Mơ ước

Doduc
1 – Ở đời chắc ai cũng có mơ ước: nghèo thì mơ ước làm giàu, thoát nghèo. Trai trẻ mơ có người yêu đẹp, mơ học thành tài, ăn nên làm ra, mơ đi du ngoạn đó đây, mơ ra nước ngoài. Thế giới người ta nói đến giấc mơ Mỹ, và người láng giềng lớn của ta có nêu ra “ giấc mơ Trung Hoa”. Nói chung mơ luôn đi cùng cuộc sống con người, chẳng ai sống mà thiếu mơ ước. Thời cách mạng , trong thơ Tố Hữu còn có ông lão ngồi “ mơ nước nga”, nơi không còn bất công xã hôi…
Xã hội nào thì con người cũng muôn vàn ước mơ, vì ước mơ nó định hình tương lai.
Tuy vậy có mơ ước sát với cuộc sống có thể thành hiện thực , lại cũng có những ước mơ lãng mạn và có cả những giấc mơ hão huyền chẳng bao giờ thành.
.Ca dao xưa từng có những câu lãng mạn bay bổng: “Ươc gì anh lấy được nàng, Hà Nội Nam định dọn đàng đưa dâu”. Nhưng lại có mơ ước khá thực dụng thô thiển“ Ước gì em biến thành trâu, để anh thành chạc xỏ nhau suốt ngày!”. Rồi lại có ước mơ thực dụng nữa “ Người ta đi cấy lấy công. Tôi mơ đi cấy lấy ông chủ nhà”mới hay làm sao!Đó là mơ đổi đời.
2 – mấy chục năm trước qua Ô Quy Hồ, con đèo từ Sapa nối sang Lai Châu, tôi có dịp trò chuyện với một bác công nhân giao thông. Bác bảo, hai năm nữa tôi nghỉ hưu. Chỉ mong lúc ấy thằng con nhớn tôi được thế chỗ, không bị ai tranh mất”. Nghe mơ ước của bác ấy mà suýt rơi nước mắt. Chỉ thấy tội nghiệp đời bố đã phơi nắng suốt cung đường trên hai ki lô mét khơi rãnh duy tu con đường, khổ thế mà lại muốn đời con lặp lại. Nhưng chắc nguyện vọng đó của bác thành hiện thực vì mơ ước ấy không có gì to tát, làm công nhân tu bổ đương chẳng có gì béo bở cả, với lại thực hiện nó nằm trong tầm tay vì bố giữ cung đường ấy mấy chục năm thì đó là cơ sở vững chắc cho ước mơ!…
Mơ ước là một chuyện, còn thực hiện ước mơ khó hơn mơ ước cả ngàn lần. Như trên đã nói, thực hiện được ước mơ thì cần có nền tảng, như cái nhà xây có móng. Nếu thiếu nền tảng thì ước mơ chỉ là ước, là thứ mơ hão.
3 – Đất nước mình là đất nước của mơ ước. Càng nghèo càng nhiều mơ ước!Từ người dân đến những người có vị trí cao hơn đều giống nhau. Cá nhân thì mơ ước giàu có, mà giàu có nhanh càng tốt. Rồi có một mong hai! Lãnh đạo thì mơ ước tiến nhanh , mơ ước đi tắt đón đầu, mơ thành tựu, mơ cái gì cũng phải nhất, mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bây giờ đang mơ thời đại 4T, dù đất nước công nghiệp hóa , hiện đại hóa vào năm 2020 chưa thấy đâu mà thời gian đã sắp cuối đường.
Thường là mơ nhiều hơn làm, nên khá nhiều ước mơ mãi là ước, là hão huyền như mơ Sài Gòn thành Singapo, Hà Nội biến thành Paris chẳng trên cơ sở nào.
Một nhiệm kì 5 năm, mơ chưa tỉnh thì đã hết thời gian. Nhưng giấc mơ dang dở kéo từ hết lớp lãnh đạo này đến lớp lãnh đạo kế tiếp, nhưng mỗi vị một phách, tân quan tân chính sách, nên những giấc mơ của mỗi vị cắt khúc sự phát triển và trở thành vụn vặt.
Tôi mới nghe chuyện về cơ quan cũ: Giám đốc mới lên, ước mơ thay đổi, việc đầu tiên là đổ cả đống tiền thay toàn hộ bàn ghế, toilet thì bệ xí đến bồn rửa mặt cũng đập tất để làm mới phòng giám đốc. Người mới lên muốn điểm xuất phát phải tinh khôi , không vương ám cái gì với người vừa rút lui để tương lai thành đạt hơn, Chả nhẽ làm sếp chỉ mơ ước đến thế?
Bỗng lại nhớ câu thơ của Chế Lan Viên: “ Giấc mơ con đè chết cuộc đời con”sao mà hay đến thế ở xứ sở này! 28/5/2017

  1 comment for “Mơ ước

Comments are closed.