(Dân Việt) Có nhiều chỗ, đèn trang trí đang tạo ra một sự rác rưởi vô biên và đầu độc thành phố.
Hà Nội cứ vào dịp tết nhất, hội hè này nọ là ngành “cờ đèn kèn hoa” lại có dịp trổ tài trang trí. Thông thường là họ làm ô nhiễm môi trường ánh sáng Thủ đô. Và bây giờ đang như thế. Môi trường ánh sáng đô thị đang bị ô nhiễm nặng.
Nếu dân thị thành chỉ xả rác trong một buổi tối tụ tập, đạp phá bãi cỏ bồn hoa cây xanh thì sự trang trí đèn hoa về đêm bên những khu vui chơi hay trên những con đường là thảm họa cả tuần cả tháng với tất cả mọi người. Phải nói thẳng ra rằng, có nhiều chỗ, sự trang trí của họ đã tạo ra thứ rác rưởi vô biên và thành phố bị đầu độc bởi thứ ánh sáng bẩn đó. Vừa hại mắt, vừa tốn tiền, sau đó có muốn gỡ đi cũng rắc rối như đám dây điện rổ bún rối.
Càng ngày càng năm Hà Nội càng lún sâu vào “thảm họa” này.
Tôi nghe phong thanh rằng kí hợp đồng thiết kế điện trang trí đường phố này là hàng trăm tỉ đồng cơ đấy. Không biết thật hư thế nào nhưng thực sự không thể nói gì hơn về cái giá của sự ô nhiễm nặng cho môi trường ánh sáng ở Hà Nội.
Ai từng đi Paris (Pháp), kinh đô ánh sáng và lên thuyền xuôi dọc dòng sông Seine ban đêm sẽ thấy cái lung linh huyền diệu của những nhà thiết kế ánh sáng tài ba thế nào. Họ nâng niu quí mến với không gian thủ đô, chỗ mờ chỗ tỏ, chỗ huyền ảo chỗ minh bạch. Còn ở ta thì ánh sáng như lũ phàm phu tục tử thô lỗ và trơ tráo, chỗ nào cũng thò đầu thò cổ vào móc mói nhòm ngó một cách trơ trẽn. Những con đường đẹp như Tràng Thi, Tràng Tiền, đường bao quanh Bờ Hồ tiện thể sẵn các loại dây hoa trang trí của tàu bán đầy thị trường, họ quàng quấn lên cây rũ rượi như mớ tóc rối, như mạng nhện.
Rồi họ treo những khung trang trí những hình linh tinh họ nghĩ ra được, chăng ngang đường phố vô tội vạ, chỗ cả tấm vuông, chỗ ngoằn ngoèo rồng phượng, chỗ uốn hoa, chỗ lấm chấm như trang kim, cứ thế nhấp nháy chuyển đủ, màu nhanh hơn cả biển quảng cáo nhà hàng, nhìn một tí là chóng hết cả mặt.
anh sang thu do, trang tri hay… dau doc? hinh anh 1
Một đoạn đường trang trí đèn dày đặc trên đường Điện Biên Phủ.
Chỉ đi một đoạn ngắn trên phố Bà Triệu hay đường Điện Biên Phủ sẽ thấy những dàn đèn màu dây tua trang trí bắc ngang đường hại mắt như thế nào với người đi đường. Trong thiết kế trang trí ở đường giao thông, người ta tối kỵ chuyện bắc cầu ngang đường như vậy, thế mà ở ta cứ nhơn nhơn, bất chấp, y như thằng điếc không sợ súng. Không biết đã có tai nạn giao thông nào từ đèn đường trang trí hay chưa.
Những thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, tôi thiết nghĩ ngành chiếu sáng đô thị cần phải có quy hoạch, thiết kế ánh sáng cho từng khu vực tùy theo như cầu và khả năng, để cho ánh sáng thành phố huyền ảo lung linh về đêm chứ không tùy tiện xấc xược bôi bẩn không gian như hiện nay. Ánh sáng cũng có bẩn sạch đấy chứ không phải cứ sáng là sạch sẽ tốt đẹp cả đâu.
Mới đây trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ), để chào mừng 20 năm thành lập quận, người ta cho chôn cọc kim loại bắc cầu vắt ngang trên hai trục đường song song rồi trang trí những mảng hoa hoét rồng phượng đổi màu liên tục, đó là chưa kể những cây đào giả được trồng bên đường để tối đến phát ánh sáng tím hồng nhại lại màu hoa đào. Một cuộc ra quân ánh sáng thật rầm rộ.
Tôi ngồi ở một quán nước, nhìn theo bất kì hướng nào hai bên đường cũng thấy tràn ngập sắc đỏ, pano đỏ, cờ đỏ, khẩu hiệu chăng ngang cũng đỏ nốt. Các biển hàng cũng nhiều cái cũng để đỏ cho bắt mắt. Nhìn đấy nhận ra hai điều: một là không gian quá ô nhiễm, chật chội vì cờ đèn kèn hoa và băng rôn khẩu hiệu dày dịt dù chả ai đọc cả đâu. Thứ hai là quá tốn tiền ngân sách mà lại làm ô nhiễm không gian.
Nhưng cái tệ nhất là cách làm theo thói quen, không có tính toán lãng phí kinh khủng mà không hiệu quả, hay nói đúng hơn là phản tác dụng. Người dân chỉ trông thấy sự lãng phí thôi.
Tốn rất nhiều tiền ngân sách để làm ô nhiễm ánh sáng thủ đô, tác động xấu đến sức khỏe người dân, liệu chính quyền và ngành ánh sáng đô thị có biết thế không hay cứ xanh xanh đỏ đỏ thế mãi?
Mấy hôm trước, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã thể hiện sự cầu thị bằng các tháo dàn đèn hoa “rau muống” ở đài phun nước trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục về rồi. Nay tôi đề nghị phải tháo thêm nhiều công trình dở như thế nữa, tháo bớt ra mà sửa chữa hoặc cất vào kho cũng được, đừng đàn áp không gian giao thông đô thị như vậy.
Đô thị phải có người thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp, làm thế nào để không tác động đến thị giác người đi đường, gây phân tán mất tập trung khiến dễ xảy ra tai nạn giao thông. Nhất là không được phép trang trí xanh đỏ tùy tiện như hiện nay!13/1/2016