doduHôm rồi về quê, em con ông chú tôi phàn nàn, sắp tới cậu trưởng sẽ đập nhà này xây lại. Chú nói, mắt chớp chớp hướng lên nóc nhà- mình già rồi, bó tay với chúng nó.
Tôi nhìn theo: trên thanh duỗi nóc nhà mấy dòng chữ Việt Nam dân chủ cộng hòa năm thứ…viết bằng chữ nho, đánh dấu thời điểm xây nhà còn đen nhánh…
Việt Nam dân chủ cộng hòa là dòng viết tiếc nuối thôi, chứ tôi biết căn nhà gỗ xoan ba gian hai chái ấy chú làm vào thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa rồi. Mới gần ba chục năm.
Căn nhà ấy là kiến trúc điển hình của đồng bằng Bắc Bộ. trăm phần trăm gỗ xoan, nhà có hàng hiên, có hàng rại cửa bằng tre chắn thoáng. Lúc ấy căn nhà là mơ ước của mỗi người xung quanh.
Mỗi khi về đến quê, vào nhà chú luôn thấy hơi mát thoang thoảng. Giữa ngày nắng lửa trên bốn mươi độ , chỉ cần cái quạt cây xoay tuốc năng là khuấy động luôn ba gian vì không khí không bị ứ trệ. Phong thủy trong căn nhà gỗ thôn quê luôn là thuận theo con người.
Ở nhà xây mái bằng trong thành phố mãi , trong cái nóng om kinh khủng và cái mát giả tạo của máy điều hòa nhiệt, mới thấy căn nhà gỗ ba gian của đồng quê quí giá như thế nào.
Tôi bỗng nhớ lại câu thành ngữ của người xưa “ Làm nhà gỗ xoan/ Làm quan tiến sĩ”, nghĩa là nhà gỗ xoan mái ngói hai lớp, ngói lá nền và ngói vẩy cá chồng ngoài, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè lại luôn thông thoáng, khí độc bốc ngay lên nóc. Nhà gỗ xoan nó di dưỡng tuổi thọ con người, còn quan tiến sĩ là quan có học, sống có văn thì vững bền.
Xưa, nhà có con trai, khi đầy hoa giáp thì người cha đã lo trồng cho vườn xoan để đến tuổi lập thân có gỗ làm đủ căn nhà cho nó. Đó là ước mơ bao đời của người nông dân, ngắn nhưng thực tế. Trung du trồng xoan còn dễ, chứ đồng bằng gạn được tí mép đường đặt hàng xoan cũng không phải chỗ nào cũng có. Cho đến gần đây, vẫn có những người mơ ước căn nhà gỗ xoan, nhưng xoan không còn dễ kiếm như xưa…
Những kiến thức nho nhỏ về đời sống bình dị đó đang bị vùi lấp đi trong lối sống hiện đại. Cho nên thời nay nhà có tiền thửa cột gỗ lim, xoan chỉ coi là gỗ tạp không đáng để mắt. Họ đâu có biết gỗ lim luôn thoát ra hơi độc , sống trong căn nhà gỗ lim thì lụn bại dần, chỉ ba đời là mất giống. Cũng như người Tây Nguyên không ai lại lấy gỗ hương làm cột nhà, dù Tây nguyên là quê hương của gỗ hương…Tất cả đều có lý do của nó. Gỗ nào vào việc ấy, lim chỉ có thể làm khung tủ, cánh cửa. Cây to thì làm cột đình chùa chứ không ai làm cột nhà.
Từ đó còn có câu “ dụng nhân như dụng mộc” ( dùng người như dùng gỗ, người nào việc nấy)
Bao nhiêu kinh nghiệm sống của dân gian đã mất đi, bao nhiêu kĩ năng sống của người xưa không còn. Và bao nhiêu giá trị bị đảo lộn! Tất nhiên có cái lý của nó, đó là cuộc sống luôn lôi kéo con người theo nó, khám phá và hưởng thụ, nên luôn có sự thay đổi. Còn thay đổi đó hay hay dở thì còn phải bàn. Những công trình kì vĩ như khu đền chùa Tháp Ăng-co của Campuchia và đất nước Cam pu chia như ta thấy hôm nay, rõ rang là về văn hóa và kiến trúc đã có những thay đổi, không phải bao giờ cũng hay lên. Có lẽ cái lý do chính của nó là phù hợp với thời đại con người đang sống.
Những câu chuyện ở trên gợi ý cho ta thấy rằng đừng bao giờ để mất nguồn. Cả cái độc hại cũng cần biết để tránh, đừng giấu diếm, đừng đơn sai, còn cái hay phải ghi nhớ để làm phong phú thêm đời sống của xã hội.
Căn nhà cũ phá đi, đưa cái mới vào nó như là một quy luật sống không thể cản trở. Khi mà chạy theo trào lưu tất nhiên sẽ có cái hay nhưng sẽ không ít rủi ro hệ lụy nếu không cẩn trọng. Nên trong cuộc sống tỉnh táo được chút nào hay chút ấy.Chúng ta đang phá đi rất nhiều giá trị và rước về không ít rác rưởi, trong đó có cả văn hóa, cả giáo dục. Từ một kinh nghiệm sống của tiền nhân người ta rút ra được bao nhiều điều bổ ích! 15/6/2017