Cái bếp lửa

dongngan
Nhà văn Cao Duy sơn sinh 1956, người Trùng Khánh Cao Bằng ( giải thưởng văn học Asian 2009, giải thưởng nhà nước 2017) tâm sự: Lớp tuổi chúng tôi trên núi, lớn lên trên ghế nhà trường rất biết ơn thế hệ các thày và cô giáo phần nhiều là người Hà Nội đã lên rừng chịu đủ kham khổ nhọc nhằn khai phá công việc giảng dạy trong những năm miền núi  khó khăn nhất. Ở góc nhìn của tôi, sự đóng góp đó vô cùng lớn và hiệu quả. Tôi biết ơn điều đó. Vậy mà cho đến hôm nay ngành giáo dục vẫn chưa từng có tới một lời nhắc nhở hay có một đại hội nào ghi công cho lớp thày cô đi đầu ấy. Bây giờ các thày cô nếu còn cũng đều qua tuổi tám mươi. Mà chắc chẳng còn bao nhiêu!
Sau chiến thắng Điện Biên phủ, lứa giáo viên lên miền núi cả hai vùng Việt Bắc và Tây bắc có khá nhiều thày cô người Hà Nội trình độ sư phạm khá giỏi, lại thêm tuổi trẻ phơi phới sức xuân bởi không khí hòa bình đem lại. Một số thày cô thuộc diện gia đình tư sản hoặc có chút dính líu đến cái gọi là bóc lột thì sự tình nguyện lên miền núi còn là một việc làm lại lý lịch cho mình.. Chính lứa thày cô đó đã giúp khai sáng cho miền núi buổi ban đầu, một lứa giáo viên tận tụy hy sinh làm giáo duc phổ thông, công trạng rất lớn.
Lên miền núi dạy học là việc gian khổ. Không chỉ sơn lam chướng khí, thủy thổ bất phục, đường đất gập ghềnh, mà còn khác lạ ngôn ngữ, rồi chuyện ý thức việc học chữ của trò chưa có… Chỉ một việc lên lớp thôi mà khó khăn gấp bốn năm lần dưới xuôi, chưa kể còn phải lần mò xuống bản gọi từng đứa trẻ ra lớp.
Năm 1973, lên Lũng Táo , Đồng Văn Hà Giang tôi đã gặp một ngôi trường như thế. Tôi từng viết:
“Xã Lũng Táo thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang có chung đường biên giới với Trung Quốc. Đường vào xã là kiểu đường ngựa đi, rất khó tìm được một mặt phẳng đủ đặt bàn chân. Bốn bên núi đá quây kín, Lũng Táo tựa như một chiếc túi.
Trường tiểu học lúc ấy gọi là cấp một, có ba cô giáo. Đó là hình tượng cái bếp lửa: Ba cô gái như ba ông đầu rau, mái trường như cái nồi trên bếp. Mà đã là bếp thì nó cố định: Cô giáo đến dạy ở trường này ít nhất đã bảy năm, nhiều nhất chừng mười lăm năm. Cô trẻ hai mươi sáu, cô nhiều ba mươi bảy tuổi, vậy mà vẫn chăn đơn, gối chiếc. Chưa biết các cô độc thân đến bao giờ.
Gặp khách đến thì các cô mừng. Nhưng niềm vui của các cô cũng hiếm hoi và ngắn ngủi như phút bừng nở của hoa mười giờ, hoặc hoa mỹ hơn đó là phút nở của hoa quỳnh rồi lại vụt tắt, bởi khách chỉ là người ghé thăm chốc lát. Chế độ đãi ngộ lúc ấy chỉ có phụ cấp lương vùng cao bốn mươi phần trăm, được phát chăn bông và áo rét.
Một cán bộ huyện cho biết, chỉ những cô có chồng có con thì mới có khả năng được chuyển ra trường gần thị trấn để bớt khó khăn gia đình. Các cô độc thân có thuận lợi hãy gắng ở trường xã.
Vậy thì bao giờ các cô giáo ở đây có được chồng?
Hai mươi sáu năm đã qua. Những bông mười giờ, những đoá hoa quỳnh ấy giờ đây chắc đã về hưu cả, mỗi lần vào dịp ngày Nhà giáo hai mươi tháng mười một, ở vùng xuôi, thầy trò tíu tít lại nhắc tôi nhớ đến hình tượng cái bếp ở Lũng Táo, những cô gái từ Thanh Hoá đi theo tiếng gọi của rẻo cao bây giờ đang ở đâu?”.

Cho nên hôm nay trò chuyện, tôi đồng cảm với nhà văn nỗi băn khoăn ấy vì cũng biết quá rõ việc ấy. Nhưng chắc chẳng có bao người trăn trở như anh. Giờ đây suy tư về những chuyện đó hình như không nằm trong những suy nghĩ của người lãnh đạo ngành giáo dục. Có lẽ chỉ có những trò nhớ đến thày, mà số đó chắc cũng chẳng có bao nhiêu.13/9/2017