Lạm dụng quyền lực

Doduc
Một họa sĩ bạn tôi, hôm rồi ngồi cà phê đầu ngõ trò chuyện, tự nhiên anh bật ra: xét cho cùng thì sống là một cuộc nhận thức lâu dài để con người ta vượt qua sự ngộ nhận. Làm được thế thì mới có thể có đời sống an bình, mới có hạnh phúc cho mình!
Tôi bảo, nếu được như thế thì là giác ngộ rồi!
Ngộ nhận là mặt sau của giác ngộ, là mặt trái của sự hiểu biết, tai hại vô cùng. Ví dụ ngộ nhận về quyền lực thì dẫn đến lạm quyền. Lạm quyền thì gây ra đủ thứ tai họa cho dân cho nước. Ngộ nhận giờ đây bây giờ trở nên phổ biến như tham nhũng vậy.
Câu chuyện mới nóng ngày 26.7.2017, đoàn kiểm tra của UBND P.15, Q.Tân Bình gồm: cán bộ phường, công an phường và tổ dân phố đã bẻ khóa cổng nhà anh Đào Tuấn Anh (ngụ đường Phan Huy Ích) khi anh không có mặt ở nhà để bắt 9 con gà Đông Tảo trị giá khoảng 10 triệu đồng đem đi tiêu hủy. Khi được hỏi Ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND phường 15, Q.Tân Bình lý giải rằng đoàn kiểm tra đang thực hiện theo chỉ đạo trong chỉ thị 02/2015 của UBND TP, còn có người trong đoàn bẻ khóa cổng là do có người ở nhà nhưng không chấp hành việc kiểm tra.
Rõ ràng đó là sự lạm dụng quyền lực!
Một hành vi vi phạm luật pháp quá rõ ràng do lạm dụng quyền lực, vậy mà chủ tịch Phường còn giải thích như thế thì đủ biết sự ngộ nhận về quyền lực và hiểu biết kém cỏi về luật pháp đã dẫn đến những tai họa như thế nào với người dân. Vì ngộ nhận làm cho họ thấy bao giờ họ cũng đúng, họ có đủ thứ quyền, chỉ có dân sai!
Giao thông trên đường không đội mũ là phạm luật. Phạm luật là người dân chứ không phải tội phạm. Nhưng cảnh sát hoặc dân phòng sẵn sang xuống tay bằng gậy ma trắc, hoặc rượt đuổi đến mức gây đổ xe chết người. Những hành vi của người thi hành công vụ đó đã vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật.
Ví dụ kể trên chỉ nói về ngộ nhận về quyền lực, nhưng trong cuộc sống muôn mặt này, sự ngộ nhận nào cũng gây ra nguy hiểm cả. Sự ngộ nhận này có có ở khắp nơi, ở mọi tàng lớp , từ quan cao nhất đến thứ dân. Khi có sự ngộ nhận thì đều gây ra những phức tạp không đáng có.
Chuyện thế này: nhà cậu hàng xóm tôi có giỗ, có hai cậu em trên quê xuống giúp làm cỗ. Họ bật nhạc loa thùng hết cỡ. Ầm ĩ quá, không ngồi yên làm việc được tôi mới ra nhà, gọi qua bờ rào nhắc hai cháu hạ bớt volum. Nhưng vừa vào nhà thì tiếng loa tăng gấp rưỡi. Biết không ổn, tôi bỏ việc ra khỏi nhà, đợi khi cậu hàng xóm về, tôi mắng nó, lúc ấy nó bảo: Chú ơi, trên quê chúng nó có biết gì đâu, nó còn cãi cháu là tôi mở nhạc nhà tôi, to bé theo do tôi thích, đùng có can thiệp vào tự do của tôi!
Sự ngộ nhận về tự do của hai thằng bé nói trên làm tôi mất buổi làm việc!

Sự ngộ nhận nào cũng đều gây ra phiền toái , thậm chí tai họa. Hiện nay bệnh lạm dụng do ngộ nhân đã lan tràn ở khắp nơi, từ cơ quan công sở học đường. Chỉ mấy ông nhận việc bảo vệ gác cổng cũng xưng hùng xưng bá khi trong tay được cầm chiếc gậy và đội cái mũ bình thiên có gắng sao! Oai lắm, oách lắm.
Tất cả ở chỗ buông lỏng quản lý ở cả hệ thống, ở chỗ giao việc giao quyền nhưng không giám sát, nắm chắc chế tài đẻ giảm đi sự ngộ nhận.Đã thế sự việc xảy ra cấp trên lại còn bênh che sợ mất thành tích, nên nó càng có cơ hội phát triển.
Ngộ nhận là tai họa không chỉ cho cá nhân mỗi người mà còn là di họa cho cả dân tộc, cả đất nước! 31/7/2017