Mẹ và quê

Kính tặng Mẹ
doduc
Từ Bắc Ninh đi Đại Từ – Thái Nguyên khoảng cách trên 100 cây số. Khoảng cách ấy với xe đạp là 6 giờ đồng hồ. Với ô tô, xe máy cùng lắm là 2 giờ rưỡi. Với đôi chân bộ là ba ngày thong thả. Năm đói 1945, bố mẹ tôi đã bỏ ra ba ngày để rời đất Kinh Bắc tha đàn con lên Đại Từ làm ăn.
Những năm hoà bình lập lại, người xa xứ rục rịch về quê. Bố tôi cũng được họ hàng nhắc nhở, nhưng ông bảo: “Thôi, ở đâu quen đấy, về làm gì”. Không phải ông không có tấm lòng với quê hương nhưng ông biết quê mình đất chật người đông, với chín miệng ăn, về lấy gì mà sống. Vậy mà đúng thế thật, chi họ nhà tôi lên Đại Từ có bốn gia đình mà nay con cháu đã lúc nhúc có dư trăm suất.
Từ ngày bố mất, mẹ tôi chỉ quanh quẩn với đàn con cháu, không có dịp nào về quê. Vả lại lúc ấy đi ôtô tăngbo hai ba đoạn mà mua vé thì giành giật cũng khổ. Nên ở quê có việc hiếu hỷ thì con cái phải gánh vác. Tôi để ý mỗi lần như thế bà chuẩn bị quà cáp rất chu tất. Con đi rồi, bà thường bần thần ngồi lặng lẽ hàng giờ, mắt nhìn vô định hướng về con đường quốc lộ đi xuôi. Đến khi xe cộ thuận lợi, con cái phương trưởng thì mẹ tôi đã già yếu. Có hôm đi công tác qua nhà, tôi đón mẹ lên xe bảo đưa bà về quê chơi, bà kêu sợ say xe. Quê tôi Hội chùa vào đầu tháng hai sau Tết. Tôi thuê hẳn chiếc xe mười bốn chỗ ngồi để bà về quê cùng con cháu. Bữa ấy bà cũng từ chối: “Tao thấy người mệt lắm, sợ đi không được”. Tôi trách mẹ: “Sao mẹ không đi để chúng con vui. Bao nhiêu năm mẹ không về quê, nay thuận tiện đủ đường mẹ vẫn không chịu đi bởi nỗi gì?”. Bà nín lặng. Lát sau bà mới nhẹ nhàng bảo: “Thực ra không phải mẹ không đi được. Bố các con đã mất, mẹ về cũng không vui. Lại cứ nghĩ một năm có hai ngày giỗ ông bà, mình không về, đến hội hè về, làng người ta cười cho”.
Thế mới biết con cái thật vô tâm, chả mấy ai nghĩ đến những suy tư của mẹ. Những người mẹ ở quê thường trọng chữ Hiếu hơn chữ Hỷ. Vậy mà con cái nào có bao giờ biết đến cho.

Tháng 1/2000