doduc
Năm nay mưa lụt lu bù, trong đó miền Trung bị nặng nhất. Tội trạng được quy cho thủy điện. Kể cũng chẳng oan chút nào. Với rẻo đất bề rộng có chỗ chỉ 50 ki lô mét mà một dòng sông cắt khúc đến mấy cái thủy điện. Câu chuyện thủy điện phát triển ồn ào trong thập kỉ qua như cơn mộng du trên khắp đất nước, thách thức mọi sự cảnh báo của các nhà khoa học và không quan tâm đến sự an toàn của người dân. Cái gọi là làm thủy điện để điều hòa nguồn nước thực ra chỉ là ngụy biện. Bây giờ, rừng đầu nguồn bị phá tan nát, giá có phá đập đi trả lại dòng sông cho thiên nhiên thì cũng phải bao nhiêu năm nữa mới rừng đầu nguồn mới phục hồi được…
Tôi nhớ lại cách đây trên 10 năm lên Sàng Ma Sáo, một xã giáp biên với Trung Quốc, ở huyện Bát Xát, Lao Cai. Người dẫn đường ngửa cố chỉ một dãy núi cao chất ngất trước măt bảo: Đường đi hơi khó, nhưng lên được thì sẽ thấy nhiều cái hay…
Đường dây diều. Trong nắng ban mai, Đứng dưới suối Mường Hum ngửa mặt nhìn lên, thì ngay từ chân dốc những làn sóng ruộng bậc thang trên cao sóng sánh nước như muôn vàn miếng gương nhỏ đang chuyển động trên cao. Đang mùa nước đổ. Đi non buổi sáng thì những chùm ruộng bậc thang ở trên trán ban sáng thì nay nó đã dưới chân mình. Nước róc rách tràn theo các ống dẫn từ ruộng bậc thang trên xuống ruộng bậc thang dưới, giữ cho bình độ nước luôn bảo đảm đủ cho cây lúa mà không phá bờ.
Nhưng cái đáng nói ở đây là nước cho ruộng được chảy từ trong rừng đại ngàn trên đỉnh núi chảy xuống, kể cả mùa đông khô hạn những mạch nước từ bên vách núi vẫn tuôn chảy, dù ít hơn mùa mưa. Trước đây, lụt trong những ngày mưa dài thì có nhưng nước lên từ từ. Còn lũ thì không ào ạt như hiện nay. Rừng đầu nguồn, cây rừng dày đặc và thảm cỏ trên mặt rừng và lớp mùn dày làm cho khả năng giữ nước tuyệt vời.
Dân sở tại là sống cùng thiên nhiên, còn người làm thủy điện thì đâu phải dân sở tại… Họ đâu có sống cùng thiên nhiên mà là đến để khai thác thiên nhiên, bắt thiên nhiên đẻ ra tiền. Sông suối bị cưỡng chế cho thủy điện, rừng bị cưỡng chế làm lòng hồ chứa nước, cây bị khai thác…Thảm họa thiên nhiên xảy ra là chuyện có thể hiểu được.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, lẽ đời là thế. Nhưng ở đây gánh hạn rừng lại là người sở tại. Rưng rưng nước mắt nào họ có được ăn. Người ta ăn ốc, còn dân sở tại đổ vỏ! Chỉ như ở Sảng Ma Sáo, người ta sống cùng rừng, người ta không băm nát các dòng chảy để be bờ đáp đập thủy điện, con người và thiên nhiên cùng được hưởng sự yên bình bên nhau.
Tôi thương rừng núi, thấy không thể cứ mãi khai thác thiên nhiên dã man như thế này mãi được. Mà liệu còn bao nhiêu sông suối chưa ngăn? 15/11/2016