Ván đã đóng thuyền

Doduc
Thành ngữ Việt Nam có câu ván đã đóng thuyền, ý nói về việc đã rồi còn biết làm sao. Nông thôn xưa chuyện ép duyên xảy ra như cơm bữa .Người con gái bị ép gả được giải thích theo lối cột vào, nào là đã chót nhận trầu, thì phải cưới hỏi thôi. Thế là một lần chót hai ba lần chét. Được việc cho bố mẹ thì con cái khốn khổ, nhưng việc đó lại che đậy bằng câu “ván đã đóng thuyền”, là nhỡ thôi chứ không phải cố ý.
Lâu rầy chuyện ấy thành cái bệnh ở nông thôn, bệnh gia trưởng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy hết thế hệ này đến thế hệ khác. Nhất là khi bóng của sân trình đạo Khổng trùm lên làng xóm với cái đạo quân-sư-phụ*, người con gái bị chụp gọn trong tam tòng tứ đức** thì nỗi khổ triền miên. Bây giờ dân trí cao hơn nên chuyện ván đã đóng thuyền đã vào hồi kết. Dù chưa phải đã hết, nhưng nó chỉ còn là hi hữu ở những vùng sâu xa rừng núi, nơi còn tục lệ tảo hôn..
Kết cục của chuyện ván đã đóng thuyền cũng nhiều vẻ, có cái quá bi thương, người con gái ra khỏi nhà thì sống như nô lệ gần suốt đời nếu vớ phải chồng vũ phu. Cũng có khi có người chồng hiền lành nhưng đời sống vợ chồng nhạt nhẽo cho đến hoàng hôn. Ít có cuộc sống gia đình đằm thắm khi việc cưới hỏi theo cách ván đã đóng thuyền. Phục tùng cách làm ấy nhiều khi cả hai phía đều phải sống cam chịu chứ không chỉ riêng phía người con gái..
Bệnh ván đã đóng thuyền nẩy sinh từ lối sống gia trưởng. Gọi là ván đã đóng thuyền để trốn một phần trách nhiệm, còn bản chất của nó là cố ý chỉ thừa nhận một phần để xoa dịu con cái.
Đã là bệnh thì dễ thành thứ lây lan, thành dịch. Nhưng đáng sợ là nó xảy ra ở dạng vĩ mô
Bây giờ, ván đã đóng thuyền chuồi ra ngoài xã hội nguy hiểm trăm lần nghìn lần. Nếu trong một gia đình chỉ thiệt một đời con thì ra xã hội nó tác động xấu đến mọi nhà, đẩy cái khó vào từng đời sống gia đình. Thậm chí cả hiểm nguy cho cả dân tộc.
Đó là việc đầy rẫy trong nền kinh tế quốc doanh khu vực công. Cứ thói quen chót thì phải chét người ta tạo dựng ra những cuộc làm ăn để kiếm chác. Đưa trình dự án, duyệt dự án, đấu thầu chọn đối tác nhẹ như không, rồi khi vào cuộc là đâm lao phải theo lao. Vẽ ra có một, sau đội vốn lên thành ba bốn chưa xong… Chuyện đó trong thời kinh tế thị trường chẳng giống ai ở ta đang trở thành bệnh dich khá nặng nề, đang phá hoại sự phát triển một cách khốc liệt. Khi khu vực quản trị công không có chế tài quản lý, không có cá nhân chịu trách nhiệm chỉ nhận thiếu sót vì trình độ có hạn thì sẽ tiếp diễn bội chi, kiểu thả gà ra mà đuổi sẽ còn tiếp tục dài dài. Mà xem ra chưa có triệu chứng chấm dứt được.
Chúng ta đã rơi vào trung tâm lốc xoáy câu thành ngữ ván đã đóng thuyền và chưa có hồi kết. Có thể thống kê ra nhiều ví dụ ở đây, trong đó có một loạt vụ đang vào vòng lao lý vì sự tàn phá hang vạn tỉ đồng của đất nước không thể che giấu được!
Ván đã đóng thuyền là câu chuyện phải có chế tài để đẩy hẳn nó ra khỏi cuộc sống, vì đó là thái độ gia trưởng xưa cũ không muốn sửa sai, luôn ép người khác phải chấp nhận, một thái độ quan phương cần phải rũ bỏ trong thế kỉ 21 này. 22/6/2017