doduc
Tôi có đứa em gái sinh năm Mậu Tuất 1958. Tuổi ấy có thiên tài âm nhạc Mai cơn Jac sơn đấy. Hình như nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng tuổi ấy. Bạn tôi, Hùng Cướp biển hình như cùng tuổi
Bố mẹ đặt tên em là Mậu, theo thiên can.Tôi lúc ấy thường phải trông em, đặt em lên xe mây và đẩy đi quanh nhà trong sân. Còn nhớ khuôn mặt em xinh lắm, da trắng trẻo , mắt đen nhánh linh lợi, lại hay cười. Tiếng cười giòn tan của em vẫn văng vẳng đâu đây sau sáu mươi năm.
Rủi thay em mất lúc mới mười tám tháng tuổi.
Chiều tôi còn đặt em vào xe mây đẩy chơi quanh sân, Em thích lắm., cười như nắc nẻ. Vậy mà tối em lên cơn sốt nóng thở khò khè. Trẻ con sớm nắng chiều mưa là thế!
Sau này tôi mới ngầm đoán cái chết của em do bị ngạt thở. Khi nó khó thở thì mẹ thương con đói , vắt sữa đổ cho, tôi chắc em chết oan vì sặc sữa. Mãi sau này mới hiểu. Bác Hải y tá duy nhất của xóm vào cấp cứu, tiêm thuốc hồi sinh nhưng em tôi mãi mãi không tỉnh dậy. Em nằm đấy, da trắng bợt, mẹ tôi khóc ngất , nhưng cũng không thể đưa em trở lại.
Năm ấy là năm 1959, vào gần cuối năm.
Lúc ấy Đại Từ heo hút, cũng rừng sâu núi thẳm, y tế chua có đến xã. Chỉ ở huyện có nhưng không thành bệnh viện. Gía như bây giờ thì em Mậu không bị sao!.
Hôm trước tết, tôi lên nhà chú em, con ông chú ruột, thấy chú đang lăn lóc với cây gia phả của họ Đỗ làng Nành. Gia phả lập được mười đời gì đó, từ năm 958, thời loạn 12 sứ quân. Nhìn thượng lên đời đầu, dưới cụ Đỗ Cảnh Thạc, các chi hiếm vô cùng. Có chi chỉ một trưởng nam, chi nhiều nhất là ba mống/ Mãi tới mấy đời sát nay mới có nhà sinh bảy tám người.
Mới thấy khi xưa sơn lam chướng khí và điều kiện tự bảo vệ mình trước bệnh dịch quả thực quá khó khăn! Khi ấy nuôi được mụn con thật khó. Jhi xem cây phả hệ đó tôi chợt nhớ em Mậu, thương nó nhất , đó là kí ức còn lại trong đầu. Kỉ niệm tuổi thơ về anh chị em khác trong nhà khá mờ nhạt, chỉ có em Mậu là không thể quên.
Người đưa em lên nghĩa địa cây Nhội là ông Đóm, con người nhỏ thó gầy quắt chuyên làm từ thiện và lấy công cút rượu. Tôi còn nhớ em bó trong chiếu, không có hòm gỗ vì nghe bảo nó còn bé quá, sẽ theo hầu ông hoàng bà chúa chứ chẳng quẩn quanh mãi đâu. Mẹ thương con khóc vã mười năm. Thấy thế, bố tôi dọa” nó không phải con mình đâu, là cái quái đấy, nó vào gây thương nhớ cho nhà mình…” Dụng ý của bố là muốn đẻ mẹ quên đi đừng thương khóc con nữa hại người. Nhưng tôi nghe thấy nhẫn tâm mà không biết nói gì.
Mấy chục năm sau nhớ lại nhưng ngôi mộ đã mất nấm. Em cũng không có ngày giỗ.
Hồi bắt đầu có nhà riêng ở Nhật Tân, tôi lập bát nhang cho em, thắp hương riêng một chỗ. Sau có thầy bảo không cần thế, xin cho nhập vào bát hương tổ tiên được. Xin ấm dương được phép thế là làm luôn, Từ đấy mới tạm thây yên lòng.
Hôm nay ba mươi tết, ngày cuối cùng của năm con gà, bước sang năm Tuất, năm sinh của em gái tôi. Nhớ nó viết lại mấy dòng này để em nó còn sống mãi với tổ tiên dòng họ. Có thể trong nhà không còn ai nhớ em Mậu, nhưng tôi thì không bao giờ quên. Nó là đứa em tôi thương yêu nhất! Nó là đứa em thứ tám nếu còn sống đến hôm nay.
20 tết- 15.2/2018