( Bài viết từ 5 năm trước mà còn nóng hổi / sự thối nát đang bày trước của ngõ các quan chức)
doduc
1- Trận gió mùa vô duyên và cái lạnh tàn bạo vào ngày cuối năm này chẳng báo điềm gì tốt lành cả. nó lại cứ rấm ra rấm rứt rồi lại còn cặp kè với cái giá tê buốt khiến người ta không thể bước ra khỏi nhà..
Nằm nhà. Đóng kín cửa kính chớp. Tối om. Nghe tiếng nước giọt ranh lộp bộp triền miên tự nhiên nhớ rừng Bắc Sơn. Khi ấy lớp học chúng tôi sơ tán giữa rừng. Những cơn mưa rừng thời ấy cũng thế này, mưa kèm theo lạnh thấu da, những giọt mưa dày và nặng kiên nhẫn xuyên qua tầng lá rừng ngày này qua ngày khác thối cả nền rừng.
Đã thế, từ căn nhà hàng xóm một bài hát thời chiến tranh bỗng cất lên:“ Có những ngày vui sao cả nước lên đường … xao xuyến bờ tre …từng hồi trống giục…”. Giọng thì khê nồng ngả sang nhạc vàng như đấm vào tai. Tôi run người, bài hát này làm tôi càng nhớ tới rừng Bắc Sơn xưa. Bài hát của một thời chiến tranh.
Nhưng giây lát tôi mỉm cười trong bóng tối như thằng dở hơi. Cái cười có vị lá sung. Vâng những ngày ấy, từng đoàn quân ra ngày ngày ra trận. Tôi nhớ lại khi bé tôi bị thương tât ở chân, nên thằng em trai tôi thay thế. Nhưng khốn nỗi nó chỉ nặng có 38 cân cả phụ tùng. Lần đầu khám xong thì được trả về ngay nhưng lần sau đoàn tuyển quân nghe thấy tiếng ganh tị là nhà chưa có ai nhập ngũ, thế là sơ tuyển ở xã dù thiếu cân vẫn lôi tuốt lên huyện. Được một ngày cu cậu bị đưổi về vì không đủ tiêu chuẩn. Chú ấy khóc rấm rứt vì không được nhập ngũ…Thế mà đã thống nhất 37 năm rồi, một phần ba thế kỉ, vâng, những năm cả nước lên đường. Những đoàn quân xuất phát khắp nơi, đông nhất từ các vùng nông thôn..
2- Hòa bình rồi, vui qúa, lúi húi làm ăn, con cái lớn lúc nào không biết, Ngày trước mình leo mãi mới hết cấp ba, còn bây giờ thoáng cái đã thấy chúng lừng lững trước mặt. Bố mẹ thì teo tóp đi, nhường cái phổng phao cho chúng. Tôi hỏi một ông bạn Thứ trưởng, con cái thế nào, thấy ông cười vui bả lả, xong cả rồi, thằng cả học bên Anh bây giờ làm cho một công ti bên ấy. Còn con út xong cao học thì lấy chồng ở luôn bên Thụy sĩ. Vợ chồng mình bây giờ thành son rỗi. Tôi ngỡ ngàng về kì tích của ông bạn thì ông đưa ra cả một danh sách bạn hữu có cấp trên có, cấp dưới có, cấp tỉnh cả xâu, đứa thì Ha-vớt , đứa thì Xoocbon, mấy vị lèng nhèng thì bên Úc, bên Canada hoặc Niu dilân. Hóa ra hòa bình, người lính về quê cuốc đất và một loạt lứa con cái lại tiếp tục lên đường. Chỉ có điều nhiều đứa không phải là con những người lính chiến trường. Đi lần này thì chúng lặng lẽ, không làm xao xuyến bờ tre và không bồi hồi trống giục. Một đội quân từ cấp tỉnh lên trung ương có đến cả vạn…đi theo lối đặc công, ngựa tháo lục lạc, người miệng ngậm tăm hành tiến.
Bài hát ngêu ngao của cậu hang xóm thành ra như lời chế giễu một thực tại chát lè. Tôi nằm nghe cái giọng líu lô, hát phô đến từng từ mà lòng lúc thì buồn tênh, lúc thì cào xé. Lại nhớ ở quê, thằng bạn cả đàn con, cởi áo lính, có nhõn một đứa vào được đến Đại học Y. ra trường vội xin về bệnh viện huyện làm không công, nhăm nhe cho tương lại một suất hợp đồng cũng không xong, dù bệnh viện đang thiếu bác sĩ. Những nơi xó xỉnh thế mà đã có người xí chỗ.
Văng vẳng đâu đó câu nói trong vắt, phấn đấu cho một xã hội công bằng dân chủ văn minh bảng lảng như làn sương mỏng trong ban mai…
Đến bao giờ cơn mưa này dứt…7/11/2011