Kính chào Henri Oger

Bonjour Henri Oger

Tôi không có may mắn được dự buổi ra mắt tái bản cuốn sách kĩ thuật người Anam của Henri Oger(1909) tại L’Espace, trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội và triển lãm “sự việc và hành động- Thị dân và nông dân đầu thế kỉ xx”. – Triển lãm hình vẽ và và kí họa từ tác phẩm trên tại đây. Nhưng cũng thật hạnh phúc khi được xem cuốn sách tái bản của ông.
Kính phục Henri Oger và biết ơn những người đã góp phần chỉnh trang và cho ra mắt cuốn sách sau một trăm năm ra đời, (mặc dù sự ra đời của cuốn sách 100 năm trước đây, hầu như chẳng mấy ai trông đợi ngoài ông, cũng lại chỉ có sáu chục bản in tay). Các vị đã công phu để một lần nữa sáng danh Henri Oger, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt và là một curato tuyệt vời vì đã tổ chức thành công công việc từ một thợ vẽ và 30 người thợ khắc làm được một công trình kì vĩ độc nhất vô nhị ở đầu thế kỉ 20 ở xứ Anam ngoạn mục đến như vậy. Cách đây trên 30 năm, tôi có may mắn được cầm trên tay một bản in khuôn khô nhỏ trên giấy xấu, cũng không còn đủ các trang, và chỉ hiểu vắn tắt rằng đó là cuốn bách khoa thư bằng tranh ghi tên ông là người tổ chức thực hiện. Sau đấy được thấy thêm một cuốn nữa của nhà xuất bản phía Nam in lại khá hơn, nhưng sự giới thiệu về ông cũng còn sơ lược, chưa vẽ thật chuẩn xác bức chân dung ông mạch lạc và tinh vi như như lần tái bản nhân sự kiện 100 năm cuốn sách ra đời này.
Tuổi 20 ở Việt Nam bây giờ vẫn còn những thanh niên bám vào váy mẹ để vòi vĩnh. Vậy mà cách nay 100 năm ở tuổi ấy, Henri Oger đã là người tổ chức một công việc có tầm cỡ công trình khoa học cấp quốc gia (đó là nghiên cứu Dân tộc học) ở xứ thuộc địa lạ hoắc. Ông là người tài ba được đào tạo tốt, có bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Nhưng cao hơn cả là người có niềm khát khao khoa học, có ý chí hơn người và đầy lòng tự tin vào công việc mình làm. Bởi thế mà trong hoàn cảnh bị lãnh đạm thờ ơ, tinh thần bị o ép mà ông và cộng sự trong vòng hai năm đã thu về được đến 4000 hình vẽ và kí họa những nghề cơ bản của người dân Việt: như nghề lấy nguyên liệu từ thiên nhiên (kĩ thuật nghề nông, đánh cá, săn bắn, vận tải, hái lượm), nghề chế biến nguyên liệu lấy từ thiên nhiên (giấy, kim loại quí, gốm,sắt tây và thiếc, gỗ,vũ khí, tre mây, chế biến hoa quả, vải sợi, tơ lụa, lông da,sắt đồng), nghề dùng nguyên liệu liệu đã qua chế biến (buôn bán,đá, mẫu và đồ trang trí, tô vẽ tranh và sơn mài, điêu khắc và tạc tượng, đồ thờ, nghệ thuật nấu ăn, may mặc, xây dựng, đồ nội thất,công cụ, dụng cụ, máy, mứt và bánh ngọt). Đời sống riêng và đời sống cộng đồng của người dân Anam (đời sống cộng đồng, đời sống tình cảm, nhạc cụ, phép thuật và bói toán, các phép trị liệu dân gian, tết và lễ, trò chơi và đồ chơi, cử chỉ, đời sống ngoài phố, nghề bán rong, tranh dân gian). Có nhiều hành vi trừu tượng rất khó để thể hiện bằng tranh mà ông vẫn tìm cách thể hiện được.

Mấy dòng tiểu sử quá cô đọng :Henri Oger, Cựu học sinh của trường thuộc địa Pháp và trường Cao học thực hành (Sorbonne), viên chức dân sự của Đông Dương, thu thập tài liệu tại Hà Nội trong thời gian1908-1909. Vâng, ngắn và rất ngắn. Nhưng thành quả lại dài đến vô cùng. Đó là công trình đồ sộ mà vào thời buổi bây giờ, với sự đầu tư đầy đủ, có người và phương tiện giúp việc, tôi vẫn e rằng chục năm chưa chắc đã mấy ai làm nổi.
Tôi dám chắc vậy vì là một họa sĩ đồ họa có quan tâm đến dân tộc học, tôi hiểu cái khó khăn của nghề điều tra khảo sát và ghi chép kiểu dân tộc học này. Nó cần sự kiên trì cẩn trọng, tỉ mẩn kĩ càng và chính xác với thái độ mê mải của người làm khoa học chứ không phải thứ ngẫu hứng nghệ sĩ. Chừng 600 ngày làm việc từ khởi đầu đến kết thúc với số lượng và chất lượng rất cao của các bài nghiên cứu khi nhặt nhạnh rất kĩ các số liệu. Chỉ cần một ví dụ về việc chế biến giấy dó thôi, trong các bài viết ta thấy sự khảo tả chi tiết đến mức có thể theo câu chữ dàn dựng lại toàn bộ công việc từ khai thác vật liệu, xử lí chế biến, sản xuất ra thành phẩm chính xác đến cân đến lạng, Henri Oger viết ra y như ông là người thợ thủ công thực sự.
Tôi không nói nhiều về giá trị đã được xác lập của cuốn sách mà nhiều người đã biết và cũng được nói đến nhiều trên các phương tiện thông tin. Ở đây Henri Oger đã cho ta thấy một con người làm khoa học nghiêm túc say mê đến quên mình với đặc tính chuyên nghiệp rất cao, luôn đi vào tận cùng sự việc mà sau một trăm năm chúng ta còn phải ngưỡng mộ và học tập ông ở cách làm việc. Chỉ có như thế, trong hai năm” đi bụi” qua ba miền Bắc Trung Nam với một thợ vẽ cùng làm việc, mở sổ hỏi han ghi chép, còn thợ thì ngồi kí họa theo chỉ dẫn của ông, ông mới thu được một kết quả đồ sộ đến như vậy. Sự hi sinh cho mục đích khoa học của Henri Oger lớn lao biết nhường nào!
….
Hôm nay mở cuốn sách của Henri Oger tôi thấy phố phường làng quê như sống lại một thời. Đây người bán bàng rong, chỗ kia đan lát, chỗ mổ trâu thịt lợn, người thợ đào đất vác mai thuổng đi tìm việc.Trên sông thì người chống thuyền buôn hàng hóa, các phường nghề, làng nghề với cuộc sống muôn màu trong kí họa và bản in tranh khắc hiện lên sống động như một cuốn phim lịch sử nhiều tập, thấy lòng mình chùng xuống không biết sẽ nói được gì tỏ lòng biết ơn Oger và cảm ơn ông về tất cả những gì ông đã làm được trong công trình này cho xứ Anam thuộc địa.
Một lần nữa xin được ngả mũ kính chào Ngài, Henri Oger! 19/7/2009