Kiến và rệp

doduc
1 – Các nhà sinh học từ lâu phát hiện ra một loại kiến đen chăn rệp rất cần mẫn. Có nhẽ nó yêu rệp hơn cả nòi giống nó. Trời sắp mưa, sắp có có bão lũ, ngoài viêc ôm phôi trứng về nơi trú ẩn đẻ giữ nói giống thì việc trước tiên nó mang rệp mới nở, trứng rệp và cõng cả con rệp già đi trú ở nơi an toàn trước. Tốt quá phải không.
Không họ hàng hang hốc mà được đối xử thế, con rệp yếu mềm yên tâm được an toàn, không cần cố gắng để trở nên rắn rỏi, nó cứ sống tự tại cho đến khi lìa đời.
Một ngày kia, người nghiên cứu chỉ ra, con rệp hút thức ăn từ chất diệp lục trong lá cây, thải ra một loại phân mà kiến đen đặc biệt thích. Họ nhà kiến đen sống bằng thứ đó, chúng ăn phân rệp. Hóa ra rệp là cỗ máy sản xuất thức ăn cho chúng, không có rệp thì chúng chết quay lơ. Điều đó cắt nghĩa cho việc rệp được kiến bảo vệ hơn nòi giống chúng là do chúng cần chất thải kia chứ kiến yêu quí gì con rệp, và rệp đâu phải cha mẹ chúng. Chúng đã sống cộng sinh với nhau: có rệp thì có kiến, có kiến thì có rệp.
Đó là lối sống cộng sinh. Lối cộng sinh này đang rất phát triển ở Việt Nam. Và ở ta người biến thành kiến và thành rệp nhiều vô thiên lủng. Đó là giai đoạn xã hội mắc lỗi về phát triển, luật pháp và người điều hành chưa hoàn thiện và đầy kẻ cơ hội lợi dụng chỗ hổng đó đẻ chơi trò kiến và rệp!
2 – Sinh vật nó thế. Chuyện con người có biến đổi gì thì thực ra không hơn gì cộng đồng rệp và kiến. Nó chính xác là một quy luật tự nhiên, tồn tại tự nhiên. Chẳng hề có loại côn trùng tốt và xấu hơn, cũng như con người, ban đầu cũng chẳng có tốt và xấu, Nó chỉ thay đổi khi có nhu cầu nẩy sinh, và những cái đầu năng động và vô đạo đức xuất hiện nhìn ra cái lợi dụng được nhau và tiến hành khai thác!.
Nhưng con người có nhận thức. Con người do vậy biết đặt ra thể chế, đẻ ra luật pháp để khắc chế bớt sự bất công, làm cho xã hội hài hòa hơn. Nhưng chỉ một chút quên đi luật pháp là xã hội dễ quay trở về lối sống của loài kiến rệp và cuộc sống của người lao động sẽ bị đe dọa.
Nhìn ra thì dễ, nhưng khắc chế được tinh thần kiến rệp là chuyện lâu dài của loài người. Còn nhọc nhằn lắm! 3/1/2015