Rõ như ban ngày

doduc
1 – Người ta nói, chỉ đi trong phố là nhìn thấy ngay khả năng quản lý đất nước của chính quyền. Nghe vậy, một người bạn đã từng qua Li-ông, một thành phố miền Nam nước Pháp từng thấy những con phố cổ, những con đường hẹp chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, nền đường đá chẻ , những kẽ đá cỏ ken dày , rễ hút sâu xuống đất, tường nhà thì có loại cỏ giống như dây vẩy ốc bám lên cùng rêu phong thời gian, trông vùa cố kính, vừa thâm u… Anh bạn cười bảo tôi: Như vậy anh thấy gì nhỉ? Có phải là họ không có người quản lý nên nó hoang vắng rêu phong thế chăng?
Anh bảo, chẳng bù cho ta, con đường Âu Cơ bờ đê nườm nượp xe cộ ấy , cứ một hai năm lại có một nhóm công nhân ra đào sạch cỏ cũ vứt đi, loay hoay trồng cỏ mới, mặc dù không cần làm thế, mà chỉ cần máy cắt cỏ lia đi là đẹp lắm rồi. Mấy khi có nệm cỏ dày như thế bám thành đường. Nhưng nhà quản lý của ta không thấy thế, phải mới, phải đẹp theo cách nghĩ của họ cơ. Có trời mà hiểu sao lại thế! Ta-luy xi măng ven vòng hồ Tây, cỏ lên trên kẽ đá kè vừa rợp xanh mát mắt cho người đi dạo thì lập tức có một đội quản lý mang bay ra loay hoay đào tận rễ, cho cỏ vào bao tải chuyển đi, để trơ lại ta luy xi măng trắng mốc phơi nắng giữ nhiệt. Nhìn cách dọn dẹp đó thấy có cái gì dã man và thô bạo. Cây cỏ ven hồ muốn lan tỏa ra thu bớt nhiệt cho dịu không gian hồ cũng không được phép.
Bạn thử đi ngắm xem những hồ mà Hà Nội bỏ ra cả tỉ tấn tiền để bó vỉa làm ta luy. Bắt đầu từ hồ Hale, rồi sang hồ Ngọc Khánh, hồ đống đa khu Thành Công. Người ta trát xi măng dày và kéo cái ta luy thuôn từ bờ xuống lòng hồ đến trên chục mét. Cái bờ hồ xi măng giữ nhiệt cho thành phố đến độ đi lại chân không dép sẽ rát bỏng như trên chảo than mới thấy hãi về “ khoa học bảo vệ “ hồ của thành phố. Trên đó tí rêu cũng không sống nổi. Cái hồ giống như bát nước đặt chông chênh trong khu phố và sau đó thêm hàng rào sắt hoặc cọc bê tông riêm rúa bủa vây. Hồ Tây với những hang rào lan can sắt kiểu nọ kiểu kia thay đi thay lại lien tục thấy tốn không biết cơ man là tiền mà vẫn thô kệch. Giữa thời đại tham những thành đặc trưng quốc gia này, người ta thấy ngay những dự án kè hồ này có vấn đề tát nước theo mưa để rỉa tiền ngân sách hơn là cách làm ăn khoa học.
2 – Đang lan man nghĩ về những cái vô lý trong quản lý, lại nhớ đến những đường phố Hà Nội sao cứ nát bét đào lên chôn xuống cáp điện, cáp viễn thông, đường nước, ống thoát nước… Cứ đào lên lấp xuống liên miên khiến lượng người thất nghiệp giảm xuống vì luôn có công ăn việc làm. Hài quá nhỉ. Kỉ niệm nghìn năm Thăng long, vỉa hè được lát đá xanh nhẵn thín thay cho gạch lát quen thuộc . Tưởng thế là bền vững nhưng chỉ sau thời gian ngắn , chỗ bục chỗ vỡ lại đào lên lát lại. vỉa hè nhiều chỗ nham nhở như khuôn mặt rỗ của người bị bệnh đậu mùa. Mỗi lần thế, đồng tiền ngân sách lại chia sẻ cho thềm đường, lại có công ăn việc làm cho công nhân. Tạo việc cho lao động thành phố tài đến thế là cùng.
Cái lối đào lên lấp lại đã thành bệnh mãn tính đời đời ở xứ ta hay sao. Hiện giờ vào đầu mùa hè năm 2017, vỉa thềm đường quanh hồ Tây phía đường Xuân Diệu rẽ xuống phủ Tây Hồ đẹp sẽ trơn tru với nền gạch ghép đang bị lật lên để lát lại bằng gạch đá xanh. Nhìn công trường bề bộn trong lúc đất nước nợ nan chồng chất thấy điên quá. Dự án này như đẻ ra để moi ngân sách thôi. Tôi cá rằng người lãnh đạo thành phố trước khi duyệt dự án lát lại thềm đường này nếu xuống kiểm tra trước chắc chắn sẽ dừng lại ngay! Nếu rồi đây 16 km thềm đường quanh hồ mà lật gạch lên lát đá lại thì đống tiền sẽ to như trái núi mà thực tế nó chưa cần đến thế!
Ôi , quản lý, quản lý. Câu chuyện nhìn con đường, nhìn phố phường thấy ngay tình trạng đất nước quả là chẳng ngoa tí nào. Thế giới cũng thế, còn ở ta càng rõ. Vâng, rõ như ban ngày!31/5/2017