doduc
Cách đây mấy năm tôi đưa Gérald Gorridge, một họa sĩ Pháp, thày giáo của trường đại học Angoulême ở Bordeau chuyên về vẽ tranh truyện về thăm làng tranh Đông Hồ. Sau khi nghe giải thích về những bức tranh quê, ông đưa ra nhận xét “ Thì ra mỗi bức tranh đều được xuất phát từ một câu chuyện”
Sau chuyến đi một ngày ấy, Gérald đã nảy ra ý tưởng sẽ lập một dự án vẽ truyện tranh lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ. Cuốn “Kể mới” ra đời vào năm 2004 là kết quả của dự án giữa trường Đại học mĩ thuật Hà Nội và Alliance Francaise (Trung tâm văn minh Pháp) do ông khởi xướng đã ra đời.
Phải nói ý tưởng đó thật tuyệt vời nhưng quá trình thực hiện, các họa sĩ trẻ trong đó có những sinh viên đang theo học tại trường đã không làm được theo ý tưởng của Gérald Gorridge. Cuốn sách giống tranh truyện hành động của Âu châu, tinh thần Đông Hồ bị khuất lấp vì các bạn trẻ chưa kịp đọc được cốt lõi tinh thần của người làng Hồ
Xem các họa sĩ trẻ vẽ hiện đại, học theo tinh thần hội họa phương Tây tôi cứ thấy tiếc tinh thần Phương đông ẩn chứa sau các bức tranh dân gian, tranh thờ cúng khá đặc sắc nhưng không thấy ai tìm hiểu. hoặc tìm hiểu mà chưa thấm để tìm cảm hứng từ đó. Tôi đoan chắc rằng với tinh thần và sức trẻ, một khi đã ngộ ra việc đó thì sẽ có những bức tranh gây biến động đời sống sáng tác trong giới trẻ. Chắc chắn là vậy.
Tôi đã không phải chờ lâu. Triển lãm tranh của họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông bày ở L’espace 24 Tràng Tiền khai mạc vào chiều 16/6/2009 đã làm được điều đó. Lấy cảm hứng từ trong tranh của người xưa để áp vào cuộc sống hôm nay là cách mà Phạm Huy Thông đã khéo léo dùng để tạo ra những bức tranh của mình vừa hóm hỉnh vừa tức cười. Xem đây người ta mới thấy giá trị và sức sống bền lâu của nghệ thuật dân gian khi người nghệ sĩ biết cày xới trên mảnh ruộng của cha ông để lại. Phạm huy Thông đã nhìn tranh đôi “Tiến tài tiến lộc” thành một hình ảnh đối xứng cụ thể đầy chất trào lộng: tiến tài bê hộp bột giặt Tide, tiến lộc thì đang bê chiếc giày trên tay để quảng cáo hàng. Tranh Rước trống là lũ trẻ vui nhộn đẩy xe kem, ồn ào như chợ vỡ, chơi đàn thả bóng bay trên đường phố. Tranh nhà nông với con trâu thành ông nông dân ngán ngẩm vì mất đất rao bán trâu và bắn số điện thoại di động lên mình trâu để người mua tiện liên hệ. Khóay âm dương trên mình tranh lợn đàn biến thành những chiếc băng cối đồ sộ, mõm lợn thành muôn vàn những chiếc loa loe xoe như đang muốn rống lên thống thiết. Tiến sĩ vinh quy thời nay ngồi trên xe tăng lao rầm rầm trên đường phố với loa phóng thanh giống các loa công cộng chĩa về mọi ngả, hai bên sườn xe là những trung nam bản xã áp sát tiền hô hậu ủng hết cỡ cho cái vẻ vang công thành danh toại. Em bé trong tranh Phú quí thì tay cầm mic, tay ôm đài, xung quanh là đống ngổn ngang các thiết bị âm nhạc với đám dây nhợ lằng nhằng cũng đang xả âm thanh chát chúa…Người xem không thể không mỉm cười cách phê phán thời hiện đại được dựng lên từ tinh thần trào lộng của người xưa, quyết liệt hơn người xưa, hài hước hơn người xưa, thật là một sự đồng hành đầy duyên nợ không thể không khiến người xem sau những trận cười vãi nước mắt lại ngâm ngùi về thế sự.
Không thể nói hết cái hay cai dí dỏm hài hước mà họa sĩ đã khéo đắm mình vào cuộc sống dân gian và thế sự tạo dựng lên trong một bài viết ngắn. Các bạn hãy đến với phòng tranh, đắm mình vào đó để sống với hiện tại và nhớ về cha ông ta một thời, để cùng chia sẻ với họa sĩ và cảm nhận về tinh thần văn hóa một thời của người dân đồng quê Việt. 16/6/2009