Dong ngan
Nhớ lại tết xưa, cứ nhằm từ 23 tháng chạp là tiếng quạ kêu oàng oạc, quạ khoang, quạ đen bay vắt bụi tre này sang bụi tre khác trong xóm ngoài làng, ngó nghiêng, ngóng xuống từng nhà mổ lợn để kiếm tí mỡ chài , mẩu lòng vụn. Qụa cũng có những ngày tết đúng nghĩa của nó: có món tươi, no nê mấy ngày, dù chỉ là nhặt nhạnh.
Những năm trời ấm thì có nhà vẫn tranh thủ đổ ải, bắt nước vào những chân ruộng cao, cấy vội cho mạ ấm chân trước tết thì mới yên mà ăn tết! Lúc này nhiều nhà nhà chăm lo vào lá dong, củi gộc chuẩn bị nồi bánh chưng cho ngày tất niên nên nước nôi đỡ bị tranh giành. Những con chìa vôi, từng đàn sáo thấy mặt ruộng sóng sánh nước thì bay về sà xuống nhặt con dế, con cập cậy con nhện và các loài sâu bọ chui lên khi sặc nước. No ơi là no. Chúng cũng có những ngày tết no nê cùng với con người.
Bố tôi chuẩn bị thịt lợn, nhưng thường là vào hai tám tết cơ.
Ngày ấy, lợn chăn thân chuối băm với ít cám. Ăn chẳng có gì nên có con nuôi cả năm chỉ còi cọc vài ba chục cân. Gía như ngày nay, con lợn ấy có giá phải biết. Nhưng thời mới hòa bình lập lại thì bố chỉ biết than thở, nuôi cả năm ba chục kí là lợn sán mới thế.
Những năm ấy chưa ai biết bao cấp là gì, Tem phiếu là sáng kiến đẻ ra trong những năm đánh nhau với Mĩ. Còn trước đó thì dân chỉ có trách nhiệm đóng thuế nông nghiệp, giết trâu bò lợn thì nộp thuế sát sinh. Ngưồn thu của Chính phủ có nhõn mấy thứ. Chính quyền và dân, thân ai nấy lo. Cán bộ xã không có lương, chẳng biết nhà nước trợ cấp bằng gì , nhưng khối xã chỉ dăm mống chứ không hàng đàn hàng lũ ban ngành lên hàng trăm người như bây giờ. Khi ấy chính quyền với dân gần nhau nhưng đều nghèo rơi nghèo vãi. Đến rau muống cho bữa ăn cũng còn tiềm tiệm, lấy gì mà đầy bùn đầy vữa như ngày nay!
Những năm ấy chờ mãi mới thấy tết. Mỗi cái tết cách nhau đến hàng mấy năm hay sao í. Chả bù bây giờ vèo cái đã tết. Người già thấy tết mau hơn trẻ thơ mấy lần.
Tết ở thôn quê là lcủa trẻ thơ mới đúng. Mỗi đứa trẻ thế nào được mẹ may cho bộ quần áo mới. Chưa đến tết là chưa có! Ngày trước ai cũng chỉ hai bộ quần áo. Bộ này thay giặt thì mặc bộ khác. Chẳng như bây giờ, có người mặc chục năm mà áo không sờn cổ, hỏi ra năm mặc có hai ba lần , còn thay áo khác.
Quay lại chuyện tết.
Hai tám tết, con lợn mổ ra thì ăn bộ lòng, cái thủ, chân giò, lá mỡ rán cất đi dự trữ được mấy tháng xào rau. Thịt pha ra lấy ít nạc vai ướp nhân bánh chưng, còn lại cắt miếng cho vào chum ướp muối để dành cho cả năm. Miếng thịt ngày đó hiếm nên mùi thơm nó cũng kéo dài hơn hôm nay. Tất nhiên lúc ấy không ai viết nó là “ thịt sạch”. Khi nghèo cái gì cũng sạch, thịt sach, rau sạch, gạo sạch, hoa quả thực phẩm toàn sạch. Tinh thần con người cũng sạch nốt! Mãi sau những năm sáu mươi thì những phuy DDT sữa dùng phun trừ sâu mới thấy lăn về thôn xóm. DDT là thuốc độc đầu bảng. Lúc ấy nó là quả bom hạt nhân với các loài sâu bọ. Thày thuốc trên cánh đồng là đàn sáo mất dần vai trò… Giống như ngày nay có cày bừa máy thì con trâu mất vị trí đầu cơ nghiệp .
Con người đi một chặng đường dài tìm cách tăng trọng lợn cùng tăng sản lượng các loại lương thực, phát triển đủ thứ cho năng suất cao… Để rồi hôm nay bối rối với các loại thực phẩm bẩn tấn công vào sức khỏe của mọi người. Của đáng tội, khoa học kĩ thuật đâu có lỗi. Lỗi ở sự lạm dụng đến thái quá. Trên đời các cụ tổng kết bằng bốn chữ “ thái quá bất cập”. Sự lạm dụng bây giờ trên đủ phương diện từ chính trị đến khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, nhiều cái đi quá giới hạn. Hỏi thế nào là quá giới hạn? Cái gì bắt đầu tác hại đến con người, làm cho người ta sống không yên là quá giới hạn chứ còn gì nữa!
Có lẽ đã đến lúc hình thành một thành ngữ mới, thành ngữ của thế kỉ 21: “ đói quá chết/ no quá cũng chết/ vừa đủ thì sống”.
Nhớ lại hay ngoái lại quá khứ là việc cần lắm. Có người bảo khi sống với kí ức thì con người đã chết. Cái đó đúng nhưng đúng với người chỉ sống với nó. Còn kí ức chính là sự nhắc nhở tươi rói để con người điều chỉnh cuộc sống hôm nay. Mất quá khứ thì còn gì để so, để rút kinh nghiệm, để thấy cái sai mà tránh vấp lại những lỗi lầm đã mắc ở quá khứ. Mất quá khứ, khi ấy con người sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.
Mỗi năm. Cứ giáp tết ai cũng thời gian chững lại. Thời gian chầm chậm thì con người có dịp ngoái nhìn quá khứ. Tết là ngày “ vọng” của năm. Nhớ một lần được nghe ông Vũ Kì nói cụ Hồ giảng giải về việc thắp hương mồng một và ngày rằm. Cụ bảo “đó là sóc và vọng. Sóc là ngày đầu tháng, thắp nén nhang cắm vào bát hương để định việc trong tháng. Còn ngày rằm giữa tháng là ngày nhìn lại những gì làm được từ đầu tháng đến giờ để tính hoàn thành nốt phần còn lại”. Cụ Hồ lý giải với tinh thần cách mạng, nhưng ta hiểu rằng cái ý đó rất hay. Năm có cái tết chính là ngày vọng để cùng nhau nhìn lại thành quả năm qua, hoạch định cho công việc năm tới , cần lắm chứ.
Nhớ…
Những ngày cuối năm này mỗi người đều có nỗi nhớ của mình, nhớ cái mình quan tâm nhất cho một năm mới tới vun vén cho thêm đầy để năm sau lại vọng
thấy cuộc sống thêm ý nghĩa đáng sống. 16/1/2016