Lập trình

dongngan
Tôi dùng cái máy ảnh Sony 717 trông giống khẩu súng được hơn 3 năm thì đứt cáp thẻ. Nghĩa là máy vẫn hoạt động, nhưng thẻ không ghi nhận được hình ảnh mã hóa.
Thợ giỏi đã cố gắng tìm cáp mới thay cho nhưng rồi chả được bao lâu lại đứt nữa. Đến lần này thì bó tay bởi mẫu hàng ấy “nó” đã ngừng sản xuất. Cậu chữa máy ảnh ở phố Hàng Mắm (Hà Nội) bảo rằng máy móc nó lập trình cả rồi, chụp ngần ấy kiểu thì cáp phải đứt, thế nó mới bán được hàng. Nếu cứ nồi đồng cối đá như hàng Liên Xô hồi xưa thì nó còn xơ múi gì.
Thì ra hàng hóa là vậy, hàng dùng mãi cũng tới thời khắc “hóa”. Sản xuất hàng đã được lập trình, hàng phải có thời hạn chết (date). Thời này không có đồ dùng kiểu ăn chắc mặc bền như hồi bao cấp, dùng vô biên, dùng mãi cho đến tàn tạ. Cho nên những mẫu mã hàng hóa của các nước công nghiệp phát triển thay đổi xoành xoạch. Những mặt hàng thời thượng như máy ảnh, điện thoại di động hầu như tháng nào cũng thêm mẫu mới. Hàng cũ thì liên tục giảm giá. Đó là quy luật, là kinh tế thị trường.
Hàng hóa là thứ tiêu dùng, hàng cũ hỏng là để cho mẫu mới ra đời. Cái đó con người chủ động tác động vào được. Hình thức của hàng hóa làm cho bộ mặt xã hội thay đổi, đó là xã hội đang sống, mà con người là tác nhân góp vào sự thay đổi ấy, giống như một dòng chảy nhiều màu sắc. Dòng sông dòng suối cũng luôn thay đổi nữa là, chỉ con người thờ ơ không nhận ra thôi.
Cho nên không khí của thời kinh tế thị trường luôn luôn sôi động sáng tạo, con người cũng vì thế mà tăng tốc trong tư duy và lao động, tăng thu nhập cũng là tăng sự đòi hỏi nhu cầu trong cuộc sống. Bây giờ chi phí sử dụng cho một thành viên trong đời sống bình thường bằng chi phí cho cả nhà bốn năm miệng ăn thời bao cấp. Hồi đất nước mới thống nhất, vào miền Nam thấy cuộc sống náo nhiệt, con người quay như chong chóng với công việc, còn ngoài Bắc thì khá im lìm theo lối sống chầm chậm đồng quê. Kinh tế thị trường miền Nam lúc ấy đi trước miền Bắc cả mấy chục lần.
Hàng hóa là thế. Con người cũng vậy. Tạo hóa huyền bí hình như cũng lập trình cho mỗi số phận. Tuổi tác chẳng hạn, có người đói no thất thường vẫn sống cả trăm tuổi; có người giàu sang, ăn uống dư thừa, lên xe xuống ngựa, nhà lầu xe hơi sướng hết chỗ nói nhưng rồi vẫn lăn đùng chết trẻ để lại núi của chưa kịp dùng bao nhiêu. Muốn sống dai hoặc chết nhanh cũng đâu có dễ. Chẳng ai có thể nằm ngoài quy luật. Mọi thay đổi, đào thải là do quy luật nó lập trình, vậy nên đâu phải cái gì cũ kỹ muốn tồn tại thì sẽ tồn tại mãi được.
Đỗ Đức