Xóm Đồn xưa

 

Xóm Đồn ở cách phố Ba Giăng non một cây số về phía bên phải đường quốc lộ tính từ thị trấn Đại Từ(*) đi lên. Đó là gò đất nhô cao lên như mai rùa giữa bốn bên đồng ruộng. Chủ đồn điền cho xây nhà trên đỉnh gò. Sau này các tá điền quây quanh thành xóm nhỏ. Có lẽ đây là chiếc nhà gạch đầu tiên được xây trên đất này, còn dân ở đây toàn làm nhà đất, vách tường chỉ thưng nứa tép, trát bùn trộn với rơm. Khi tôi lớn lên thì nhà xây của chủ đồn điền đã bị tiêu thổ kháng chiến phá hủy. Hòa bình về dân vẫn nghèo xơ xác.
Nhắc đến xóm Đồn tôi lại nhớ ông Lùn. Chắc ông cũng có cái tên khác nhưng từ lâu người ta đã quen gọi ông theo đặc điểm, bởi ông lùn thật. Nhưng hình như tên gọi cũng không có gì quan trọng lắm nên ai gọi ông cũng thưa như tên ông vốn thế. Tối tối, cái xóm nhỏ sơn cước ấy thường chìm sâu trong đêm đen tĩnh lặng. Dầu hỏa thắp sáng chỉ được dùng vào bữa cơm muộn. Nếu nhà nào nấu cơm sớm ăn kịp lúc trời nhá nhem thì tiết kiệm được khoản dầu thắp. Trong xóm vài nhà có đèn hoa kỳ cũng chỉ để ngọn đèn nhỏ như hạt đỗ xanh, như chấm sáng lân tinh.
Ông Lùn thường ngồi đánh đàn bầu trong ánh sáng lân tinh ấy. Ông có chiếc đàn bầu tự tạo bằng thân cây nứa ngộ, vòi đàn vót bằng cật tre, dây đàn là dây sắt có lẽ được tở ra từ ruột phanh xe đạp. Thuở ấy tiếng đàn bầu của ông Lùn là thể loại nhạc duy nhất có ở vùng quê tôi. Được nghe ông đàn là hạnh phúc lắm.
Bây giờ nhớ lại, tiếng đàn bầu của ông Lùn cũng chả có gì là hay. Chỉ tưng tửng có vài giai điệu Xe chỉ luồn kim, Cây trúc xinh. Ông cũng có lúc đi thử bài Lưu thủy hành vân nhưng nghe thấy rối và sai be bét bởi nó khó. Nhưng là ông đánh chơi để tự thưởng thức trong bóng tối lân tinh đèn dầu chứ có phải biểu diễn cho ai nghe đâu. Nên dù có giống tiếng bật bông cũng chẳng sao. Đôi buổi vào ngày trăng tròn, ông kê đàn trên chõng để ngoài thềm, thấy bọn trẻ trong xóm thập thò ngoài ngõ, ông gọi vào đánh đàn cho nghe. Chúng tôi được thể ùa vào, đứa đứng đứa ngồi, đứa dựa cột nhà quây quanh ông, vừa nghe đàn, vừa đập muỗi. Cũng có đứa chỉ nghe được một lúc đã lăn ra ngủ, phải gọi mới biết để về.
Nhà ông có hai bố con. Lúc ấy cô Ba, con gái của ông đã phổng phao thành thiếu nữ. Tôi thấy cô Ba rất đẹp: da trắng, môi hồng, miệng tươi và luôn dịu dàng với bọn trẻ trong xóm. Chúng tôi yêu cô Ba, thích ông Lùn. Bây giờ nhớ lại thấy cô giống nàng Bạch Tuyết. Lúc ấy thì chưa biết thế. Bởi Xóm Đồn cô quạnh không chỉ nghèo cái ăn mà nghèo đủ mọi thứ. Sự dốt nát đóng băng cuộc sống.
Cái Xóm Đồn cũ kỹ ấy. Chỉ cô Ba có cái áo cánh trắng không vá. Có lẽ áo cánh trắng tôi nhìn thấy lần đầu tiên trong đời là áo cô Ba. Và tiếng đàn nghe trong đời đầu tiên trong đời là tiếng đàn ông Lùn. Đó là hai thứ đẹp nhất ở tuổi thơ mà tôi còn nhớ đến bây giờ.
Tôi lớn lên, đi thoát ly, cũng không biết ông Lùn và cô Ba sau này chuyển đi đâu. Sau ngày hòa bình 1954 có nhiều người tìm đường về quê cũ. Hình như ông Lùn nằm trong số ấy. Vậy mà mỗi lần về quê qua nơi nhà ông Lùn ở khi xưa tôi thường đi chậm và không thể không nhìn vào. Bây giờ Xóm Đồn đã có nhiều nhà xây. đường qua xóm rộng mở. Xóm không vắng lặng mà xập xình tiếng nhạc ngày đêm trộn cùng tiếng ồn xe máy, xe công nông chạy rình rịch. Có điện nhưng cũng không thấy sáng bằng ánh trăng xưa và tiếng đàn bầu êm ả trải trong đêm yên tĩnh đã im bặt từ lâu. Áo quần thì xanh đỏ chói mắt khiến tôi lại bâng khuâng nhớ tới bóng áo cánh trắng của cô Ba và nụ cười trắng muốt của cô như đóa Bạch trà mới nở.
Chuyện Xóm Đồn chỉ có thế, mà sao nhớ mãi đến tận ngày hôm nay…08-2004