Kỉ niệm một mùa thi

Doduc
Câu chuyện này xưa cũ. Xưa cũ vì là câu chuyện của một người già, năm nay đã 73 tuổi kể về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hệ 10 năm. Đó là khoá 1963-1964 của trường cấp 2-3 Đại Từ tỉnh Thái Nguyên khi ấy cả cấp 2 và ba chưa đến vài trăm trò. Cấp ba mới có một lớp duy nhất 39 học sinh. Khóa 1963-1964 là khóa đầu tiên của trường cấp 2-3 huyện.
Khoá ấy đỗ chính thức có 12, vớt 1, tổng số là 13,
Năm ấy chưa thi tốt nghiệp thì học sinh đã bị khủng bố bằng những lời khuyên, đỗ hay không thì các bạn cũng nên về lại nông thôn sản xuất. Nông thôn đang cần những lao động có học vấn để phát triển nông nghiệp.. Đấy cũng là thời gian ngòi lửa chiến tranh hai miền đang sôi sục. Chúng tôi thi xong, chưa cảm bằng tốt nghiệp thì xảy ra vụ mồng năm tháng tám, sự kiện vinh Bắc bộ và vin vào cớ tàu Ma đốc bị tấn công ngoài khơi vịnh Bắc bộ, người Mỹ bắt đầu leo thằng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.
Bây giờ Thông tin về thi cử sôi động chứ thời ấy đến nghe ra-đi-ô còn chưa có, loa công cộng cũng chưa xuất hiện thì sự thiếu thông tin nặng nề như thế nào. Nhưng cũng chẳng ai để ý, vì thói thường khi đã đói nhiều thì người ta cũng ít cảm giác đói, nhu cầu thông tin cũng chẳng có nữa.Mười ba đứa đỗ khoá đó chọn thi đại học theo tiêu chí “ nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa…” để chọn trường. Kết quả là 12 thí sinh tốt nghiệp đều trượt hết, tôi thi tổng hợp Văn thì được giấy báo đỗ sư phạm Vinh. Nhưng thời chiến, một đứa quê mùa ở trung du miền núi thì biết Vinh là đâu, mà tiền đâu đi xe lửa vào Vinh. Vậy coi như kết thúc nghiệp học hành về quê cày ruộng. Duy có người đỗ vớt thấy sức mỏng phận hèn, thi vào Đại học nông nghiệp ở Gia Lâm thì đỗ.Câu chuyện thi tốt nghiệp phổ thong trung học và gối vào Đại học năm 1964 ở quê tôi là thế đấy. Học sinh thời ngu ngơ, không tham vọng lớn nên cũng chẳng thất vọng lớn. Một số sau đó đi học trung cấp nghề, số còn lại đeo đẳng thi lại năm sau rồi tất cả có công có việc hết. Cuộc sống không chỉ có một cơ hội thi duy nhất.Riêng tôi thì về nhà làm nông dân thật sự ba năm, đến năm 1966 mới đi thi vào trung cấp .
Thi tốt nghiệp thời ấy không căng thẳng như bây giờ, không đua chen giắt phao vào người, không gian lận thi cử và cả thi hộ như bây giờ. Cả người đỗ và trượt đều sạch như tờ giấy trắng. Trên nửa thế kỉ trôi qua, ngắm lại chuyện học chuyên thì thời đó, rồi tiếp đến là trên mọi chặng đường đời mới thấy ra rằng, đỗ hay không đó không phải là cái gì ghê gớm lắm. Rồi nhận ra đường đời lắm ngả chứ chẳng chỉ một lối vào đại học là duy nhất.
Hôm nay, 21 tháng 6, ngày nhà báo. Có một số bạn quá khích ở mạng xã hội mắng mỏ nhà báo là bút nô, họ bức xúc vì nhiều vấn đề xã hôi, cho rằng nhà báo lẩn tránh chỉ nói cái tốt và quen thói bưng bô. Tôi nói với họ rằng, người có máu nô tài thì nó hiện ngay trong kết quả công việc dù họ làm bất cứ nghề gì, sao lại chỉ trích nhà báo? Tôi nhắc chuyện này trong lúc ôn lại quá khứ thi cử để muốn nói với các bạn trẻ tuổi đang căm cúi lo lắng việc thi rằng, đời con người cái chính là bản lĩnh. Bản lĩnh sẽ quyết đinh con đường đi tiếp dù đỗ hay không, mà thi chỉ là một thử thách đầu tiên khi bước vào đời chứ kì thi này không phải là tất cả.Tôi sau kì thi đó về nhà cày ruộng vãn nuôi ý chí học hành. Rồi ba năm sau đi học trung cấp, rồi sau đó ra làm việc.Học đại học là theo tại chức. Gian nan vô cùng mà cuối cùng tôi có nghề vẽ, thêm nghề viết văn viết báo tự luyện, trong khi đó mấy bạn cùng lứa vào tổng hợp văn ra trường rồi chẳng thấy tăm hơi đâu trong nghề văn như tôi tưởng. Hóa ra học là một chuyện, còn hành lại là câu chuyện khác. Thực tế có người học nghề này rồi ra trường lại phát vào nghề khác. Điều đó cho thấy thi cử và vào đại học, sự nhầm lẫn vẫn thường xảy ra rất nhiều. Ngay sự ngộ nhận về bằng cấp cũng làm phung phí đi rất nhiều những khả năng có thực ở từng người. Ở góc nhìn của tôi, sự thử thách vào đời lớn hơn kì thi rất nhiều.
Một kỉ niệm nhỏ mà cũng rất xa vời, nhưng về quy luật thì cơ bản so với bây giờ vẫn có điểm giống nhau, nên có thể chia sẻ với các sĩ tử thời nay. Hy vọng cũng có ích phần nào cho các bạn. 21/6/2017