Doduc
1 – Tôi có người bạn gái, nói tiếng Hà Nội khá chuẩn. Một thời gian sau mới biết hóa cô là dân Nghệ, khi bất ngờ gặp cô ấy trò chuyện với người cùng quê trở lại giọng nói và ngôn ngữ xứ Nghệ. Cũng như trong Tây Du kí, Tôn ngộ không có 72 phép biến hóa mà không giấu nổi cái đuôi.
Nhưng rồi lại lần nữa tôi bị bất ngờ khi biết gốc gác ba bốn đời trước cô ấy là người cùng quê Bắc Ninh, đời cụ kỵ tha hương vào xứ Nghệ và giờ anh chị em con cháu chắt, nói tiếng Nghệ. Vùng đất ở đã tặng cho thế hệ tiếp nối giọng nói và cả phong tục cùng phương ngữ ở nơi đó.
Ngạn ngữ Việt có câu “ Đất lề quê thói”, người Nghệ rời quê ra ngoài luôn bao bọc che chắn cho nhau. Cô làm nhân sự, tuyển người cũng luôn hướng ưu tiên cho đồng hương xứ Nghệ. Đó là văn hóa vùng mà cô tiếp thu từ mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên. Đất nào văn hóa ấy. Giống như trong cổ sử phương Bắc, Án Anh người nước Tề tranh biện với vua Tần, bảo “ Tôi nghe quýt giang Nam ngọt, nhưng đem trồng trên giang Bắc thì chua…Đó là tại thổ ngơi”.
Hồi còn sinh viên, đi thực tập ở Bắc Sơn, tôi ở trọ nhà anh Nguyễn Văn Quyển, vợ anh và con trai con gái đều không biết tiếng Kinh, còn anh nói tiếng kinh ngọng nghịu.
Tôi bảo: người Tày không có họ Nguyễn, anh không phải Tày. Nghe nói thế nét anh mặt anh chùng xuống “ Chú đoán đúng, anh người Kinh, quê ở làng Chờ, nhưng giờ cũng chẳng biết làng Chờ ở đâu nữa”.
Tôi bảo anh Chờ Chũ là đất bắc Giang, anh thử hỏi xem.
Thì ra năm đói 45 bố dắt anh đi ăn xin, dạt vào đất này, tá túc tại một gia đình Tày. Năm sau, qua cơn khốn quẫn, ông gửi con lại, rồi tìm đường về quê xem gia đình còn ai rồi sẽ quay lại đón con. Nhưng rồi về đến nhà ông lâm bệnh chết. Thế là đứa con 6 tuổi không biết quê đâu. Anh lớn lên tại gia đình này và rồi được ông bố nuôi gả con gái cho. Thế là anh thành người Tày và con cái giờ là người Tày dù mang họ Nguyễn!
Sau câu phán đoán của tôi, khi kết thúc chiến tranh, anh tìm về làng và gặp lại được họ hàng,nối lại được gốc gác!.
Lên miền núi giờ tôi vẫn gặp rất nhiều người họ Nguyễn là người Tày gốc Kinh. Có người trôi giạt, nhưng có người là “Tày lưu quan”. Tiền nhân xưa gốc gác Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định… được vua bổ nhiệm ra vùng biên ải rồi sinh con đẻ cái lưu lại đó, thành thổ dân và sống theo ngôn ngữ văn hóa cộng đồng nơi đó..
Trong gia phả của dòng họ Đỗ ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), có ghi vắn tắt mấy chục đời trước có một chi lên di chuyển Cao Bằng. Chỉ có chi tiết ấy thôi. Vậy mà một lần công tác Cao Bằng, đi về phía đông nam thị xã, cách chừng 4 cây số, tôi bắt gặp một làng Tày có hàng trăm hộ cùng một họ Đỗ! Chắc chắn là chi họ của dòng họ làng tôi nhưng nay đã thành người Tày. Gía có gia phả thì chắc đã có thể nhận nhau!
Những ví dụ như trên rất nhiều .
2 – Bạn ghé làng Cổ Nhuế ở Hà Nội, bạn lên Sơn Tây sẽ nghe được những giọng rất nhẹ, hầu như mất dấu hoặc sai dấu với tiếng Hà Nội. ví dụ : “ Mua đi, háng này háng mẹ, háng này háng con , háng nào cũng ngon, ăn háng nào cũng được” ( mua đi, hàng này hàng mẹ, hàng này hàng con, hàng nào cũng ngon, ăn hàng nào cũng được).
Cùng một đất, chỉ cách nhau một con đường mà rất nhiều làng giọng nói khác nhau, hỏi thì người ta bảo do nguồn nước , uống nguồn nước ấy nên cả làng nói thế. Bây giờ có nước máy, dùng như nhau nhưng dân Cổ Nhuế có thay đổi âm sắc giọng nói đâu!Vẫn giữ mãi cái gốc Chăm của họ dù giấy tờ hành chính khai người Kinh! Ngôn ngữ, giọng nói, thói quen là thứ văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của một dân tộc, dù khai lý lịch là người Kinh, nhưng sâu thẳm xưa vẫn là một hệ gene khác.
Hà Nội bây giờ có biết bao nhiêu người con xứ Thanh Nghệ nhưng nói sõi tiếng Hà Nôi. Những ai sinh ở Hà Nội thì đều không còn nói tiếng Nghệ nữa vì được tiếp thu văn hóa của mội trường khác. Cũng như vậy, tôi gặp lại một số bạn bè vào Nam sau ngày thống nhất, giờ nhiều người nói pha dần tiếng Sài Gòn. Còn con cái thì đặc âm sắc ngôn ngữ vùng trong.
Hôm tôi vào Sài gòn chơi với một anh bạn có cái tên kèm biệt hiệu là “Tuấn lịch sự”. ngồi một lúc, thấy anh lên tiếng gọi con giai ở trong nhà ra, bảo có bác Đức đến chơi, con ra chào bác. Một lúc sau, anh con ra, cao to lừng lững, râu ria áp đảo, cậu bước ra khoanh tay trước mặt tôi lễ phép “ Con chào chú ạ”, khiến tôi lung túng không biết nói thế nào. Sau đúng như tôi phán đoán, anh là người gốc thành Nam mới vào trong đó, và vẫn giữ nếp nhà.
Câu chuyện văn hóa đan xen như vậy nên việc người ta hay chê nhau vùng miền, đôi khi lại chính là bỉ bác tiền nhân mình. Vùng miền phân chia hành chính thời Pháp : Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ để cai quản chỉ có nghĩa hành chính thì giờ đôi khi thành thứ kì thị nhau kể cũng là lạ lắm. Mà cái gốc móc mói chính là đặc tính văn hóa, phương ngữ vùng miền, là quà tặng của vùng đất mà người được sinh ra và lớn lên ở đó, nó có tội tình gì đâu!.
Ngẫm vậy mới thấy truyện cổ tích cha ông ngày xưa để lại thật sâu sắc: tất cả các dân tộc là anh em, sinh ra trong một quả bầu.Đó là sự giáo huấn có chủ đích và có nguồn gốc của nó.
Riêng tôi nghĩ, văn hóa là quà tặng của một vùng đất, nên văn hóa của bất kì tộc người nào cũng đáng trân trọng.
Tôi lại nghĩ không có văn hóa nào tiến bộ hay lạc hậu. Chỉ có ở dân tộc này phát triển, ở dân tộc kia chậm phát triển do nhiều yếu tố thuận lợi hoặc cản trở, trong đó có điều kiện thiên nhiên và các yếu tố khách quan khác từ xa xưa để lại đã tác động và gây ảnh hưởng vào tộc người đó.
Mỗi vùng đất đều có chứa đựng những giá trị để góp phần hình thành lối sống của con người trên đó, làm nên văn hiến quốc gia, đó là cái đáng trọng nhất. Con người hãy biết nắm lấy tay nhau thì sẽ tìm được hơi ấm để phát triển. Chắc chắn Là như vậy. 3/1/2015