Doduc
1 – Con gà con vịt muốn đem bán thì phải cho vào trong lồng, con lợn cho vào rọ, con chó thì cần cái xích. Đó là những phương tiện giúp con người giới hạn vật nuôi trong tầm kiểm soát.
Con người làm ra luật pháp để giới hạn những gì không kiểm soát được. Người nắm luật pháp tưởng mình đang ở thế thượng phong nhất, nhưng ai nắm tay suốt ngày tới sáng, rồi họ cũng phải chịu sự chế tài của chính cái họ làm ra tưởng chỉ dành cho kẻ khác. Kết cục thân phận cũng như nhau.
Con người làm ra các chuyện đó, tưởng con người tự do nhất,có thể kiểm soát mọi sự vật. Nhưng không phải, con người lại phải sống khuôn theo luật pháp bằng những chế tài của chính con người làm ra, chẳng khác gì lồng rọ xích. Con người làm ra những chế tài đó để tự yên tâm rằng mình được bảo vệ , nhưng con người chỉ tự do khi anh sống trong cái khuôn đó chứ luật đó cũng chẳng che đậy cho anh khi quá giới hạn. Hóa ra giới hạn đó là sự cần thiết khách quan như một quy luật chứ không phải chuyện vu vơ…
Thế đây, bản chất giới hạn vốn là qui luật tự nhiên mà muôn vật đến con người phải tuân thủ. Giới hạn đâu phải là sáng tạo của con người.
2- Con gà con lợn nghĩ phải giãy giụa tìm cách bung ra khỏi cái lồng chật chội, con chó nghĩ phải được tháo khỏi xích mới được tự do. Nhưng đâu phải thế, thoát khỏi cái lồng, cái rọ , cái xích chật hẹp chẳng qua là đẻ bước vào cái lồng cái xích to hơn rộng hơn , còn chúng vẫn sống trong tầm kiểm soát của con người, nghĩa là vẫn trong lồng trong rọ, trong xích mà thôi.
Con người tuân theo luật pháp là sống trong khuôn khổ giới hạn của an toàn.Kẻ ác không tuân theo tưởng mình tự do nhưng thực ra chúng đang sống trong giới hạn của sự tham lam, “cái rọ” tiền bạc đó gây áp lực không chế.Tiền càng nhiều, cái rọ càng xiết chặt đến mức con người bị nó không chế không kiểm soát được mình. Lúc đó là lúc cái rọ luật pháp trùm lên mới hết đường cựa quậy.
3 – Trong toán học, có thuật ngữ lim để chỉ giới hạn. Lại có cực đại, cực tiểu cho các phép tính cũng là những giới hạn. Trong đời sống, mối quan hệ bố mẹ anh em vợ chồng con cái đến họ hàng bè bạn cũng tạo ra các giới hạn. Rồi mối quan hệ quốc tế có những giới hạn lớn hơn. Khi đi quá giới hạn là sinh chuyện phức tạp ngay.
Cái mong muốn tiến đến tự do tuyệt đối cũng chỉ nằm sát cái giới hạn cho phép, không có cái nào tuyệt đối cho riêng mình.
Hiểu được giới hạn thì con người sẽ có tự do. Đó là sự tự nhận thức trong con người chứ không phải hiện tượng mắt nhìn thấy. Nên kẻ bị cầm tù vẫn thấy mình tự do, kẻ sống tự do tưởng mình tự do, có khi lại là đang bị cầm tù. Chẳng có bất kì ai sống ngoài giới hạn. Càng nhiều quyền lực thì cái giới hạn càng lớn, càng bị cầm tù bởi trách nhiệm hoặc bởi cái tham vọng không cùng, và cái nguy cho thân và con cái càng lớn khi trót vượt quá giới han. Tham vọng, xét cho cùng cũng chỉ là một thứ giới hạn. 22/11/2012