua”, đi đâu cũng nhanh, làm gì cũng gọn. Đã thế mắt lại sắc dao cau, đuôi mắt chẻ chân chim xòe nan quạt, răng thì nhuộm đen nhức, cười với cả bốn mùa chứ chẳng riêng gì mùa Thu như trong thơ Hoàng Cầm. Chị lúc nào cũng tươi tắn nói cười, nhưng sẵn sàng chao chát khi có sự đụng độ, cả thủ trưởng cũng không chừa. Nhớ ngày giải thể tòa báo, các cán bộ nhao nhác tìm nơi ở mới thì chị lại ra vào tủm tỉm: ”Chỉ khi nào không còn người biết ăn cơm chị mới lo thất nghiệp nhá”! Rồi chị tiếp tục tỉa tót: “Gớm, thấy chưa, Như kiến trên chảo gang cả nút”. Đúng thế thật, giải thể, hai chữ đơn giản nhưng lúc nào hai từ ấy cũng là chuyện đất lún trời sụp, khác gì động đất cấp tám với mọi người đâu. Lúc ấy ai cũng lo phận mình chẳng biết tương lai ra sao. Tôi nhớ giáp ngày rã đám, ông Thái Dương lên gặp ông Tuấn xin ghi vào sổ lương tăng cho một hai bậc gì đấy. Về Nghệ An ai biết là đâu. Ông vừa nói vừa lúng túng cầm tờ báo, lẩy phẩy che cái miệng hơi vẩu có đôi răng cửa sứt một tí, vẻ ngượng. Nhưng ông Tuấn không chịu, bảo sổ lương trong hồ sơ có lưu các diễn biến hằng năm không làm thế được. Về nơi mới , họ phát hiện ra thì ăn nói thế nào. Mãi rồi ông cũng phải lui. Huy Hùng cấp ủy thì lững thững xoa cái cằm đã vặt sạch râu, thủng thẳng “ Tớ đi đâu cũng được”. Rồi cái đầu húi cua chớm bạc lắc lắc, đọc câu ca dao tự chế :”Đi đâu cũng nước non nhà/ Bát cơm với một miếng cà cũng xong, lo quái gì” Mới đó mà chỉ sau quyết định giải thể ông đã thành cựu cấp ủy. Nghĩ cho cùng, khi bàn cờ bị xóa thì quân tướng đều bị lùa thành một đống, chỉ khi bày lại mới lại rõ tướng rõ quân!
Vào những ngày cơ quan đang vượng, công việc yên ổn, Huy Hùng cũng vẫn giữ nguyên thói quen kiệm lời và đôi lúc lại hài hước. Ông hay lẩm nhẩm lại câu vè lục bát ai đó làm từ hồi cơ quan sơ tán tận Cúc Đường Võ Nhai, giễu thủ trưởng Tuấn: “ Tên tôi là nguyễn văn vâu/ lái xe độc lập đi đâu bây giờ/ ngoài kia ông Tuấn đang chờ…” rồi…”Mỗi lần đi lại bỏ bà thằng Tê/ Huy Hùng mỗi buổi đi về/ gò lưng mà đạp đau ê cả người…” Thằng Tê ở đây là người lo chạy vặt cho phòng hành chính. Bài thơ dài và thấy hay lắm mà không nhớ hết. Nhưng cũng chỉ là đùa vui xả láng chứ không có ác ý gì nên thỉnh thoảng nó lại được mấy ông tái bản bằng miệng giữa chốn đông người rồi sằng sặc cười với nhau. Người hiền nhất hội có lẽ là Nguyễn Hữu Thuần, chân đi lệt bệt như chú ngan già, làm gì cũng chậm, nói năng lúc nào cũng khề khà nhưng viết lách thì chắc tay nên được tin cẩn trong những việc khó. Anh ấy sau này bị chết do bị mèo dại cắn. Còn Huy Hùng sau ngày nghỉ hưu về quê đi chợ mua phải con chó con bị bệnh dại ngoạp vào tay, rồi chủ quan không đi tiêm cũng bị lên cơn và không qua khỏi.
Văn Chương là dân Thái Bình, tướng hầu, mắt sáng nhanh như con thoi. Anh có bộ râu quai nón dày, chậm cạo là trông như lông măng vịt lúc thay lông. Nói nhanh nhưng đôi lúc lại cà lăm cũng là người hay lí sự. Có vẻ là người có tài có tật! Còn Doãn Đình Lộc học lớp báo chí Trung ương cùng Bùi Bình Thi nhà văn, thì luôn mải mê nuôi lợn. Cứ chủ nhật lại lên thượng nguồn sông Cầu thả về bè chuối rừng cho lơn ăn trong một tuần. Chị Điềm, vợ anh thì hay chí chóe khiến anh sợ một phép. Anh thuộc loại sợ vợ hơn sợ thủ trưởng. Anh Tthuộc loại chỉ viết bài khi được giao việc. Còn thì nằm khoèo! Nhắc lại chuyện học ở trường báo chí, anh hay chê:”Thằng Thi lúc học dốt ơi là dốt, chẳng bao giờ đủ điểm trung bình”.Tôi bảo “dốt sao lại thành nhà văn, còn anh thì không”. Anh Lộc không chấp câu hỏi móc, song cũng không thèm trả lời.
Bác Đình Phùng nhiếp ảnh già hiền hậu, khi tôi về thì ông đã nghỉ nên tôi chẳng biết kĩ về ông. Thay thế ông sau này là Văn Nguyên. Văn Nguyên người gầy, chân tay dài, đi lại lom khom như khỉ, nhưng được cái nhanh, lúc nào cũng khụt khịt như dúi, chẳng biết có bệnh gì ở mũi. Xem gì thì cái đầu cung ngọ ngoạy nghiêng ngó đúng cái tật của cánh thợ ảnh. Tòa soạn dành riêng cho Văn Nguyên một kho máy Rô-lây phếch của Đức, chụp phim 6×6, nhưng cũng ít chụp, chỉ có khi đi xuống địa phương mới bấm máy. Toàn là lối chụp pô-giê cứng quèo. Nhưng lúc ấy lại được coi là nghệ thuật phết! Hồi tôi làm đám cưới, Văn Nguyên mà không nhúng tay vào thì lấy đâu ra mấy tấm ảnh kỉ niệm giữ đến ngày hôm nay.
Người để lại ấn tượng khá sâu với tôi có lẽ là bác Huy Phương, dù lúc tôi về báo thì cũng là lúc bác sắp nghỉ hưu. Bác ấy người nhỏ lai gầy quắt như cái mộc nhĩ no nắng. Suốt ngày bác đánh may ô quần đùi. Ông Chiêu trưởng phòng hành chính thường cười hô hố, trêu :”Tao thề là chưa thấy thằng ấy tắm bao giờ. Nếu có, nó chỉ một dội hai vuốt là xong”. Còn nhớ chuyện bác ấy bị bắt khi đi công tác ở xã Cao Kì, Bạch Thông, Thái nguyên. Lần công tác ấy, bác cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch, đầu đội mũ lá, quần cộc moay ô, vai đeo máy ảnh, túi dết trong có lọ giun và túm dây câu. Đến xã Cao Kì , đang thõng thẹo dưới nắng thì bất ngờ “hen xơ ấp”, dân quân xông ra chặn đường, nghi là gián điệp Mĩ. Bác trình thẻ phóng viên nhưng chẳng ai tin chỉ vì khi khám xét thấy có cái máy ảnh và bộ dây câu, chắc chỉ gián điệp mới trang bị như thế. Bị tống giam cho muỗi đốt hai đêm, khi họ nối được điện thoại về cơ quan hỏi đúng nhận dạng, bác mới được tha. Hút chết.
Một phụ tá khác của Văn Nguyên là Trung Thực, chụp cũng tầm tầm, ít nói và tính cách hơi ngược với cái tên. Là thấy mọi người bảo thế. Sau này có thêm Qúi Hùng, da trắng hồng như con gái, đẹp trai. Đi đâu các em cũng quấn xin vài pô. Thích ảnh thì ít, thích anh thì nhiều. Tính tình anh ấy cũng lẳng, hay tí toét. Đã có lần anh bị mang tiếng vì chuyện thư từ cho chị em có chồng đi B ở Cao Bằng. Chính sách lúc ấy là hậu phương phải có trách nhiệm trông nom hộ chị em cái nghìn vàng để người ra đi chiến đấu yên tâm. Nhưng càng được bảo vệ thì chị em càng bị héo hon chứ báu gì!
Trong đám phóng viên lớp trước còn có Cao Năm người Hải Phòng. Mặt lúc nào trông cũng nhọ nhem. Làm báo nhưng cũng khoái viết kí, tập tọng văn chương khá sớm và Cao Năm hãnh diện vì điều đó. Chỉ tội cái hơi hèn, có đứa con ngoài giá thú mà không dám nhận. Giờ con nó cũng trên bốn mươi tuổi rồi còn gì. Bây giờ nằm chết dí ở Phòng, thi thoảng lại thấy viết kí trên báo Văn Nghệ, ghi là nhà văn.
Ở báo còn có bác Lưu Toàn thấp lùn, cũng không nhớ bác làm việc gì trong tòa soạn, nặng về đi ra đi vào chuyện phiếm. Thời bao cấp, chẳng dạ dầy của ai được đầy bao giờ mà bác vẫn béo. Béo nhưng lại da chì xám ngoét. Có lẽ do tiền sử bệnh tim. Đối lại, bác có bà vợ tên Hảo gầy nhom. Chị cũng thuộc nhóm buôn dưa lê có hạng. Chị Dung vợ Văn Nguyên thì béo chụt, bốn mùa gắn với chiếc máy chữ đánh bản thảo và các loại công văn, chẳng bao giờ rời cái bàn máy trừ khi đi chợ. Chị cũng chẳng bao giờ to tiếng với ai, cứ lúi húi như con rùa xó cửa. Chị Kim Thanh, vợ ông Trọng điếc thì lại trắng trẻo xinh gái tươi tắn mau mồm, đẻ lúc bốn thằng con giai. Chị được giao việc giữ kho, lúc nào cũng le te bận rộn như gà mái nuôi con nhưng việc thì chẳng ra đâu vào đâu, lủng củng suốt mỗi khi kiểm kê.
Đó là lứa phóng viên già và các bà vợ. Lứa sau trẻ hơn có Triệu Chấn người Tày (không nhớ tên tã lót là gì), Nông Văn Nhi thì láu táu, hay nói loèm khoèm, viết lách lăng quăng bài được bài không, lại thêm Vũ Vương Quyền người Tày Định Hóa là phi công thải hồi đâu như vì bệnh đường ruột, cũng được xếp làm phóng viên nhưng công việc với anh chắc cũng không dễ hơn lái phi cơ nên cứ lập bập mãi cho đến lúc giải thể cơ quan vẫn chưa ra anh phóng viên. Lúc ấy Quyền có nhã ý dạy tiếng Anh cho mọi người, nhưng cánh phóng viên vừa lười vừa ngại, thấy học ngoại ngữ hóc như ăn sỏi thì đều không khoái. Được vài buổi lắp bắp đôi từ như “gô-hôm”, “ pờ-lít-sít-đao” rồi đều “hen-xơ-ấp cả!”. Thế là lớp tiếng Pháp do ông Vi Quốc Bảo xướng lập trước đó và lớp tiếng Anh do Vũ vương Quyền gợi ý sau này dù thủ trưởng Tuấn hết lòng kêu gọi nhóm được vài buổi rồi cũng đều tan tác thành mây thành khói. Lúc ấy có ai nghĩ đến giá trị của ngoại ngữ như bây giờ đâu, mà chỉ là thứ ngại ngữ thôi.
* * *
Ở báo Việt Nam độc Lập tôi làm việc dưới hai đời thủ trưởng dù thời gian vẻn vẹn chỉ 6 năm. Ông Tuấn vui tính nhưng nghiêm khắc. Trong xử thế, mục tiêu của ông là được việc, nên không bao giờ căng cứng. Lúc vui ông thường bảo “tớ là người tươi tắn đến lúc chết, chẳng ai được như tớ”. Chả là ông có hàm răng vẩu, thấy răng khi chưa thấy người, nên ông hay tự trào như thế!
Còn nhớ một lần chị Đàm cấp dưỡng có việc gì khúc mắc với bà Diễn vợ ông. Mới sáng sớm chị đã đúng ngoài sân cơ quan quàng quạc như mất gà: ”Ông liệu mà về dạy bà ấy hộ tôi nhá…” Rồi kể lể gỉ gì gi toàn chuyện đàn bà ngồi lê đôi mách. Mấy phong viên loạng quạng đến sớm rụt cổ, cụp mắt né vào phòng riêng như chẳng thấy gì. Anh bạo nhất thì chỉ dám hé nửa mắt và đi giật lùi. Lúc ấy ông Tuấn mới từ phòng làm việc bước ra, miệng vẫn bập điểu thuốc, nhẹ nhàng: “Có việc gì bà, vào đây ta nói chuyện”. Nói rồi ông mời chị vào phòng. Chị Đàm trong cơn giận vẫn lèm bèm không dứt, nhưng rồi vẫn đi vào như bị thôi miên. Kệ cho chị tiếp tục xả lũ, ông Tuấn cứ lúi húi xúc ấm pha trà. Mấy phút sau trà ngấm, ông rót trà đẩy về phía chị, khơi dòng:” Nào, bà đã hả chưa, uống chén trà đi rồi tiếp tục”. Lúc này chị Đàm như chợt tỉnh cơn mê, lặng lẽ cầm chén trà lên nhấp. Lúc ấy ông Tuấn mới lôi từ ngăn bàn ra cuốn sổ, đặt đè cây bút lên trên: “Ta bắt đầu nhé. Nào tôi nghe đây”. Thấy cuốn sổ tay, chị Đàm thoáng ngơ ngác chẳng còn biết nói gì, lò than hồng tự nhiên tắt ngấm, quả bóng căng bỗng chốc xẹp hơi, chị lúng búng: ” Ấy là tôi nói thế thôi, bà ấy làm tôi bực lắm cơ…” Chấm hết.
Đấy là lần đầu tiên tôi chứng kiến ông Tuấn ra chiêu mềm như bún mà hạ hỏa được nồi nước sôi. Lúc ấy tôi đang ôm chồng ma-két báo lên phòng cho ông duyệt nên chứng kiến toàn bộ từ đầu chí cuối câu chuyện. Mãi sau này không thấy bao giờ ông nhắc lại chuyện hôm ấy, chuyện qua là cho qua. Phong cách lạt mềm buộc chặt theo ông suốt thời gian lãnh đạo tờ báo.
Tổng biên tập thay chân ông là Vi Ngọc Phương thì ngược hẳn. Ông có khổ người to vật, đi lại như gấu, nói năng ầm ầm như sấm, tính nóng như lửa. Hôm có bức thư tố cáo phóng viên nhiếp ảnh Qúi Hùng lên công tác Cao Bằng thư từ với gì đó với mấy cô vợ lính đi B. Ông gọi lên cật vấn. Qúi Hùng không chịu, trao đổi tiếp cùng cấp ủy, Qúi Hùng lại ra ý thách thức. Bỗng thấy ông giật giọng: ”Lựu, chuẩn bị xe, mai đi Cao Bằng sớm” .Lệnh được thực thi ngay. Sau chuyến ấy, Qúi Hùng mất một năm lên lương. Cánh phóng viên thấy thế mắt la mày lét, chờn. Nóng tính thế nhưng ông lại là người đôn hậu, rất quan tâm săn sóc đến chuyện vui buồn của mọi người. Sợ ông nhưng không ai ghét ông cả. Làm việc với ông ít nhưng tôi không bao giờ quên ông.
Hồi cơ quan đóng ở Vân Hữu, thì nhà in báo đóng ở Vô Tranh Tức tranh bên Phú Lương. Hai nơi cách nhau vài chục cây số đường mòn. Tuần ba số báo, mỗi số tám trang.Trình bày xong tôi ôm báo lên nhà in rồi nằm lại đó chờ sắp chữ xong, sửa mo-rát đợi tờ in thử, soát lại hết lỗi thì kí bông. Lúc ấy ca máy mới chính thức chạy. Chờ lấy mấy chục tờ in đầu tiên, buộc sau xe tôi mới phóc về cơ quan, tiếp tục trình bày số mới.
Một buổi sáng, buộc ma-két sau xe lên nhà in. Mọi khi đến gốc cây sui cổ thụ trên con đường mòn tắt sang Vô Tranh Tức Tranh tôi thường ngồi nghỉ mở bi đông uống nước. Đó là chỗ nghỉ chân quen thuộc. Nhưng hôm ấy trong đầu vẩn vơ thế nào đi qua gốc cây lại không nhớ. Đến giáp cây cầu treo vắt ngang sông Cầu thì nghe xoèn xoẹt tốp ba phả lực Mĩ bay thấp vụt qua đầu. Tôi chỉ kịp buông xe lăn xuống vệ đường thì đã nghe tiếng Đoành chát chúa, khói bốc mù ở phía sau. Hôm quay về mới giật mình khi thấy quả tên lửa nổ đúng chỗ tôi thường ngồi, khoét một lỗ sâu hoắm bằng cái nia. Bây giờ nhớ lại cũng vẫn còn rợn tóc gáy! Đúng là phúc nhà to bằng cái ấm tích!
* * *Thời gian ở Báo không dài, nhưng có mấy kỉ niệm đáng nhớ
Kỉ niệm thứ nhất:
Chuyện này tôi kể chắc ai cũng sợ. Số là ngày bé, tôi là đứa trẻ yếu ớt, không dám đi đêm một mình bao giờ, rất sợ ma. Mói về báo đâu hai tháng thì anh Chu Duy Thạch , phóng viên cùng cơ quan mới quen bị đột tử vì bệnh tim. Gia đình anh sơ tán đâu đó cơ quan chưa liên hệ được. Đêm ấy bệnh viện đặt anh nằm trên băng ca, phủ tấm ga trắng. Cả cơ quan ai cũng mắt tròn mắt dẹt kiếm cớ để khỏi phải trực đêm trong nhà xác. Cuối cùng dồn trách nhiệm cho thằng bé mới về là tôi, lí do đơn giản: Chưa vợ con, không vướng bận gì. Thế là trên chiếc ghế đẩu đặt ở góc phòng tôi ngồi trắng đêm, chỉ lo chuột cắn ngón chân anh ấy. Còn nhớ mãi, dưới ánh đèn dầu leo lét, hai bàn chân anh ấy vàng như sáp. Hai ngón cái được buộc níu lại với nhau giữ cho chân thẳng cho dễ nhập quan. Lạ thật, ngồi bên xác một người bạn mới quen mà tôi vẫn chịu nổi. Chỉ đôi lúc cảm thấy ngón chân anh ngọ nguậy, nhưng là mệt hoa mắt thôi. Có lẽ anh cũng biết thế nên đã làm cho tôi vững tâm thức nổi suốt một đêm dài trong khung cảnh lạnh lẽo của nhà xác bệnh viện thành phố.
Kỷ niệm thứ hai:
Vào cuối năm 1972, khi Mĩ xuống thang đánh phá, cơ quan chuyển về thị xã, đóng ở đồi Kép Le trong ngôi nhà to từ thời Pháp để lại.
Đồi Kép le cao, toàn sỏi đá ong, đất đồi lổm nhổm, cạnh phòng làm việc của tôi còn một cái giếng cạn đào từ bao giờ chẳng thấy lấp. miệng giếng cỏ mọc lúp súp che gần kín. Đang thời chiến tranh, cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện lấp giếng. Khi ấy tôi thường hay ra làm việc sớm lo quét phòng lấy nước. Bỗng một hôm vừa mở khóa phòng đã thấy cửa sổ phòng mở toang. Linh tính cho tôi biết là có chuyện rồi. Thì đây, cái đồng hồ ghẻ báo thức và cái phích nước để trên bàn là có giá trị nhất đã biến mất. đứng là phòng làm việc bị trộm cạy cửa, nhưng biết báo ai.
Bỗng nghe âm u đâu đó có tiếng rên. Tôi thò cổ qua của sổ nhìn, phát hiện ra tiếng rên vọng lên từ lòng cái giếng cạn.Thôi rồi, có người rơi xuống giếng đang kêu cứu. Tôi vội đi tìm thang cho người bị nạn leo lên. Đó là một người đàn ông trung niên. Thấy bị sây sước, tôi định chạy đi tìm bông băng thuốc đỏ thì ông ấy vội bảo là không làm sao, chẳng may đi chơi đêm qua đây không biết bị bước hụt xuống. Chưa kịp nhìn trước nhìn sau thì ông ta đã biến mất. Lúc này tôi mới chợt nhớ, hay đó chính là tên trộm. Tôi bèn leo thang xuống giếng thì mới rõ mọi việc, chiếc phích bị vỡ nằm xó, chiếc đồng hồ cũng hỏng vì bị va đập. Hóa ra tôi đã vất vả tìm thang cứu tên trộm. Thật chết cười!
Có hai chuyện đáng nhớ khi còn ở tòa báo.
Chuyện thứ nhất:
Lần hội thảo gì đấy về nghệ thuật ở Khu tự trị, báo văn Nghệ có nhà phê bình Nguyễn Trân lên dự. Khi đó ông Lê Dục Tôn là phó Bí thư, Thường vụ khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, người hét ra lửa. Ông bảo bức tranh cổ động ”được mùa năm tấn hai con” nổi tiếng lúc ấy của họa sĩ Sĩ Tốt vẽ sai sự thật, làm gì có chuyện trẻ em cưỡi lợn. Ông bảo “cưỡi chó thì có, lúc bé chơi với chó tôi đã từng cưỡi”. Bức tranh vẽ một chú ỉn to vật, trên lưng rải chiếu hoa, có hai bé trai và gái ngồi vắt vẻo. Nhà phê bình Nguyễn Trân nóng máy nghề, giương mục kỉnh đứng lên phát biểu theo lí luận Nga và tinh thần người Thủ đô rằng: “Đó là hình tượng nghệ thuật rất cao, là sự sáng tạo của nghệ sĩ”. Ông ấy còn nói gì dài hơn nữa bằng cái giọng Quảng Nam, nghe câu được câu chăng, tôi cũng chẳng nhớ hết. Tức thì ông Tôn ngồi sập, sắc mặt sầm lại lên cơn giông. Ở Khu tự trị, từ lâu ông có thói quen chỉ đạo, ban phát ý kiến, dưới chỉ biết nghe, cấm cãi! Tôi nhớ khi ông kinh lí xuống các cơ quan toàn gọi các thủ trưởng là thằng nọ thằng kia, rồi mày mày tao tao như đám trẻ trâu, chẳng ra cái thá gì. Lúc này bất ngờ có ý kiến ngược, ông tức lắm. Hóa ra lại có chuyện văn nghệ sĩ dám tranh luận giải thích cho cấp ủy à! Thế là chấm dứt hội thảo!
Buổi ấy có mặt Sĩ Tốt nhưng ông ngồi êm re không nói gì. Tôi là người ghi biên bản cũng thấy người gai gai. Tối về, ông Tuấn nghe phong thanh ở đâu nghi tôi là người tranh luận với cấp ủy bèn hỏi. Tôi nghĩ bụng mình mà là làm được thế thì oai quá, nhưng thằng bé đâu có dám. Tôi phải nhắc lại mình chỉ là người ngồi ghi biên bản, ông mới yên tâm. Ông vốn biết tôi là người trực tính, thấy sai là cãi luôn bất kể là ai.
Chuyện đó làm không khí văn nghệ u ám mất cả tuần. Sau nghe nói báo Văn Nghệ phải đánh công văn lên Khu ủy xin lỗi về việc nhà phê bình đi dạy dỗ cấp ủy là sai. Sự việc sau đó mới yên!
Chuyện thứ hai:
Ngày giải thể Khu tự tri Việt Bắc, anh hùng tiễu phỉ Sùng Dúng Lù được mời về , là khách sang trọng của khu. Khi một phóng viên hỏi ông cho biết cảm tưởng về việc giải thể Khu tự tri sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính trị như thế nào, thì Sùng Dúng Lù bảo “ Trước đây Đảng bảo thành lập Khu tự trị để miền núi tiến kịp miền xuôi là đúng, bây giờ lại bảo đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phải giải thể cũng là đúng. Đảng bao giờ chả đúng!”.Phóng viên sững người tưởng ông nói mát. Nhưng sau hóa không phải. Ông chỉ muốn nói chủ trương của Đảng bao giờ cũng chỉ có đúng mà thôi. Nhưng sau trên báo Trung ương sau không thấy in lại cuộc phỏng vấn đó.
* * *
Năm tháng trôi đi, cuộc sống có quá nhiều biến đổi, cách làm cách nghĩ cũng đã xoay chiều như yahoo360 độ. Bây giờ người còn người mất. Nghe Nguyễn Niên gọi điện thoại lại nhớ khi mình rời cơ quan về Hà Nội, còn cây chuối tiêu trồng cạnh nhà ăn đã trổ buồng nhưng còn xanh. Khi từ Hà Nội lên quay lại đồi Kép Le xem còn không, thì Niên hồ hởi thông báo “ Buồng chuối tớ chặt hộ rồi, Nó đã già, để lâu sợ mất cắp”. Tôi được Niên dành cho hai nải to vật , quả dài vượt gang tay. Đấy là món quà cuối cùng của mảnh đất cơ quan, nơi đầu tiên tôi ra công tác.23/7/2009