Người nếm rượu ở Tà Ngào

 

Chợ Tà Ngào có từ bao giờ không mấy người rõ, cũng như Lồ Chản Phìn thành người nếm rượu ở chợ này từ bao giờ chẳng mấy ai hay! Chản Phìn sống một mình trong hèm đá có mái hiên nhỏ lợp bằng thân cây ngô. Xung quanh cũng xếp đá quây tường tạo thành một giang sơn độc lập. Ở đất Tà Ngào này ai cũng biết mặt Phìn. Đến nỗi phiên nào bất chợt vắng lão là mọi người cảm thấy thiếu hụt rõ nhất là ở những người bán rượu...

Chợ Tà Ngào 5 ngày một phiên. Ở miền núi từ gần nửa thế kỷ nay theo sự sắp xếp của chính quyền, những phiên chợ Huyện đều đưa lùi vào Chủ Nhật, cốt yếu là tiện lợi cho cánh công chức ít ỏi ở địa phương tiện đi mua sắm(?) Nhưng cách sắp xếp ấy thì khoảng cách giữa hai phiên lại thành 7 ngày, dài quá. Tà Ngào không theo cách đó mà vẫn giữ nếp cũ ngày 3 ngày 7. Bởi lẽ nó không phải chợ Huyện, mà chỉ là thứ chợ thị tứ, nên chính quyền cũng mặc kệ. Từ nhiều năm trước, chợ chỉ lèo tèo vài ba quán hàng. Ngoài các mặt hàng đổi bán thông thường, thì có một góc riêng cho rượu. Toàn là thứ rượu ngô đựng trong can bố 20 lít, đầy ự. Người bán toàn là cánh phụ nữ. Người mua rượu thì đủ loại, nhưng phần lớn là lớp đàn ông trung niên, đôi khi cũng có vài ông bà già. Rượu ngô Tà Ngào từ lâu đã thành thương hiệu, nổi tiếng ngon ở miền núi phía Bắc. Dù mỗi nhà đều nấu riêng với bí quyết và kinh nghiệm của mình, nhưng theo lời của Lồ Chản Phìn, người nếm rượu quen thuộc ở chợ thì:” họ đã nắn chất lượng gần bằng nhau, cứ như ở một lò ra!”
Đã như thành nếp, từ tinh mơ buổi chợ người ta chờ Chản Phìn đến nếm rượu mở hàng. Chản Phìn là thần tài may mắn! Chỉ cần nhìn hướng bước chân, là can rượu kế bên đã chao nghiêng, rỉ ra cho lão một góc bát, chờ đợi. Thường chỉ đi hết ba phần tư dãy chợ rượu là lão đã say đứ đừ. Nhìn lão nếm rượu cũng thích: cứ nhẩn nha trên đôi chân như đang nhún nhảy, lão nhâm nhi từng giọt, từng ngụm nhỏ, đầu gật gật, miệng chẹp chẹp mãn nguyện, thế là chủ can bố yên tâm. Cứ thế, Chản Phìn nhích qua từng hàng. Điệp khúc ấy đã kéo dài bao nhiêu năm…
***
Dăm chục năm trước ở chợ Tà Ngào này , Chản Phìn đã thắng trong một cuộc thách đấu, một chọi mười khi uống rượu chồng bát giữa chợ. Phìn thành một hảo hán rượu. Với người miền núi, tửu lượng cao đồng nghĩa với sức mạnh của đàn ông, khiến từ đấy mọi người nể trọng. Còn dân bán rượu chỉ nhìn cách uống của lão đã thấy hên, thấy lộc nên thoáng thấy bóng Phìn đã cất lời chào, nghiêng can nhè rượu ra bát mời bằng được. Phìn nếm hàng nào là hàng ấy đắt khách. Thế là mọi người theo nhau mời, đương nhiên Phìn trở thành người của công chúng rượu. Thành thử Lồ Chản Phìn chẳng bao giờ mua rượu mà mặc nhiên thành người nếm rượu. Nếm rượu bao nhiêu năm rồi, Phìn không nhớ, cũng như không nhớ mấy trăm hay mấy ngàn bát rượu miễn phí đã được trôi qua cổ họng. Xem ra lão có đời sống cộng sản chủ nghĩa riêng về khoản rượu sếch, nhiều chục năm .

Thời trai trẻ, Chản Phìn là người giỏi giang đẹp giai mà lại có tài. Phìn biết bùa ngải nên dân Tày Nùng có lúc còn gọi là Pò Chài. Pò Chài không phải là để chỉ “anh” hay là tên riêng trong nghĩa tiếng Tày , mà là để chỉ con người biết phép bùa yểm. Phìn còn được gọi là phù thuỷ bởi trong một lần thách đố, Phìn úp nón gai niệm chú. Lát sau mở ra thì có ngay bát phở nóng hổi. Hôm ấy hàng phở ở gần thế nào cũng bị mất một bát ! Nhưng bát phở ấy Pò Chài chỉ được phép gọi cho trẻ con, mà không được ăn. Nếu ăn thì Phìn sẽ mất phép thiêng, mọi việc sẽ bại lộ và không bao giờ quản nổi âm binh nữa. Vì chuyện ma thuật mà có lần Phìn đã bị gọi lên xã để xét hỏi. Công an xã giam Phìn ở trụ sở Uỷ ban. Xong việc họ ra phố huyện đã thấy Pò Chài đang ngồi ăn phở trong quán. Sợ quá họ vội vã lộn về thì thấy khoá vẫn nguyên và Phìn vẫn nằm khoèo rung đùi trên tràng kỷ như không có chuyện gì. Thế thì việc giam Phìn có khác gì lấy tay vớt gió, chả giải quyết được gì. Sau rồi những trò của Phìn người ta coi chẳng qua chỉ là thứ ảo thuật tiêu khiển, cũng không để ý đến nữa…

Còn cái tên Lồ Chản Phìn cũng rất khó phân biệt. Họ Lồ có thể là họ người Mông, nhưng biết đâu lại là biến thái của chữ Lù, dễ là gốc người Giáy, mà cũng gần với họ Lò của người Thái. Còn cái tên Chản Phìn thì lại giống cách gọi của người Nùng, người Hán. Cái tên cũng đã có vẻ đa dân tộc nên khó đoán, khó đặt Phìn vào dân tộc nào cho chuẩn. Lại nữa, lão nói được tất cả các thứ tiếng của người trong vùng, nên con người lão, dân tộc nào cũng có phần một ít.
***
Việc nếm rượu lâu rầy thành quán tính. Thế là dù không là công chức nhưng vào phiên, Phìn cũng vẫn ra chợ đúng giờ, nếm đúng giờ và say đúng thời khắc hệt như thói quen giờ giấc của anh công chức! Còn người bán rượu chỉ cần được việc, nên khi khả năng uống của Phìn kém đi cùng với sự tinh tế trong thẩm định mất dần cũng không thành vấn đề, lão vẫn được trọng vọng( sự trọng vọng thái quá khiến Phìn ngộ nhận cả trong cơn say rằng dân Tà Ngào không còn người biết uống rượu).Tất nhiên không phải mọi người ở chợ Tà Ngào đều nghĩ như thế, cả khi ngôi vị của Chản Phìn ở lúc đỉnh điểm. Người ta vẫn biết lão chỉ tinh tường ở hai ba bát lúc đầu, còn sau đó lão lẫn cả rượu với nước lã. Sau này, rượu gì cũng chỉ cho lão cảm giác tê tê, cay cay thôi chứ không sành sỏi như lúc còn là Pò Chài.
***
Bây giờ Phìn đã gìa, mặt mũi chân tay nhàu như tờ giấy dó bị vò nát, không thể đoán được tuổi. Nhất là khi lớp da nâu lên màu bồ hóng, màu cánh gián già, khô loáng như da rắn đến kỳ lột xác, lão dễ được xếp vào hàng những người già nhất trên quả đất này lắm. Dáng đi xưa nay vốn không nhanh nhẹn do việc nếm rượu không yêu cầu phải nhanh, lâu ngày cộng với sức ỳ của tuổi tác khiến người ta đọc được ở lão cả vẻ thiền trong mỗi bước đi. Nghe bảo đã lâu Phìn mất phép phù thuỷ, không úp nón gai gọi được bát phở về cũng chỉ tại đóng vai người nếm rượu, say khướt quanh năm, không có lúc tỉnh để luyện âm binh…Nhưng đó cũng chỉ là đoán mò mà thôi.Thời nay trẻ con tí tuổi đã đến trường, làm gì có đứa nào được lêu lổng quẩn bên lão để lão thi thố tài năng mà biết lão còn hay hết phép!

. ***

Như qui luật của muôn đời, chẳng ai sống được mãi. Rồi cũng đến lúc Chản Phìn ra đi. Lồ Chản Phìn chết quãng một tuần mới có người biết. Đó là khoảng thời gian nối giữa hai phiên chợ. Tự nhiên không thấy Phìn đi nếm rượu như mọi lần nên có người mới tìm đến nơi lão ở. Lão chết nằm ngay đơ trong hèm đá như đang giấc ngủ. Xung quanh lão, lũ kiến lã rã say mèm, chẳng biết chúng ngẫu nhiên đi ngang qua hay biết lão chết mò đến kiếm chác, mà bị say. Cái khuôn viên nho nhỏ ấy vẫn thơm ngát mùi rượu ngô. Nhiều năm sau, đi ngang qua nơi Lồ Chản Phìn ở, người ta vẫn còn ngửi thấy mùi rượu.

Ngày nay huyền thoại về Lồ Chản Phìn- người nếm rượu ở chợ Tà Ngào- vẫn đầy ắp trong câu chuyện của người đến chợ. Chưa biết đến bao giờ người ta mới thôi nhắc đến tên lão. Dãy bán rượu ngô ở chợ đông đúc hơn xưa nhiều lần, nhưng chưa thấy xuất hiện dáng dấp một Lồ Chản Phìn thứ hai. Chỉ có vài thằng choai học nếm, không đáng tin cẩn lắm. Xem ra khả năng thẩm định của chúng còn dưới cả người nấu rượu, còn lâu mới nên danh!
Ngày cuối tháng Tám
30/8/2006