Chiếc khăn màu cổ vịt

c
Chiến tranh vào giai đoạn ác liệt. Đến thời điểm đầu năm 70 thế kỷ trước người ta có cảm giác không còn đâu nguyên vẹn. Chẳng còn có khái niệm nhà lầu, sân chơi trang trọng. Ở đâu cũng chỉ dính bụi và rách nát. Mà rách cũng chẳng cần vá! Ga Hàng cỏ đẹp thế mà bom mỹ xé rách một gian, hở hoác như hàm răng sứt nhưng tàu vẫn đến, vẫn đi. Tất cả tâm lực của mọi người chỉ dành cho một việc đánh Mỹ.
Thế nhưng sau lớp bụi ấy vẫn có cuộc sống, tình yêu. Đối diện với ga có một bách hóa nhỏ. Sau khi xuống tàu anh chỉ còn kịp ghé vào đấy là nơi gần nhất. Tháng giêng, trời rét ngọt, lấm tấm mưa phùn. Anh đi lướt nhanh và phát hiện ra chiếc khăn len dệt kim màu cổ vịt có những diềm trang trí li ti màu tím- anh yêu chị đã hai năm mà chưa có được món quà tặng cho ra hồn ngòai cuốn sổ tay và cây bút máy Trường Sơn có khắc tên hai đứa! Ôi chiếc khăn, đây sẽ là món quà đáng giá cho người anh yêu khi chị đang công tác ở miền núi. Nhưng khi hỏi thì giá của chiếc khăn là 36 đồng, lớn hơn vẻ đẹp của nó, bởi nó là hàng ngoại được gửi nhờ bán. 36 đồng trong khi giá gà là 2,5 đồng một cân. Tiền dành dụm 2 năm từ lúc yêu chị mới chỉ mớm con số 30. Anh vét voi tất cả để có chiếc khăn.

Tưởng như đời sống chiến tranh nay sống mai chết bất thường người ta dễ sống gấp, thấy cái gì hưởng được là tận hưởng. Nhưng chiếc khăn chị chỉ dùng vào ngày rét nhất để giữ ấm ngực, còn lại chị gấp thẳng thớm, cất trong góc va li. Hàng chục năm sau, chiếc khăn vẫn gần như mới. Lúc này đất nước thống nhất nhưng lại rơi vào cấm vận của Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, chỉ không còn tiếng bom thôi chứ cuộc sống vật chất thì còn tồi tệ hơn cả hồi còn chiến tranh. Chiếc khăn quàng cổ màu cổ vịt được dùng vào việc chống rét cho cô con gái. Nó được bịt qua đầu, quấn qua cổ như kiểu quàng khăn của thiếu nữ Nga…

Cuộc sống yên hàn dần dần, người ta cũng quên dần chiến tranh. Mấy chục năm sau, chiến tranh chỉ còn trong ký ức của lớp người đã từng trải qua. Còn lớp trẻ chỉ biết chút ít qua phim, qua sách vở. Tiếng nổ to nhất chúng biết là tiếng pháo đùng ngày Tết, mọi thứ hiểm nguy của chíên tranh được coi như giả tưởng.
Nhìn đứa con đã trưởng thành xúng xính trong bộ váy áo mốt, lúi húi cắt dán chiếc thiệp diêm dúa cho ngày valentine, chị bỗng rơm rớm nước mắt nhớ lại ngày chị được cầm chiếc khăn anh trao cũng chính là ngày 14.2, ngày lễ thánh Valentine. Thế mà đã trên 30 năm. Lúc này chị mới hỏi anh sao biết ngày này mà gửi tặng quà thì anh ngỡ ngàng. Anh đâu có biết. Lúc ấy ngày lễ thánh tình yêu đâu đã trôi dạt sang ta. Mà nếu có thì với anh mỗi ngày trong năm sẽ đều là ngày Valentine cho chị. Thế giới người ta dè sẻn quá, tại sao mỗi năm Valentine lại chỉ có một ngày?

07. 02. 2006