Hamlet, một vở diễn hay

doduc
1 – Trong thưởng thúc nghệ thuật sân khấu kịch và ca nhạc, múa…thì sân khấu kịch luôn là món ăn nặng. Nói như vậy vì lẽ âm nhạc đem lại cảm xúc mĩ cảm giúp thư giãn, không quá phức tạp cho người thưởng thức, cho dù là nghe hòa nhạc với cả dàn nhạc bao nhiêu nhạc cụ thì vẫn có tính đơn tuyến. Còn sân khấu phức tạp hơn nhiều. Không chỉ từ câu chuyện cho vở kịch, còn lớp lang, cả dàn nhân vật với tính cách riêng lại còn tiếng động, phục trang, trang trí sân khấu, ánh sáng… khiến người xem phải có ý thức tập trung cao thì mới nắm được toàn bộ vở diễn.
Sân khấu là một xã hội đương thời thu nhỏ, hay một thời đã qua, tái hiện lại trên sàn diễn đòi hỏi người xem cần nhiều kiến thức thì mới thấm hết vở diễn. Nhưng hiểu đươc vở diễn thì tác phẩm đã truyền tải tới người xem cả một giá trị lớn văn hóa, những giá trị mang tầm nhân loại mà loại hình nghệ thuật khác không có khả năng chuyển tải bằng sân khấu.
Do vậy mà sân khấu thời nào cũng có sự lựa chọn khán giả. Đi xem kịch, phần nhiều là lớp người từ trung niên trở lên. Đấy là lứa tuổi đã qua trải nghiệm cuộc sống, đã có phần vốn sống tạm đủ để có thể tiêu hóa “món ăn” có thể coi là “ nặng” này
2 – vở diễn Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lại đang biểu diễn khá hấp dẫn. Ở đây tôi không nhắc lại giá trị nhân văn vở kịch của Willam Shakespare mà chỉ muốn nhấn mạnh về kết quả của sự hiện đại hóa sân khấu, một sự cách tân mang tính hiệu quả cao cho vở
diễn. Thêm vào đó, đạo diễn Anh Tú đã mạnh dạn đưa những yếu tố văn hóa Việt vào vở diễn, đó là mượn hình thức trò diễn xuân Phả nhập vào vũ điệu dẫn dắt cho những đoạn chuyển hồi của vở kịch làm cho sân khấu trở nên nhẹ nhõm sinh động và gần gũi . Những phản phất hình hài của 5 trò diễn nổi tiếng của làng Xuân Phả: Ngô Quốc, Hoa Lang, Tú Huần, Ai Lao và trò Xiêm thành gài và các lớp múa có mặt nạ tăng thêm tính u uẩn kịch tính cho vở diễn mà không phá vỡ cấu trúc của sân khấu.Tính linh hoạt và sáng tạo của đạo diễn Anh Tú tăng lên khi xử lí vai Hoàng tử Hamlet đang đấu tranh giữa thiện và các, suy nghĩ và hành động trong lúc giả điên, sau những hành vi giả điên cả với người tình Nàng Ophelia ông đã để cho diễn viên Tạ Tuấn Minh đứng thế kết giống như Maicon Giacson trong một ca khúc: Đầu hơi cúi, bàn ta xòe ra khum khum khom lấy vầng trán. Thật là cách xử lý thông minh tuyệt vời, rất thời đại, rõ Hamlet không điên!.
Cách xử lý sân khấu của Doãn Châu cũng nâng vở kịch lên rất nhiều. Đó là một sân khấu chuyển động được bằng các khối hộp. Khi thì tách ra, khi nhập vào rất linh hoạt cho chuyển cảnh, tăng hiệu quả biểu diễn của diễn viên. Một ví dụ cảnh nàng Ophelia trong cơn tuyệt vọng về tình yêu với Hămlet đã chạy trên băng giá và gieo mình tự vẫn trên dòng sông băng là một trong những sáng tạo rất hay của sân khấu Doãn Châu thiết kế.
Cũng không thể không nhắc tới phần ngôn ngữ quan trọng của ánh sáng trong vở kịch này. Ánh sáng gợi lên cho tâm trạng buồn vui, bối rối, lạnh giá hay âm mưu thủ đoạn đen tối, nỗi đau và thù hận… Người ta có thể đọc qua ánh sáng của sân khấu tâm trạng nhân vật. Điều này sân khấu trước đây rất hạn chế thì xử dụng giờ đây nó được khai thác cao độ. Tập trung theo dõi kĩ vở diễn sẽ nhận ra ánh sang ở đây đã nói hộ rất nhiều cho những nội hàm mà kịch diễn và lời thoại chưa nói ra được.
Theo năm tháng, sân khấu kịch Việt Nam có thời kì đã lâm vào khó khăn khi thời đại thông tin mạng và truyền hình lấn át. Sự cố gắng của Nhà hát kịch Việt Nam dựng những vở lớn như Hamlet với sự cách tân, sang tạo được như vậy phải thấy đây là những cố gắng rất lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Như trên đã nói, sân khấu kịch kén chọn người xem. Nó ví như đọc tiểu thuyết, không phải ai cũng đủ tầm để thẩm thấu. Bây giờ đang tồn tại một nghịch lý thời đại: sân khấu nhạc nhẹ, ca khúc thì thắng thế, còn kịch nghệ trở nên khó nhằn với nhưng cái đầu thưởng thức dễ dãi, và nhất là người ta đến với sân khấu giải trí chứ không mấy quan tâm đến sân khấu trí tuệ, bởi cuộc sống đang có sự lệch pha giữa chạy xô kiếm tiền và xao nhãng giá trị văn hóa, cho nên việc cho ra đời những vở lớn như Hamlet của Nhà hát kịch thật đáng ca ngợi về sự kiên trì. Rồi sẽ đến lúc người ta phải quay về với sân khấu kịch vì những giá trị không dễ thay thế nó . 3/12/2015