Suất thịt trâu

dongngan
Còn nhớ như in trong đầu hai suất thịt trâu cuối cùng trong buổi chia thịt tết năm ấy. Một của giám đốc, một của trưởng phòng, đều đến muộn. Cả cơ quan gần năm chục suất mọi người nối nhau lấy hết từ chiều, còn sót lại hai vị chắc đang dở việc. Cô Khánh, người lo căng tin cơ quan sốt ruột ngồi trông chờ vì đã năm giờ chiều. Những ngày giáp tết nhà nào cũng lắm việc.
Rồi một trong hai chủ nhân hai suất thịt cũng có mặt: ông trưởng phòng đến trước. Cái con người cao lòng khòng, có cặp mắt nhỏ sâu hoáy, náu kín sau cặp kính trắng. Ông hướng mặt về cô Khánh căng tin hỏi thõng: Suất nào của tôi?
Tôi nhìn hai suất thịt đặt trên hai miếng lá dong, có tên ghi tên người đặt bên cạnh. Lại thấy trưởng phòng tiếp tục trống không: Suất kia của ai, mỗi suất một cân, bằng nhau cả phải không. Ông hỏi lấy lệ, chứ lệ thường lâu nay ai cũng biết, thịt tết công đoàn chạy được luôn chia đều, suất giám đốc đến lao công đều bằng nhau. Nhác thấy ánh mắt ông hướng về phần thịt ghi tên giám đốc. Cô Khánh nghe, vâng lấy lệ. Ai cũng biết khi chia đã cân đủ cân, sau mới ghi tên người đặt vào từng phần cho đỡ lẫn. Nhưng chắc trưởng phòng không tin thế. Chắc ông nghĩ phần giám đốc thế nào cũng nhỉnh hơn tí xẹo. Rất nhanh ông vơ phần thịt để tên giám đốc cho vào cái làn cói rách cầm theo làm như tiện tay chứ không cố ý. Thoáng thấy cô Khánh bật lên định nói gì nhưng không kịp phản ứng, cô buông tay bất lực khi ông trưởng phòng rảo bước qua mặt cô đi nhanh ra ngoài.
Hơn 30 năm, sau những ngày cuối cùng của chế độ bao cấp, giám đốc và trưởng phòng đều đi xa mà tôi vẫn nhớ hình ảnh đó. Ông giám đốc cần mẫn với công việc, luôn là người về muộn nhất cơ quan, và ông trưởng phòng đa nghi luôn nông nổi trong những quyết đoán công việc, từ cách chọn miếng ăn!
Nhớ lại câu chuyện thời bao cấp ấy để thấy thiếu thốn vật chất dễ tác động vào tư cách con người dễ làm cho méo mó như thế nào. Nhưng cũng có thể là tính người hình thành từ tấm bé. Tuy nhiên vẫn thấy thương hại trưởng phòng. Chắc chắn ông không ngờ hành vi đó lại đập vào trí nhớ tôi mãi đến hôm nay.
Câu chuyện thoáng qua tưởng chả có gì để nói, nhưng rốt cuộc nó cho khá nhiều suy ngẫm về nhân cách. Cái thiếu thốn dai dẳng với người này thì không sao, ráng chịu, nhưng với người kia có khi bị lệch lạc tư cách đi chỉ vì chút tính toán nhỏ mọn, để lại một vết nhọ trong tâm hồn mà không hề biết.
Nghĩ thấy thương cho con người. Họ không có lỗi, mà chính cơ chế xã hội làm cho đời sống khó khăn, nó tạo ra những tình huống để thử thách con người, giày vò người ta, và có người không qua được những thử thách nhỏ nhoi ấy.