Doduc
Nói đến tuổi thọ, có lẽ người ta hay nhớ đến loài cây, nào cây Tùng nghìn năm ở Yên Tử, cây chò xanh ngàn năm rừng Cúc phương, rồi rặng duối buộc voi ở lăng Ngô Quyền Sơn Tây gốc to mấy người ôm thì lịch sử của duối cũng dài thườn thượt!
Nhưng rồi đến lúc nào đó cây cũng đổ. Cây nào thì cũng có tuổi thọ nhất định, không có cây vĩnh viễn ngàn vạn năm.Tôi đã thấy một cây duối to chết tròng (*)ở khu lăng Ngô Quyền mà gốc vấn chắc nguyên. Khi cưa gốc hạ cây thì hóa ra cây rỗng, lõi bị tiêu hủy, chỉ còn phần rác bên ngoài. Không còn căn cốt, cây không thể sống được!
Tôi nghe củ đinh lăng chừng 7 đến 8 năm thì ngâm rượu làm thuốc rất tốt, nhưng qua tuổi đó, thì chất lượng xuống dần . Gốc đinh lăng vài chục năm thì củ cũng tự tiêu, chỉ còn như đoạn rễ mục.
Giống như con người, cây cũng có thời của mình, có cây tuổi thọ cao kéo dài nghìn năm, có cây vài trăm năm. Mỗi loại cây có phẩm chất khác nhau. Làm cột đình chùa thì đinh lim sến táu, còn làm củi chỉ cần gỗ tạp. Hai thứ chẳng hoán đổi cho nhau được. Từ quan sát đó liên tưởng về xã hội, người xưa nói “dụng nhân như dụng mộc” là thế.
Quan sát thảm rừng có cỏ, có loại thảo mộc, loại dây leo và có đại thụ. Cỏ trăm loài, dây leo trăm thứ thì cây cũng vậy. Gỗ có nhóm tứ thiết bền như sắt thép, có nhóm gỗ hương vân kì ảo dậy mùi thơm và cũng có nhóm ba nhóm bốn gỗ tạp. Người ba đấng, của ba loài. Quan sát thảm rừng thiên nhiên rồi đem áp với cuộc sống loài người cùng vạn vật người ta thấy ngay nét tương đồng, có sinh diệt, có bền vững và mong manh như một quy luật.
Và cỏ không thể tiến hóa thành cây, còn cây thì lúc xuất hiện có thể giống như cỏ, nhưng rồi nó không bao giờ là cỏ cả, dãi dầu mà không bị chết trong đám cỏ rồi vẫn vươn thành cây.
2 – Bạn tôi kể : hồi bé vẫn chơi ở cây duối cổ thụ đầu làng gốc to mấy người ôm. Rồi một mầm bồ để xuất hiện bên cạnh. Duối già vẫn vô tư đón nắng, bồ đề trẻ nép dưới chân khiêm nhường. Hai cá thể như hàng xóm kề vai nhưng rồi cây trẻ lớn nhanh hơn duối già…Mấy chục năm sau, rễ nó bung ra quấn lấy gốc duối, và rồi duối già qua đời vì rễ bồ đề bám chặt, duối mất nước sống mòn rồi cũng ra đi, quy luật tự nhiên nó thế.
Tôi từng chứng kiến “ cây đa thùng rượu” từ thời kháng Pháp bên lề đường Thái Nguyên – Đại từ, bị một cây duối bóp chết sau nhiều năm, bằng bộ rễ quấn chặt quanh gốc. Chỉ có điều khi đa chết khô, trẻ trâu cho mồi lửa, đa cháy ngún cả tuần, khi đa đổ thì duối cũng đổ theo vì nó chưa đủ sức sống một mình.
Cuộc sống loài vật có giống bọ chó cũng vậy. Chúng ẩn trên lưng chó hút máu, nhưng chó chết thì bọ chó cũng hết đời. Những lòai rệp kí sinh trên lá cũng vậy, khi cây bị chặt gốc, lá héo đi thì rệp hết sống. Loài kiến sống bằng phân rệp thải ra cũng phải bán xới vì không còn cái ăn, có khi cũng chấm dứt tuổi thọ luôn.Thiên nhiên thật kì thú nếu ta chịu khó quan sát thì cũng đọc được ở đấy bao điều hay , và sẽ nhận ra vạn vật đều có tuổi thanh xuân hay nhất, có cái già hay nhưng có cái già hỏng. Thật đời không biết đâu mà lần.
Và không có muôn năm đâu!
9/4/2017
(*) chết tròng: phương ngữ Bắc bộ, có nghĩa là cây chết đứng