Cảm ơn

Doduc
Câu chuyện về hai từ “Cảm ơn” tôi nghe từ một sinh viên mĩ thuật tại Melboune kể lạị trong một hội thảo bàn về mối quan hệ giữa con người với nhau…
Một sinh viên Mĩ trong lần gặp gỡ trò chuyện với thổ dân Úc, thì được ông già cho biết: Trong ngôn ngữ thổ dân không có hai từ cảm ơn. Xưa nay cho nhau gì, giúp nhau gì như lẽ thường phải thế. Cộng đồng họ làm cho nhau như công việc hàng ngày, thiếu thì lấy ăn, lấy đủ dùng. Đỡ nhau công việc như một việc cần làm, như lẽ thường ở đời, như máu cháy trong huyết quản. Sao phải cảm ơn.
Có lần về quê tôi nghe kể: em anh bạn tôi có con cấp cứu mổ ruột thừa. Tình thế cấp bách, anh đi một cuốc xe liên tỉnh lên nhà anh giai vay tiền chữa cho con. Xong việc, tháng sau chú ấy mang tiền xuống trả như hẹn, nhưng không biết nói lời cảm ơn. Có người biết vậy chê trách thì người anh bảo; chú ấy nhà quê, nhà quê không có thói quen nói cảm ơn, trách làm gì…
Hai từ cảm ơn vào nước ta từ bao giờ, hai chữ ‘tri ân” của Hán học khá gần nghĩa với cảm ơn xuất hiện từ bao giờ, có niên đại không, có nhà ngôn ngữ nào nghiên cứu không.
Cuộc trao đổi về từ “cảm ơn” dưới mái trường đại học nọ trở nên sôi nổi. Người cho đó là văn minh. Là sự trọng thị với người quanh mình. Người thì bảo đó là kết quả của cái “ tôi” xuất hiện. Cái “ tôi”muốn người khác đề cao mình nên thấy cần “ cảm ơn” để tôn vinh nhau, người phải cảm ơn ở vị trí lép hơn, chú cuộc sống giúp nhau, làm cho nhau, người mạnh bênh kẻ yếu, người thừa cho người thiếu như một lẽ thường ở đời, sao phải cảm ơn? Vậy hai chữ “cảm ơn” không phải là dấu hiệu tốt , mà là sự tụt lùi trong mối quan hệ con người với nhau. Ngẫm thấy có cái đúng. Tôi nhớ khi còn bé, lớp cha chú khi nói về công bằng xã hội rất hay nhắc đến thời Nghiêu Thuấn Vũ bên Trung Hoa cổ đại với mong muốn bình dị , bình đẳng bình quyền. Ngày ấy Vua Thuấn bắt voi đi cày lấy hạt gạo ăn, vua Vũ cùng dân đi trị thủy, người gày giơ xương đen đúa vì thiếu ăn… như những tấm gương để mọi người noi theo.
Thì ra phân tích ngôn ngữ người ta thấy ngay con người một thời đã sống, đã hành xử thế nào. Con người từ xa xưa, sống theo tự nhiên, nương theo tự nhiên, ứng xử với nhau như tự nhiên, thật tốt đẹp biết bao. Thời ấy người ta coi của cải trên đời do tay mình làm ra nhưng là thứ trời cho. Trời cho thì được, còn trời không cho thì phải chịu.
Mái trường tạo hình, nhưng bàn đến ngôn ngữ ứng xử , người ta muốn sinh viên nhìn vào tận đáy sâu của cuộc sống để tìm ra giá trị xác thực …Điều đó sẽ giúp cho người sáng tác sẽ đi đến những tác phẩm có tính nhân văn cao dâng hiến cho nhân loại.
Giáo dục phải chăng là như vậy?
Hai từ “ cảm ơn” hoá là câu chuyện dài. Nó không phải đơn giản về quan hệ giao tiếp, mà đích thị là vấn đề lớn của nhân loại về chuyện ứng xử giao tiếp, mà bàn về nó đã đâu dễ thống nhất. Về văn hóa, người ta thường nghiêng về thời chưa có hai từ ấy, nhưng con người đã đi quá xa để có thể quay lại nhận ra từ cảm ơn xa lạ trong giao tiếp cộng đồng…Bởi hai từ cảm ơn đã “ lộng quyền” từ lâu. 5/4/2017

Post navigation